Tiếng đò xưa

15/10/2020 - 18:25

PNO - Ngày còn nhỏ, nghỉ hè tôi thường được cho về quê ở với ngoại. Nhà ngoại sát bên sông, tiếng máy nổ của ghe xuồng qua lại in đậm vào ký ức tôi như một âm thanh đầy kỷ niệm.

Hồi đó, xuồng nhỏ thì chạy máy “cô-le”, xạch xạch len lách trong những con kênh nhỏ xíu, nước bắn tóe sau đuôi máy, tạo thành những gợn sóng nhỏ dập dềnh đám lục bình. Ghe lớn thì tiếng máy trầm, âm âm mặt sông, phả những con sóng lớn, ì oạp vỗ bờ, có khi lôi theo xuống sông cả một túm đất lở. Nhưng thân quen nhất vẫn là tiếng máy đò.

Đò quê tôi là những chuyến đò chạy dọc theo sông, qua những tên làng xóm hồn hậu đặc chất Nam bộ: cầu Xáng, Ba Rày, Xuân Kiểng… Đoạn sông quê tôi có khoảng bảy, tám chiếc đò chạy qua hằng ngày, luân phiên từ nửa khuya đến chiều tối. Đò Hòa Lợi thì lớn rộng, sạch sẽ, băng ngồi dọc theo thân đò, rộng rãi nên ai cũng thích đi chiếc này. Đò Khang Lợi thì nhỏ hơn nhưng mũi đò cao, khi ghé cập sát được bờ cho dù nước ròng sát đáy. Đò Bảy Ngọng - chết tên này vì cô đứng chống mũi đò ngọng líu, nên ai nấy quên luôn cái tên hoa mỹ của chiếc đò.

Mỗi đò có tiếng máy riêng, không chiếc nào giống chiếc nào. Đêm nghe tiếng máy đò xạch xạch từ cách mấy khúc sông, ông ngoại tôi đã có thể nói trúng phóc tên chiếc đò đang chạy tới. Tôi phục ông ngoại mình sao hay quá xá! Rồi vài tuần sau, mỗi ngày tiếng máy đò như thấm vào tôi, ít lâu tôi tự ngạc nhiên khi mình cũng có thể nghe tiếng mà đoán đò trúng boong như ông ngoại. 

Từ đó, cứ nghe tiếng đò là tôi thầm đoán tên đò rồi ù té chạy ra bờ sông ngóng cổ chờ. Đò chạy ngang qua, nhìn tên đò được kẻ bên hông, rồi dõi mắt theo chiếc đò dần xa, chờ đến khi những gợn sóng từ chiếc đò vỗ những đợt cuối vào bờ thì trò chơi kết thúc… Tôi lại lúc thúc nện chân trần, sấp ngửa chạy vào nhà, lòng rộn ràng vui sướng chi lạ.

Quê nhà bóng ngoại dần xa... Ảnh minh họa
Quê nhà bóng ngoại dần xa... Ảnh minh họa

Mỗi khi về quê, tôi lại có dịp đi đò. Bước xuống đò là biết rằng mình đã về đến quê nhà yêu dấu. Lòng đò chộn rộn tiếng hỏi han. Ở quê, nhà nhà đều là bà con thân thuộc, một con bé thành phố như tôi về quê thăm ngoại là tâm điểm của cả chiếc đò, nên ai cũng muốn thăm hỏi chuyện trò. 

Nhà ngoại tôi có ông Năm, em của ngoại làm bác sĩ. Ai ốm đau bệnh hoạn gì cũng chạy qua kiếm ông. Ngoại hay tích cóp thuốc tây - hồi đó khan hiếm nên quý giá lắm - để dành cho bà con quanh vùng. Trái gió trở trời thì có viên thuốc uống cầm chừng, thuốc ít nhưng niềm tin thì nhiều, nên hầu như thuốc đến là bệnh khỏi. Ngoại coi việc này như một cách tích thiện phước cho gia đình.
Vì nhà có ông Năm bác sĩ nên cứ nghe tiếng máy “Cô-le” xạch xạch dừng ở con kênh bên nhà là tôi lại te tái chạy ra, vì biết có bệnh nhân tới.

Lăng xăng hóng chuyện trong lúc ông Năm thăm khám, rồi chạy đi kể cho tụi hàng xóm đang lấp ló ở hàng rào, nào là: “Chú Bảy Nhật mé nhánh so đũa bị câu liêm rớt trúng tay, ẩu tả quá trời! Ai đời câu liêm mà máng nhánh so đũa”, khi thì chuyện cậu Năm Cất “lội ruộng bị con rắn bự chảng phập chân, cậu Năm chém được con rắn xách theo cho ông Năm coi nữa, rắn xanh dờn có sọc dòm thấy ghê lắm”, lúc thì Ông Tám “phạt cỏ sao mà để cây phảng xẹt trúng chân máu chảy dầm dề, rịt cả gói thuốc rê chạy dìa tới đây mà chưa cầm nổi máu”… Chuyện tôi thuật từ phòng khám của ông Năm lúc nào cũng là đề tài nóng bỏng ở nhà quê, tụi bạn mê hết biết.

Tiếng đò quê cũng là những thanh âm đánh dấu ngày tôi phải rời quê, xa ngoại, trở về chốn thị thành. Ngoại tất bật soạn sắp giỏ lớn giỏ nhỏ, chất đầy trái cây vườn nhà cho tôi xách theo. Từ 3-4 giờ sáng, ngoại đã tay xách nách mang túi to giỏ nhỏ đưa tôi ra bờ sông chờ đò. Chiếc đèn bão hắt chút ánh sáng nhòe nhoẹt trên những tàu dừa lá, tiếng côn trùng rả rích hòa vào tiếng máy đò văng vẳng khúc sông đêm… Đò cập mũi, tôi vội vội vàng vàng chuyển hết giỏ to giỏ nhỏ rồi phóng xuống mũi đò trước khi chiếc đò hết đà xoay ra.

Quê nhà, bóng ngoại dần xa...

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI