Tiếng đập nước ở gian bếp

01/07/2021 - 06:00

PNO - Căn bếp hàng thập niên, đã ủ ấm tuổi thơ tôi để bây giờ lại phủ lên ký ức của con gái những hình ảnh bình an, thơ mộng.

Tôi đi chợ sớm về thì nghe từ cuối bếp có tiếng cười nắc nẻ của con gái. Trời vừa nắng lên, vậy tiếng cười lanh lảnh như dưới bếp đã bày cuộc từ lâu.

Tôi xuống đến nơi thì thấy ngay bậc cửa là một khung hình ngược sáng tuyệt đẹp, một người lớn và một trẻ con đang ngồi ngay ngắn bên nhau, cùng giặt quần áo. Con bé 20 tháng tuổi, được bà ngoại cấp hẳn một thau nước và mấy chiếc áo đã giặt sạch. Nó vừa bắt chước các động tác của ngoại, vừa bắn nước văng tung tóe rồi cười ngặt nghẽo.

Đây là lần đầu tôi cho con trải nghiệm cuộc sống ở quê ngoại. Sáng ra sông, chiều ra ruộng, suốt một ngày trời chơi với trẻ con hàng xóm, rồi đi hết mọi ngõ ngách trong cái xóm cũ của mẹ. Tôi cũng tranh thủ một giấc mơ đã có từ lâu: mơ được về sống dài ngày ở thị trấn cũ, đi chợ cũ, hóng mát ở bờ sông xưa.

Vậy nhưng cho đến lúc được sống trong tiếng cười giòn tan của đứa trẻ trong căn bếp già nua, tôi mới biết trong từng không gian bé nhỏ ở nơi này đang có quá nhiều đoạn đời chồng chất lên nhau. 

Hai bà cháu chơi trò… giặt đồ
Hai bà cháu chơi trò… giặt đồ

Ngồi chơi giũ áo cùng con, tôi nhớ ngày tôi mới lên cấp II thì chị gái tốt nghiệp cấp III rồi đi học xa nhà. Buổi sáng đầu tiên tôi ra sân sau phơi đồ, cô Thúy hàng xóm cứ đứng dòm lom lom rồi hỏi vọng qua: “Bé lớn lại về đó à?”. Tôi ới lại rằng mình là “bé nhỏ”. Cô cười xòa: “Ai nghĩ bé nhỏ cũng biết giặt đồ!”.

Lúc làm con bé nhỏ mới biết giặt đồ đó, tôi đứng chỗ bục có giàn phơi, cách chỗ con gái tôi đang ngồi bây giờ chỉ vài bước chân. Còn cái bậc cửa này, ngày xa xưa hơn nữa có một chái bếp củi của chị.

Mẹ tôi làm công nhân, suốt ngày bận bịu ở nhà xưởng, phải giao hết bếp núc nhà cửa cho con gái lớn. Chiều nào đi học về tôi cũng chạy thẳng ra bếp tìm chị. Lúc đó cơm nước đã xong, giữa mùi thức ăn đầy kích thích trong những buổi chiều muộn đói lả, chị hay tặng tôi một lời rủ rê huyền thoại: “Tối ăn cơm xong chị chở vô thị trấn mua kem bôi mặt!”.

Trường chị học nằm ngay trung tâm thị trấn, nhưng chị luôn để dành chuyện mua đồ làm đẹp để có cớ đèo tôi vào chơi ở mấy hàng tạp hóa lớn. Mấy hiệu kem dưỡng da Việt Nam hồi đó hay chia sản phẩm thành từng gói nhỏ cho phù hợp với túi tiền của thiếu nữ nông thôn.

Vậy nên cứ đôi ba ngày chị lại đèo tôi đi mua. Mỗi bận vòng về, hai chị em lại đạp xe trối chết trên đoạn quốc lộ tối kịt mà vắng tanh, không một bóng người.

Từ gói mỹ phẩm thời xa lắc đó, căn bếp lại dắt tôi sang một buổi chiều dở khóc dở cười cách đây hơn 20 năm. Mẹ tôi đùng đùng về nhà, xách rổ kim chỉ ra đòi… khâu miệng anh tôi lại.

Ông anh lớn hơn tôi bốn tuổi, lúc đó mới vào cấp II, lại can tội “nói chuyện trong lớp quá nhiều, làm các bạn không thể tập trung học”. Mẹ bị cô giáo mời họp riêng nhiều lần, lần nào về cũng gọi anh ra để dỗ dành, khuyên nhủ.

Nhưng chuyện vẫn đâu vào đó. Lần đó họp về, mẹ nói rất chắc chắn: “Lần này phải khâu miệng nó lại thôi. Vì tự nó không kiểm soát được, mẹ đành phải khâu!”. 

Mẹ miệng nói tay soạn rổ kim chỉ rồi kéo anh tôi xuống bếp để “hỏi mấy câu cuối cùng trước khi… khâu”. Tôi sợ quá, vừa khóc vừa xông vào hiện trường, van nài mẹ tha cho anh. Mẹ lệnh cho tôi “về phòng”. Tôi quáng quàng chạy sang hàng xóm, kéo cô Hoa “qua cứu anh con”.

Chuyện đó về sau còn được kể hoài trong xóm. Ai cũng biết hình ảnh tôi cuống cuồng như gà mắc tóc, anh tôi mặt méo xệch, còn hai người lớn thì muốn tắt thở vì cố nhịn cười trong “trận hù dọa phản giáo dục” của mẹ.

Nhưng gian bếp, cũng có những ngày buồn thảng thốt. Tôi đi học về đã thấy mẹ thất thần ngồi đó. Mẹ bệu bạo: “Họ bắt hết gà nhà mình rồi”. Vùng quê nghèo khó hồi đó hay có nạn trộm gia cầm. Nhà tôi không làm nông, đàn gà chỉ là phần mẹ nuôi để cải thiện bữa ăn.

Nhưng lúc nào mẹ cũng nuôi trong thấp thỏm vì hễ gà vừa lớn là lại mất trộm. Không có lứa gà nào mà không bị trộm, có khi mất vài con, có khi mất sạch. Mẹ tiếc đứt ruột, nhiều đợt mất ngủ mấy ngày trời. Nhưng sau đó lại mua về mấy con gà giống, lại rải lúa đầy sân mỗi sáng mỗi chiều.

Con gái quẫy nước bắn vào mặt, tôi mới nhận ra bộ quần áo của con đã ướt mèm. Hai bà cháu đang nghịch nước tung tóe. Căn bếp hàng thập niên, đã ủ ấm tuổi thơ tôi để bây giờ lại phủ lên ký ức của con gái những hình ảnh bình an, thơ mộng.

Ông anh tôi giờ đã trưởng thành như một người đàn ông điềm đạm, hũ “kem mặt” “full size” không còn là điều gì đáng mơ ước, gà bây giờ mẹ nuôi để “làm đẹp cảnh quan” nhiều hơn là vì giá trị dinh dưỡng… Mọi thứ khấm khá lên, chỉ may, là căn bếp vẫn còn, cùng tất cả những ngày tháng thơ mộng cũ. 

Minh Trâm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI