Ngay từ khi nghe Bé Chị báo tin cô đã đặt cọc thuê căn biệt thự rộng hai trăm năm mươi mét vuông ở cạnh bờ sông, ông Hai Chánh chết khiếp. Tiền đâu để trả khi ông bà đã tám năm nay hầu như không làm gì.
Ông bà từ quê dọn hẳn vào Sài Gòn, bó tay bó chân, nhưng được cái sống cùng mấy đứa con nên cũng có niềm vui. Bé Chị làm tự do cũng kiếm đủ sống và lo cho ông bà ổn thỏa. Nhưng dù vậy cũng chẳng thể yên tâm được, làm tự do vẫn khiến ông bà có cảm giác bấp bênh. Nay lại còn thuê hẳn biệt thự tiền tính bằng đô. Ông bà phản đối kịch liệt. Thế nhưng Bé Chị cứng rắn tuyên bố: "Con đã đặt cọc và trả hai tháng tiền nhà rồi, không thay đổi gì đâu".
Sở dĩ Bé Chị kiên quyết như vậy không phải vì cô phung phí hay chơi trội, bản thân cô cũng chẳng có tiền dự phòng, nhưng Bé Út cần có một không gian trong lành và yên tĩnh để chống chọi với những cơn đau từ căn bệnh ung thư diễn tiến quá nhanh. Thế là, mọi sự đã được an bài.
Tuy vậy, để chắc ăn, ông Hai Chánh chở vợ trên chiếc xe máy cà tàng theo địa chỉ mà con gái đưa, lần mò đến khu biệt thự. Nhà ở đây như một thế giới khác, vương giả và bình yên đến lạ. Ông không tưởng tượng được ở xứ Sài Gòn xoay tít tựa như một cái lồng giặt khổng lồ đang ở chế độ sấy khô lại có một nơi ngăn nắp, cây cỏ khắp nơi như vậy.
Đi giữa những con đường nội bộ đầy hoa thơm bướm lượn, lòng ông như mềm lại, như được vỗ về, ông bỗng thấy có một cảm giác yên tâm và khỏe khoắn. Ông nghĩ về đứa con gái út mảnh khảnh, đẹp tựa như cô gái từ trong tranh bước ra vào một chiều trời vừa tạnh mưa, ông bất giác muốn khóc. Bé Út mỏng manh của ông làm sao có thể nằm giữa những ngang dọc bê tông ở những ngôi nhà trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo bất tận ở nội thành được. Không thể giam nó trong không gian bé xíu đóng kín và lạnh một cách máy móc như vậy. Nó mỗi ngày sốt và đau nhức, phải được vỗ về bởi làn gió mát của khúc sông này, của hàng cây này, của những bông hoa thơm ngát. Ông nói với bà: "Bé Chị nó quyết đúng đó bà!".
Vì không có chìa khóa, ông chỉ có thể áp mắt vào sát cửa kính để xem. Thôi thế là tạm ổn, ông đi quanh quan sát khu vườn trước và sau nhà, cỏ và cây ăn trái có vẻ xơ xác vì nhà vắng chủ thuê đã ba tháng nay. Ông nhớ Bé Chị nói, ngôi nhà nó đợi mình đó ba, bảo vệ khu đó nói cả trăm người đến xem rồi đều không quay lại. Ông nghĩ: “Mày đợi gia đình tao thì tao phải có kế hoạch gì đó cho mày và cho gái út của tao chứ”...
Ngày đầu tiên chuyển đồ vào, bà Hai Chung cùng với Bé Cưng và chồng của Bé Chị tất bật lau dọn, tháo lắp và đặt để đồ dùng. Bé Chị phụ trách chăm Bé Út còn ông Hai Chung không rớ tay vào việc dọn nhà. Ông đã tự phân công nhiệm vụ cho riêng mình là chăm lo sức khỏe lâu dài cho cả gia đình, bắt đầu kể từ ngày bước vào ngôi nhà này. Công việc của ông liên quan đến khu vườn. Thì ra ngày đầu cùng bà đi xem nhà, ông đã có ý tưởng trồng một vườn rau để cả nhà có rau sạch trong mỗi bữa ăn. Khi làm công việc này ông cảm thấy tầm vóc mình bỗng dưng lớn lao hơn hẳn dù với các con, ông bao giờ cũng có một vị trí quan trọng.
