edf40wrjww2tblPage:Content
Từ năm học 2014- 2015, chương trình Cambridge sẽ bị ngưng triển khai để nhường chỗ cho chương trình tiếng Anh tích hợp của Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh quốc (gọi là chương trình Tích hợp). Thấy gì qua sự việc bất thường này?
Cambridge: bỏ hay học tiếp đều khó
Hiện, TP.HCM có gần 5.000 HS tại 27 trường phổ thông từ tiểu học đến THPT theo học chương trình tiếng Anh Cambridge. Vậy nên, khi ngưng triển khai chương trình này, đông đảo phụ huynh có con đang theo học lo lắng là điều tất yếu.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, năm học 2014 - 2015, TP.HCM không triển khai chương trình Cambridge cho những HS mới, nhưng những HS đang theo học chương trình này thì “tiếp tục học”. Nhưng liệu phụ huynh có thể yên tâm cho con “tiếp tục học” không, khi mà đến lúc chuyển cấp (lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10), chương trình này sẽ bị “bít đường”, HS hoặc phải bỏ dở chương trình Cambridge hoặc phải chuyển sang chương trình Tích hợp, theo thông tin từ Sở GD-ĐT!
Với viễn cảnh đó, phụ huynh buộc phải tính toán: nếu phải bỏ thì tốt hơn hết là bỏ ngay bây giờ; còn nếu phải chuyển sang chương trình Tích hợp thì sao không chuyển ngay bây giờ?
Chúng tôi đã thử đưa ra hai tình huống vừa nêu với nhiều phụ huynh và nhận được câu trả lời rằng: “Thôi thì… bỏ vậy!”.
Dễ dàng tiên đoán được là chương trình Cambridge sẽ chấm dứt sau bốn năm được ngành GD-ĐT TP.HCM cổ động nhiệt tình và triển khai rầm rộ ở tất cả các cấp học!
Học sinh theo học chương trình quốc tế Cambridge ở một trường tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: Trần Huy.
Trách nhiệm của Sở ở đâu?
Bốn - năm năm trước, Công ty EMG Education (gọi tắt là EMG) được Trung tâm Khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) ủy quyền cho phân phối chương trình Cambridge tại Việt Nam.
Để có “đầu ra”, EMG đã “chào hàng” và được Sở GD-ĐT TP.HCM “gật đầu” cho đưa “hàng” vào các trường phổ thông từ tiểu học cho đến trung học phổ thông. Để tạo thuận lợi cho đối tác, Sở GD-ĐT còn động viên, khuyến khích các trường và các phòng GD quận huyện “mở cửa” để EMG “tiêu thụ” sản phẩm.
Nhưng giáo dục là một thứ “hàng hóa đặc biệt” nên rất cần phải “chọn mặt gửi vàng” trong việc chọn lựa đối tác. Đáng tiếc là, chỉ sau bốn năm cung cấp sản phẩm có tên Cambridge, EMG- đối tác của Sở GD-ĐT TP.HCM bỗn… hết hàng.
Tại sao vậy? “Sau cuộc kiểm tra các chương trình tiếng Anh Cambridge của CIE do EMG triển khai tại TP.HCM vào tháng 9/2013, CIE và EMG đã có sự khác biệt quan điểm về tương lai của chương trình Cambridge bao gồm Cambridge tiểu học, Cambridge THCS và Cambridge IGCSE. Chúng tôi đã không thể đạt được thỏa thuận với EMG vì những yêu cầu của mình không được đáp ứng. Vì vậy, chúng tôi miễn cưỡng quyết định thông báo cho EMG trong tháng 1/2014 rằng chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng của chúng tôi với EMG vào tháng 7/2014, phù hợp với các điều kiện của hợp đồng”- bà Tracy, Giám đốc CIE khu vực châu Á- Thái Bình Dương thông tin.
Đây mới thật sự là lý do khiến chương trình bị ngưng triển khai và khiến phụ huynh HS gặp khó. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về Sở GD-ĐT TP.HCM, vì Sở đã chọn cho mình, cho các trường phổ thông, các phòng giáo dục quận huyện và cho phụ huynh HS một đối tác không đáng tin cậy!
Biết ra sao ngày sau?
Ngưng chương trình tiếng Anh Cambridge là thông tin chẳng lành đối với những phụ huynh đang cho con theo học chương trình này. Phải chăng vì thế mà Sở GD-ĐT TP.HCM và EMG đã “ém nhẹm” thông tin về việc chấm dứt chương trình và âm thầm đi tìm một “hình nhân thế mạng”, đó là chương trình Tích hợp?
Và như Sở GD-ĐT “quảng cáo”, sản phẩm này được nghiên cứu và xây dựng theo hướng: rà soát nội dung chương trình giảng dạy các môn của hai hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam và Anh quốc để bổ sung kiến thức được học sâu hơn ở một trong hai chương trình và lược bỏ những phần kiến thức ít cần thiết, ít phù hợp…
Sở còn “ru ngủ” dư luận: “Sau hơn ba năm triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge tại TP.HCM, HS nhiều trường đã quen với việc học cùng lúc hai chương trình và đây là yếu tố rất thuận lợi để triển khai chương trình mới. Chương trình mới sẽ được giảng dạy theo khung chương trình các môn toán, khoa học và tiếng Anh của Anh quốc, xen kẽ với chương trình quốc gia Việt Nam. Giáo viên giảng dạy ban đầu sẽ gồm giáo viên nước ngoài và Việt Nam. HS được đánh giá theo cả hai chuẩn Việt Nam và Anh quốc. Chi phí học tập cũng gần giống như học phí của chương trình tiếng Anh Cambrige trước đó”.
Về nguyên tắc, khi thay đổi một chương trình giáo dục nào đó thì phải chứng minh được chương trình sau phải ưu việt hơn chương trình trước. Vậy, chương trình tiếng Anh tích hợp có ưu việt hơn chương trình tiếng Anh Cambridge? Chẳng có cơ sở nào để khẳng định điều đó.
Về chương trình Cambridge, năm ngoái, khi dư luận báo chí đề cập đến tính “độc quyền” của nó thì một lãnh đạo Sở vẫn khẳng định chương trình là tốt. Mới đây, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn khẳng định: “Đó là một chương trình tốt, hiện nhiều nước trên thế giới đã chọn lựa để giảng dạy cho học sinh của mình. Hiện TP có 27 trường tiểu học, THCS đang giảng dạy chương trình này với 4.800 học sinh theo học. Sau 5 năm, có thể nói học sinh TP đã tiếp thu khá tốt chương trình. Điều này thể hiện qua kỹ năng ngôn ngữ, sự phát triển tư duy và việc ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống”.
Còn chương trình Tích hợp, cho đến nay chẳng ai biết đến nó. Trong quá trình “dọn đường” cho nó, tại Ngày hội giáo dục phát triển 2014 (diễn ra từ 22 - 24/4 vừa qua), Sở GD-ĐT TP.HCM đã giới thiệu nó đến các trường với “Đề án đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Và, “tác giả” của đề án lại là EMG và Sở GD-ĐT TP.HCM(?).
Dư luận không khỏi bức xúc về cách làm giáo dục luôn biến HS trở thành “vật thí nghiệm” và băn khoăn: liệu sau 4 năm nữa, chương trình Tích hợp có bị thay thế bởi một chương trình tiếng Anh nào khác nữa?
Minh Nhật - Tiêu Hà