Tiếng chuông Việt Nam ngân vang trên sân khấu nước Mỹ

07/05/2022 - 06:26

PNO - Tôi hiểu rõ mình không phải là một nhà giảng đạo hay nhà Phật học và tác phẩm âm nhạc chỉ là cách một nhạc sĩ như tôi cảm thụ tư tưởng Phật giáo Việt Nam theo cách hiểu của mình.

Cuối năm 2019, năm đầu tiên học thạc sĩ ngành sáng tác âm nhạc tại Đại học Texas Tech, tôi bắt đầu sáng tác tác phẩm cho hợp xướng và bộ gõ Buddhist Poems from Vietnam (Những bài thơ Phật giáo Việt Nam), hoàn thành tác phẩm vào đầu năm 2020. Trong khoảng thời gian đó, dịch COVID-19 bùng phát, tất cả những buổi hòa nhạc và sự kiện âm nhạc đều bị hủy bỏ. Thế nên, khi tôi gởi tác phẩm của mình cho tiến sĩ, chỉ huy hợp xướng Julia Davids ở trường cũ là Đại học North Park để xin cô lời khuyên giúp tôi sáng tác tốt hơn cho hợp xướng, tôi không hy vọng tác phẩm của mình sẽ được diễn trong tương lai gần.

Tôi đã rất bất ngờ khi giáo sư Davids quyết định ra mắt tác phẩm này vào ngày 1/4/2022, trong buổi hòa nhạc hợp xướng với chủ đề Where is my voice? (Giọng tôi nơi nao?). Càng vui hơn khi chủ đề buổi hòa nhạc đã thể hiện hành trình học và sáng tác âm nhạc của tôi trên đất Mỹ, khi tôi phải liên tục đi tìm chất giọng của riêng mình lúc viết những tác phẩm kết nối những nền văn hóa Đông - Tây. Cụ thể, trong tác phẩm này, tôi đã dịch những bài thơ Phật giáo thời Lý - Trần mà tôi yêu sang tiếng Anh và phổ những tác phẩm này theo phong cách nhạc hợp xướng nhiều bè đặc trưng của phương Tây. Hơn nữa, trong bộ gõ, ngoài trống conga và trống lắc thông dụng trong dàn nhạc phương Tây, tôi còn dùng cả tiếng mõ gỗ và bát chuông của Phật giáo Việt Nam.Việc đem những bát chuông này đến Mỹ là cả một hành trình cam go nhưng đáng giá. 

Nguyễn Kỳ Nam - sinh viên cao học sáng tác âm nhạc tại Đại học Texas Tech
Nguyễn Kỳ Nam - sinh viên cao học sáng tác âm nhạc tại Đại học Texas Tech

Khi sáng tác, tôi mường tượng trong đầu tiếng chuông Việt ngân vang, trong trẻo - âm thanh thân quen tôi nghe từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất chính là tìm được chuông có cao độ âm nhạc chính xác vì hầu hết các bát chuông được tạo ra với mục đích hỗ trợ Phật tử hành thiền hoặc hành lễ chứ không phải để làm nhạc cụ. Khi biết Đại học North Park sẽ diễn tác phẩm của mình, tôi đã dành rất nhiều thời gian để dò hỏi khắp nơi trên Internet nhưng vẫn không tìm được chuông ưng ý. Ban đầu, trường định dùng chuông chime hay những chiếc chuông Tây Tạng rất phổ biến ở Mỹ để thay thế nhưng tôi chỉ mơ ước phần trình diễn tác phẩm của mình có thể giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về kỹ nghệ của người Việt.

Khi tất cả khán giả như ngưng thở để lắng nghe thì dàn hợp xướng cất tiếng hát cùng nhịp điệu của mõ gỗ, các bát chuông. Âm thanh của mõ gỗ thâm trầm, đều đặn và vững chãi, làm nền cho tiếng bát chuông đẹp trong trẻo như ánh sáng từ một cõi thanh cao. Khi tôi nghe những tiếng mõ, tiếng chuông thân quen của quê hương vang lên trong một khán phòng âm nhạc trang trọng nơi đất khách quê người, tim tôi xốn xang với những kỷ niệm của một thời ấu thơ”.

Nguyễn Kỳ Nam

Trong khi tôi tuyệt vọng nhất, may mắn thay, một người bạn thân từ hồi còn học ở Nhạc viện TP.HCM đã chỉ tôi đến tiệm nhạc cụ của thầy Trần Trung ở 4C Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Vì lúc đó tôi đang ở Mỹ, mẹ tôi đã đến tận tiệm để giúp tôi xem chuông qua một cuộc gọi video. Không thể nói tôi đã mừng rỡ đến mức nào khi nghe được tiếng chuông trong trẻo vang lên theo đúng cao độ tôi cần.

Sau một thời gian bàn bạc với thầy Trung và Trường Âm nhạc, Nghệ thuật, Sân khấu của Đại học North Park, trường đã đồng ý mua bốn chiếc chuông của thầy Trung. Thầy đã nhiệt tình ủng hộ chúng tôi với một mức giá rất ưu đãi. Nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người, cuối cùng, tôi đã thành công trong việc đem những bát chuông của quê hương đến Mỹ.