Khi Bé Út nhận kết quả xét nghiệm, ông là người bình tĩnh nhất nhà. Ông không trốn ra góc nào đó chảy nước mắt như bà, có vẻ như ông bình tĩnh chấp nhận kết quả mà không có chút quẫy đạp hoặc chất vấn số phận đã không công bằng với gia đình mình. Ông và những đứa con gái kiên cường, ngay từ giây phút đó đã lên kế hoạch chiến đấu, dù là đánh nhau với định mệnh, ông cũng không tỏ ra sợ hãi. Lo lắng? Có lo lắng. Lo rất nhiều. Nhưng, không hề sợ hãi và bỏ chạy.
Vốn con nhà nông, ông không xa lạ gì với công việc xới đất trồng rau. Ngay hôm đầu về, ông đã gieo những thùng xốp rau muống, mồng tơi, rau cải, xà lách, cà chua, rau thơm... mỗi thứ một ít. Ông vừa làm vừa nghĩ tới Bé Út ngày một khỏe lên khi hít thở khí trời trong lành và cả nhà được ăn những dưỡng chất thực sự, thứ dưỡng chất không trộn lẫn hóa chất độc hại, nào thuốc trừ sâu, nào chất kích thích tăng trưởng... ông cảm động và vui mừng đến ứa nước mắt.
Những mầm xanh trong vườn rau dần tăng kích thước. Lứa thì hai tuần, lứa thì một tuần đã có thể thu hoạch. Khi khỏe, Bé Út cũng nhúc nhắc hái rau, xếp gọn gàng trên chiếc rổ tre xinh xắn. Bé Chị sau ngày làm việc cũng vào bếp cùng bà Hai Chung. Cảnh mẹ con cùng nấu ăn, cùng sắp mâm sắp chén giữa gió sông mát rượi làm ai nấy nhớ quê. Chuyện cũ thời nảo thời nào ào ào đổ về.
Tháng Tư, đang giữa mùa khô mà cơn mưa ở đâu ào tới. Mưa đổ không dai dẳng, ào xuống dứt khoát rồi tạnh ngay, vừa kịp làm ngã mấy lá rau già. Ông Hai Chánh lấy xe máy chạy đi ngay khi ngớt mưa. Bé Chị còn cầm cọng rau tỉa dở, chạy ra ngó theo tấm lưng ông với ánh mắt thắc mắc.
Lát sau ông trở về hí hửng với cây vợt muỗi trên tay, ông nói: "Mưa đầu mùa kiểu gì một lát trời chạng vạng thì bồ mắc, muỗi, mối cánh... cũng lao vô bóng đèn loạn xạ cho mà coi". Bà Hai Chánh trên lầu bước xuống buông lời không biết khen hay trách: "Ba mi chỉ được cái lo xa".
Tối hôm đó, trong căn biệt thự chưa kịp sắm sang các tấm rèm chắn muỗi, côn trùng, ông Hai Chánh miệt mài vợt muỗi bảo vệ vợ và các con. Tiếng tách tách cứ vang đều, ông vợt không mệt mỏi. Bỗng từ tầng trên khẽ vang lên tiếng đàn guitar tấu giai điệu lãng mạn.
Sau cơn mưa ban chiều, trời mát mẻ, tầm nhìn từ bên này qua bên kia sông trong veo, Bé Út đỡ sốt và tạm thời những cơn đau lắng xuống. Út ngồi dậy cầm đàn để được lắng mình, được nhảy nhót trên giai điệu cất lên từ những ngón tay dài dài xương xương. Ông Hai Chánh vẫn không dừng tay vợt muỗi, ông mỉm cười nhớ tới cuộc gọi rộn ràng hôm đầu tuần của Bé Chị. Bác sĩ nói sức đề kháng của Bé Út hơn hẳn đợt hóa trị trước nên cơ thể tiếp nhận thuốc tốt, diễn tiến bệnh rất tích cực. Tạm không lo chuyện đổi thuốc, đổi phác đồ điều trị. “Ba à, bệnh này chiến thắng chủ yếu nhờ tinh thần. Bé Út dạo này vui vẻ ghê ha ba”, tiếng con gái cứ văng vẳng trong đầu ông. Những sợi tóc trắng rung rung cùng giai điệu bài Romance, tràn đầy hy vọng…
Nguyệt Phạm