Tiếng chim Gioòng giữa đại ngàn Trường Sơn

14/05/2013 - 20:17

PNO - PNO - Giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp, vũ khúc cổ điển Padưư Kuru len lỏi khắp xóm làng Pa Cô, Tà ôi. Nhờ có một chất giọng “trời phú” kết hợp nhiều động tác múa điêu luyện, A Dưa Tư đã chinh phục được tất cả những...

Tất cả những gì A Dưa Tư đã cống hiến cho đồng bào ở phía tây Thừa Thiên - Huế, xứng đáng được so sánh với tiếng hót của chim Gioòng, loài chim luôn mang đến niềm hạnh phúc, sự may mắn, thịnh vượng cho bản làng.

Tieng chim Gioong giua dai ngan Truong Son

A Dưa Tư - "tiếng chim Gioòng" giữa đại ngàn Trường Sơn 

Từ thuở nhỏ, A Dưa Tư đã có năng khiếu về âm nhạc. Cô tâm sự “Mỗi lần nhìn thấy dì Kăn Hoa lúc đó đang công tác ở phòng văn hóa huyện A Lưới về nghỉ phép ở thôn A Năm, xã Hồng Vân, A Lưới, thế nào bọn trẻ con trong làng mình cũng nằng nặc nhờ dì chỉ dạy những vũ khúc Pa Cô. Thời gian đầu ai học cũng thấy khó vì đó là những điệu múa cổ, dần dần mới thấy hay rồi mê, có khi say sưa múa từ đêm khuya đến lúc mặt trời hé dần trên đỉnh núi ”. Năm 1984, (lúc đó mới 14 tuổi) A Dưa Tư được tuyển chọn vào đội truyền thông lưu dộng huyện A Lưới, từ đó cho đến nay A Dưa Tư (còn có tên là Hồ Thị Tư) đã đoạt nhiều huy chương vàng, bạc ở các cuộc thi liên hoan văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở khu vực Bắc miền Trung.

Tieng chim Gioong giua dai ngan Truong Son

Điệu múa A-zưng trong lễ hội Ariêu Piing của người Pa Cô do A Dưa Tư phục dựng, biên soạn

Quyết tâm bảo tồn vốn quý của dân tộc mình, hơn 20 năm qua A Dưa Tư đã rong ruổi khắp các bản làng để sưu tầm, phục dựng gần 50 điệu múa cổ, những bản nhạc có nguy cơ thất truyền của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô. Quá trình trải nghiệm đã giúp A Dưa Tư có nhiều đánh giá khá thú vị về các nhạc cụ, vũ khúc của cư dân ở khu vực Bắc Trường Sơn: Ba dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô sử dụng các nhạc cụ giống nhau, chỉ cách sử dụng là khác nhau. Người Tà Ôi, Cơ Tu có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú. Với họ, ca múa nhạc là loại hình văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày và trong sinh hoạt cộng đồng. Người Cơ Tu, Tà Ôi đến với các hình thức ca, múa, nhạc hết sức tự nhiên, không có sự giới hạn và phân biệt tuổi tác, nam nữ. Người Cơ Tu, Tà Ôi sáng tạo và chơi được nhiều loại nhạc cụ, nổi bật là các nhạc cụ: trống, chiêng, xập xõa, đàn Atoong, Amprây. Trống tiếng trầm và đục. Chiêng cũng có loại chiêng núm, chiêng bằng như chiêng của các dân tộc khác.

Tieng chim Gioong giua dai ngan Truong Son

Hơn 20 năm sưu tầm, tìm kiếm, A Dưa Tư đã phục dựng gần 50 điệu múa cổ của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu

Điểm đáng lưu ý là cách thức đánh chiêng của các nghệ nhân. Khi biểu diễn trong vũ hội, người nghệ sĩ sử dụng cả hai tay: một tay cầm dùi (hoặc nắm lại thành dùi), một tay áp sát vào mặt chiêng để điều chỉnh âm thanh. Do vậy, trên cùng một cái chiêng, người nghệ sĩ có thể tạo nên nhiều cung bậc cao thấp, trầm bổng... khác nhau. Riêng A Toong của Tà ôi, Pa Cô chỉ có 2 thanh gỗ. Quá trình sưu tầm, A Dưa Tư đã phục dựng những vũ khúc của người Pa Cô có nguy cơ thất truyền: Padưư Kuru - mỗi năm tổ chức một lần để cầu mưa thuận gió hòa; Pâr Chiềng Koòng - cúng thần núi thần sông, điệu múa này thường xuất hiện trong những nghi thức lễ hội dân gian truyền thống với mục đích cầu thần núi, thần sông che chở để con trai, con gái cùng nhau hẹn hò đi làm nương rẫy; A zao con - múa chúc mừng, chủ yếu sử dụng trong dịp tết cổ truyền để cúng mừng tạ ơn...

Trọn cuộc đời gắn bó với bản làng, nỗ lực góp phần gìn giữ hồn thiêng của núi rừng Trường Sơn, không ngại vuợt qua bao thác ghềnh, những ngày cuối tuần A Dưa Tư vẫn tất bật với công việc. A Tư nói: “Nếu không tranh thủ thời gian thì khó lòng gặp được các nghệ nhân, bởi những người rành rẽ âm nhạc của dân tộc nay đã tuổi cao sức yếu, có tâm truyền thụ nhưng người học thì rất ít”. 

Hiện, A Dưa Tư đang có kế hoạch cùng đội văn nghệ truyền thông lưu động huyện A Lưới phục dựng một điệu múa mới là Padưư Tâng kin. Điệu múa này để tạ ơn Giàng, đã thất truyền gần 100 năm nay . Ở A Luới chỉ còn một hoặc hai nghệ nhân biết điệu múa này. Bên cạnh đó, A Dưa Tư đang thực hiện “một dự án táo bạo”: ra mắt tập truyện cổ tích của người Pa Cô ở vùng núi phía Bắc dãy Trường Sơn. Trước đó, ở dải đất này mới chỉ có truyện cổ của người Cơ Tu, Tà Ôi.

Bài và ảnh: THUẬN HÓA
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI