PNO - H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng, ngành giáo dục không biết tính sao cho năm học 2022-2023, khi cả huyện chỉ có một giáo viên dạy ngoại ngữ. Trước khó khăn đó, một trường học tại Hà Nội đã tuyển dụng 20 giáo viên, chi trả lương để các cô giáo phụ trách việc dạy tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ 76 lớp Ba của huyện.
Giờ tiếng Anh, học sinh lớp 3A4 Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc học với cô giáo Đặng Ngọc Diệp từ Hà Nội. Cô Diệp mở đầu buổi học: “Chúc hôm nay buộc tóc gọn gàng rồi”, “Thắng sao phải đeo kính vậy con?”... Là trường tiểu học của thị trấn, song đa số học sinh của cô Diệp là con em các dân tộc thiểu số. Vì thế, cô Diệp tăng thời gian nghe, đọc và hướng dẫn các em cách phát âm nhiều hơn. Cô Hoàng Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A4 - trực tiếp trợ giảng, quán xuyến nền nếp, hướng dẫn các em tương tác với cô Diệp.
Ở đầu cầu Hà Nội, cô Đặng Ngọc Diệp hào hứng tương tác với các em lớp 3A4 Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc - ẢNH: M.V.
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khâu Vai ở xã Khâu Vai - xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện. Tiết học tiếng Anh của lớp 3A1 rộn ràng cùng tiếng nhạc. Phát âm còn ngọng nghịu, hát cũng chưa đúng nốt nhạc, nhưng em nào cũng tươi vui, háo hức hòa cùng giai điệu. Em Nguyễn Thúy Bình vẽ bức tranh gia đình gồm bốn thành viên. Em giới thiệu với cô giáo Hoàng Thị Mùi trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Minh Chi (Hà Nội) ở màn hình ti vi và các bạn trong lớp: “This is my mother. This is my father…”. Cô Mùi vừa nghe Thúy Bình giới thiệu, vừa khe khẽ phát âm theo.
Giờ học bổ trợ buổi chiều, thầy Lù Văn Bằng mở kho học liệu số, kết nối với màn hình ti vi để hướng dẫn các em ôn tập lại bài học buổi sáng. Thầy Bằng, cô Mùi, cô Hương cùng thật thà chia sẻ, khả năng nghe, nói tiếng Anh của các thầy cô chỉ ở mức bập bõm. Nên việc trực tiếp đứng lớp trợ giảng trong tiết học của các cô giáo Hà Nội - không chỉ là quán xuyến lớp học, sát sao nền nếp, mà còn là cơ hội để các thầy cô củng cố tiếng Anh. Cô Mùi cười: “Năm đầu tiên các em tiếp cận với môn tiếng Anh nên tôi cũng có cơ hội học lại - bắt đầu như chính các em. Những bài học trực quan, sinh động, kết hợp đa dạng để truyền tải kiến thức (như thông qua trò chơi, âm nhạc) khiến không khí lớp học sôi nổi hẳn lên. Bản thân tôi học cùng các em cũng thấy hào hứng”.
Thầy Bằng thì kể: “Để hướng dẫn được các em trong những tiết bổ trợ, tôi đã nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tài liệu trên mạng. Việc trợ giảng cũng giúp tôi rất nhiều trong việc hướng dẫn các em bổ sung, ôn luyện kiến thức môn tiếng Anh”.
Dự án vì cộng đồng
Đó chỉ là một số tiết học trong rất nhiều giờ học trực tuyến đang diễn ra tại 18 trường tiểu học của H.Mèo Vạc. Là năm học đầu tiên học sinh lớp Ba học tiếng Anh theo chương trình mới, nhưng toàn huyện chỉ có 25 giáo viên tiếng Anh, trong đó, riêng bậc tiểu học có duy nhất giáo viên tiếng Anh đang dạy tại Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc. Trước thềm năm học 2022-2023, huyện đã huy động tất cả giáo viên tiếng Anh, bố trí 1-2 thầy cô dạy trực tuyến đến 76 điểm cầu cùng thời điểm. Nhưng vì rất nhiều hạn chế mà sau một buổi thí điểm, phương án này chẳng thể có thêm tiết học thứ hai.
Cực chẳng đã, H.Mèo Vạc phải “cầu cứu” thầy Nguyễn Xuân Khang - 73 tuổi, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (TP.Hà Nội). Ông Bùi Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mèo Vạc - cho biết: “Chúng tôi gặp thầy Khang khi thầy và học sinh của trường liên hệ để tặng một số trường khó khăn của Mèo Vạc rất nhiều sách, truyện, đồ dùng học tập, sách giáo khoa…”. Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh cũng được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mèo Vạc chia sẻ với thầy Khang.
Trước tình trạng đó, cộng thêm việc 25 giáo viên tiếng Anh của huyện không thể đảm đương việc dạy trực tuyến, Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mèo Vạc đã “liều” - gọi điện nhờ thầy Khang hỗ trợ tổ chức dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ đầu cầu Hà Nội. 25 giáo viên của huyện sẽ chia nhau dạy trực tiếp một tiết cho các em.
Thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ: “Ngay khi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, rồi lãnh đạo H.Mèo Vạc nhờ, tôi đã nghĩ mình cần phải giúp. Thế nhưng việc này rất khó khăn nên ngay sau ý nghĩ đó tôi lại phân vân có nên nhận lời hay không”. Khó khăn, bởi với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, thầy Khang sẽ phải hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả các trường ở H.Mèo Vạc đến 7.980 tiết/năm học. Thù lao Trường Marie Curie đang trả cho mỗi giáo viên tiếng Anh là 160.000 đồng/tiết. Để hỗ trợ Mèo Vạc 7.980 tiết/năm học, sẽ cần đến gần 1,3 tỷ đồng.
Kinh phí là một khó khăn lớn. Thầy Khang phải vận động đóng góp từ nhiều nguồn, trong đó có cả phụ huynh của trường Marie Curie. Nhưng điều thầy Khang lo nhất là: Đây là dạy chính khóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy trực tuyến liệu có làm được không và có hiệu quả không? Là môn đặc thù, nên không thể một giáo viên dạy trực tuyến cho mấy lớp cùng lúc - như đề xuất của H.Mèo Vạc được. Bởi giáo viên dạy một lúc quá nhiều học sinh thì sự tương tác với các em sẽ hầu như không có. Các em lại lần đầu biết đến tiếng Anh, mới tám tuổi, khả năng tập trung rất hạn chế… Do đó, thầy Khang quyết định tuyển dụng riêng một đội ngũ giáo viên, phụ trách việc dạy trực tuyến cho học sinh khối Ba của toàn H.Mèo Vạc.
Thông báo tuyển dụng giáo viên tham gia “dự án cộng đồng - giảng dạy trực tuyến ngoại ngữ cho học sinh ở H.Mèo Vạc” được đưa ra khi năm học 2022-2023 cận kề. Song thầy Khang cho biết, kết quả ứng tuyển thực tế khi đó đã vượt ngoài mong đợi. Hai tuần, cả thầy Khang cùng các lãnh đạo H.Mèo Vạc, Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mèo Vạc phải gấp rút chuẩn bị từ phòng học, thiết bị máy móc, kiểm tra đường truyền đến liên hệ các trường lập thời khóa biểu, chuyển sách giáo khoa, tài liệu học tập, tập huấn giáo viên…
Ngày 12/9, học sinh khối Ba của toàn H.Mèo Vạc chính thức được học tiếng Anh từ các cô giáo Hà Nội. Cô Đặng Ngọc Diệp chia sẻ: “Các em học không nhanh được như các bạn miền xuôi, nhưng bù lại, các em rất chú ý nghe cô giảng, chịu khó học bài. Sự hứng thú của các em trong giờ học chính là động lực để tôi từng ngày cố gắng tìm tòi, hoàn thiện phương pháp dạy phù hợp với các em”. Học sinh lớp Ba, xã Khâu Vai biên giới của cô giáo Nguyễn Thị Minh Chi “vẫn nhút nhát, phát âm còn nhiều hạn chế nhưng đã hào hứng hơn rất nhiều so với các buổi đầu” - cô Chi cho biết.
Thầy Nguyễn Văn Phong - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc - cho biết: “Với trình độ của các giáo viên Hà Nội, việc triển khai dạy học tiếng Anh trực tuyến là giải pháp hiệu quả hiện nay. Sau một thời gian bỡ ngỡ, đến nay - giữa học kỳ I, các em đã tiếp cận được với môn tiếng Anh. Trước mắt, các em đáp ứng được yêu cầu của chương trình”.
Phương án dài hơi
Ông Ngô Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND H.Mèo Vạc - thông tin: “Ban đầu, chúng tôi xác định đây là mô hình mới để giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Huyện đã đầu tư trang thiết bị để phục vụ việc dạy học trực tuyến - kết nối từ Hà Nội lên. Đến nay, mỗi trường tiểu học của huyện đều có tối thiểu hai phòng với cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ việc dạy và học trực tuyến”. Được biết vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo H.Mèo Vạc đã tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhiều môn, với mức lương 6 triệu đồng/tháng; riêng môn tiếng Anh, huyện trả lương 8 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không có người ứng tuyển.
Giáo viên tiếng Anh là bài toán huyện không thể giải trong một vài năm tới. Do đó, H.Mèo Vạc xác định, việc nhờ giáo viên Hà Nội dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh toàn huyện, là giải pháp không chỉ trong năm học 2022-2023, mà chắc chắn phải là phương án dài hơi trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.