Những chiếc chuông này độc đáo ở chỗ chúng không chỉ là vật phẩm của một tôn giáo mà còn là nhạc cụ. Vì thế, chúng có cao độ chính xác, màu âm trong sáng và độ ngân vang tuyệt đẹp.

Nguyễn Kỳ Nam giới thiệu thơ thiền Phật giáo Việt Nam trong buổi hòa nhạc hợp xướng với chủ đề Where is my voice? (Giọng tôi nơi nao?) ngày 1/4/2022 tại Đại học North Park
Nguyễn Kỳ Nam giới thiệu thơ thiền Phật giáo Việt Nam trong buổi hòa nhạc hợp xướng với chủ đề Where is my voice? (Giọng tôi nơi nao?) ngày 1/4/2022 tại Đại học North Park

Trước tiên, tôi hiểu rõ mình không phải là một nhà giảng đạo hay nhà Phật học và tác phẩm này chỉ là cách một nhạc sĩ như tôi cảm thụ tư tưởng Phật giáo Việt Nam theo cách hiểu của riêng tôi. Tôi chọn dịch và phổ nhạc những bài thơ này còn vì tôi tin rằng dàn hợp xướng và cả khán giả có thể nhận thấy những thông điệp trong thơ phù hợp với đức tin và giá trị của mình dù họ có theo một tôn giáo khác hay thậm chí là vô thần. May mắn được sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tôi càng hiểu thêm rằng trong khi nhân loại còn cả một quãng đường dài để chấm dứt hoàn toàn những xung đột và bạo lực tôn giáo, vẫn có rất nhiều người tốt đã cho tôi thấy cách một cộng đồng đa sắc tộc, đa văn hóa cố gắng để chấp nhận và yêu thương nhau. Trong đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là tìm thấy những giá trị đại đồng có thể kết nối chúng ta. 

Một trong những thử thách lớn nhất của tôi khi viết tác phẩm này là công đoạn dịch thơ sang tiếng Anh. Thường thì kinh sách và thơ thiền Phật giáo có rất nhiều tầng nghĩa, nhiều cách hiểu. Kể cả các cao tăng và học giả của nhiều tông phái khác nhau cũng rất thường bất đồng ý kiến. Là một nhạc sĩ đơn thuần, tôi có thể cố gắng dịch theo lăng kính của mình nhưng bản dịch của tôi chỉ là một lát cắt bé nhỏ so với ý nghĩa lớn lao và thâm sâu của những bài thơ đó.

Vì đây là một tác phẩm âm nhạc cho hợp xướng, tôi đã viết thêm bè và một đoạn nhạc mới để tô điểm cho giai điệu của bài chú; kể cả tiếng mõ, tiếng chuông cũng mang cao độ và tiết tấu âm nhạc để đóng vai trò nhạc cụ, chứ không đơn thuần chỉ là pháp khí hỗ trợ hành thiền hoặc nghi lễ.

Nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người, tôi đã mang được những bát chuông của quê hương đến đất Mỹ
Nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người, tôi đã mang được những bát chuông của quê hương đến đất Mỹ

Quá trình làm việc với Kỳ Nam rất vui vẻ. Sáng tác này của cô có thủ pháp tinh xảo, đẹp đẽ, kết nối những yếu tố dân gian và tôn giáo của Việt Nam, bao gồm một câu kệ Phật giáo tiếng Phạn, kết hợp với kỹ thuật sáng tác châu Âu bao gồm nhiều đoạn dùng âm nhạc để diễn tả ngôn từ rất gợi hình, gợi cảm...”.

Giáo sư Julia Davids, chỉ huy dàn nhạc

Chương đầu tiên sử dụng một câu chú tiếng Phạn để gợi nhớ nguồn gốc Ấn Độ của Phật giáo nhưng năm chương sau đều dựa vào các bài thơ Phật giáo của Việt Nam, được viết bởi các nhà sư từ thế kỷ X đến XIV - thời vàng son của Phật giáo Việt Nam. Trong một đất nước luôn đối mặt với ngoại xâm và nội chiến, những bậc tăng không tìm giác ngộ trong một cuộc sống ẩn dật mà tích cực tham gia quốc sự, bảo vệ đất nước và người dân. 

Hành trình của một nhạc sĩ có những lúc gian nan nhưng sau đêm ra mắt tác phẩm Những bài thơ Phật giáo Việt Nam, tôi vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc lâng lâng và hương vị ngọt ngào khi tác phẩm của mình được một dàn hợp xướng trình diễn và được khán giả đón nhận nồng hậu. Điều đó đã giúp tôi hiểu rằng, khi kiên trì với những gì mình thật lòng yêu quý, tôi có thể dùng âm nhạc, nghệ thuật để cho thế giới thấy đất nước mình không chỉ có những trận chiến khốc liệt mà còn có một nền văn hóa sâu thẳm nhân văn, một kho báu ẩn tàng đang chờ trao tặng. 

Nguyễn Kỳ Nam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI