Sáng ngày 11/11, vợ chồng ông Cao Viết Hạnh ở xóm Khương Bình, tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) tất bật dọn dẹp nhà cửa khi lũ rút. Trước lũ, vợ chồng ông kê cao các vật dụng trong gia đình để tránh bị nước nhấn chìm, gây hư hại. Bốn chân giường cũng được kê lên, vợ chồng ông suốt đêm ngồi trên đó, canh nước lũ.
Xóm làng ven sông Trà Câu chìm trong nước
"Ở đây thường bị ngập nên tôi và bà con luôn chủ động phòng, chống nhưng vẫn bị thiệt hại ít nhiều. Xóm có chừng 100 nhà thì chỉ có 2 - 3 nhà mới xây cất, nền nhà cao nên nước vào ít, còn lại đều bị ngập nặng. Giờ nước rút nhưng vẫn lo lắm. Ngập nước lâu ngày nên phần móng rệu rã hết rồi, nhà không biết ngã đổ khi nào...", ông tâm sự.
Bão số 9 vừa tan, 3 cơn lũ dồn dập đổ về gây ngập khoảng 800 căn nhà vùng hạ lưu sông Trà Câu. Một số ngôi nhà nơi trũng thấp ngập sâu đến 1,5m. Chừng 3 giờ sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở tổ dân phố Đông Quan, phường Phổ Văn (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) vội ôm con nhỏ lên gác gỗ để tránh lũ. Nước vào nhà khiến anh chị cuống cuồng kê cao lúa và đồ đạc nhưng đành bất lực vì lũ lớn. Chỉ loáng một cái, chiếc xe máy "được" nước chừa lại vạt yên xe bé xíu, nhiều vật dụng khác chìm dưới nước. Chị không giấu nổi vẻ lo lắng, mắt dõi nhìn về phía dòng sông cuồn cuộn chảy. "Dù đã chuẩn bị trước nhưng nước lũ lên nhanh lắm nên không kịp trở tay...", chị nói.
Bao đời, dù đã quen nhưng khi đến mùa mưa bão, cư dân 2 bên bờ sông vẫn không thể thôi nơm nớp âu lo. Nước tràn bờ sông đổ vào ruộng đồng và xóm làng. Những căn nhà bao ngày che mưa nắng ngập sâu trong nước. Những đôi chân trần lội bì bõm thu gom đồ đạc, heo, gà... lùa trâu, bò và di chuyển gia đình đến nơi an toàn. Khi rừng nguyên sinh bị tàn phá để trồng bạch đàn và keo lai, lũ dữ dội hơn trước. Sau 4-6 năm chăm sóc, chủ rừng khai thác cây rồi phát dọn và đốt sạch để trồng mới. Việc đốt sạch - trồng mới - khai thác - đốt sạch khiến rừng trơ trụi.
Không còn cây lớn và thảm thực vật trên mặt đất chắn giữ, nước ào ạt tuôn ra sông suối, cuồn cuộn đổ về xuôi. Nước lên nhanh. Heo, gà nháo nhác. "Khi thấy mây mù ở phía núi rừng Ba Tơ (Quảng Ngãi) là chúng tôi lo chống lũ. Bởi vì nơi ấy là đầu nguồn sông Trà Câu, khi mưa thì chắc chắn nước sẽ đổ về hạ nguồn gây lụt lội...", ông Nguyễn Tấn Lái - Bí thư Đảng ủy phường Phổ Văn, tâm sự.
Lực lượng cứu hộ đón cháu bé từ mái nhà xuống để đưa đến nơi an toàn
Tôi nhiều lần theo lực lượng cứu hộ vào những xóm làng bị cô lập bởi nước lũ tiếp tế thực phẩm và di dời dân đến nơi an toàn. Ghe nhỏ, ca nô lướt trên lũ đến những căn nhà giữa đồng nước mênh mông. Đón chúng tôi là những gương mặt khắc khổ, bao năm không còn lạ việc cuốn tư trang rời nhà, nhưng mỗi bận bước lên ghe cứu hộ vẫn là mỗi lần khóc.
"Dân chúng tôi kiến nghị và lãnh đạo thị xã đã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng đê sông Trà Câu. Lãnh đạo một số bộ ngành ở Trung ương cũng đã về kiểm tra và ghé vào nhà tôi hỏi chuyện ngập lụt và nguyện vọng của người dân. Chúng tôi mong muốn nhà nước sớm xây dựng đê để dân bớt khổ...", ông Hạnh nói.
Tiếng "ầu ơ..." trên lũ
Chiếc ca nô ngược dòng lũ băng qua đồng nước mênh mông lao về phía xóm Lùm, phường Phổ Ninh. Những rặng tre, mái nhà, bụi chuối… hiện dần sau màn mưa. Trung tá Trần Minh Địch điều khiển ca nô tấp vào căn nhà ngập sâu hơn mét nước. Chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ cuống cuồng kê vật dụng lên cao trước cảnh nước lũ tuôn vào nhà. Trung úy Nguyễn Quang Triệu leo lên nóc nhà chuyển mì gói và nước uống cho gia chủ rồi bế hai cháu bé sang ca nô để chuyển đến nơi an toàn.
Lũ thượng nguồn sông Trà Câu đổ về ngày càng nhiều, xóm làng chìm sâu trong nước. Ca nô len lỏi qua những bờ tre, bụi chuối đến từng căn nhà bị cô lập giữa nước lũ. Vừa cập vào mái hiên, Trung tá Địch đưa tay bế cháu bé khoảng 3 tháng tuổi ngủ vùi trong vòng tay mẹ. Bé khá bụ bẫm và rất đáng yêu. Có lẽ vì rét lạnh nên cháu bé giật mình khóc thét khi vừa rời vòng tay mẹ. Anh Địch vội xoay thân mình che mưa cho bé rồi cất tiếng ru: “Ầu ơ… Em tôi buồn ngủ buồn nghê/Con tằm đã chín, con dê đã mùi/Con tằm đã chín thì để lại nuôi/Con dê đã mùi thì để em ăn…”.
Anh Địch ôm cháu bé và cất tiếng ru ầu ơ...
Lời ru lẫn vào tiếng gió, tiếng nước chảy xiết. Anh Địch chuyển cháu bé cho trung úy Phạm Bá Chỉnh rồi đưa tay đỡ người mẹ lên ca nô cứu hộ. Chiếc ca nô rẽ nước lũ quay về điểm tập kết trong mưa gió. Anh Chỉnh vẫn cứ “ầu ơ…” trên nước lũ vì sợ bé thơ thức giấc. Khi đến nơi an toàn với tiếng người nói ồn ào, bé mở đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn xung quanh rồi nhoẻn miệng cười khi mẹ đưa tay đón bé vào lòng.
Mỗi năm, nước lũ lại lên, không biết đến bao giờ "quy trình" này mới ngừng lại. Tiếng "ầu ơ" trên dòng nước lũ, hài đến rơi nước mắt, trước sự dần biến mất của rừng, trước bĩ cực lặp lại có chu kỳ của người dân...
Sông Trà Câu bắt nguồn từ huyện vùng cao Ba Tơ (Quảng Ngãi) với chiều dài khoảng 32km, lưu vực 442km2. Cuối dòng hòa nước vào sông Thoa trước khi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Trà Câu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí 580 tỷ đồng.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.