PNO - Kiếm được việc làm ở Anh là mơ ước của nhiều người, bởi thu nhập ở đây được xếp hạng cao nhất thế giới. Vậy mà, sau 3 tháng sang Anh, chị Nguyễn Thu Hương được nhận vào làm tại hãng thời trang Marks & Spencer danh tiếng.
Sau 9 tháng nỗ lực, chị được giao nhiệm vụ quản lý. Người phụ nữ ấy đã phấn đấu như thế nào để vượt qua cả người bản xứ, có được vị trí đáng mơ ước trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy?
Hình ảnh Nguyễn Thu Hương trên một dòng tin quảng bá sản phẩm của hãng thời trang Marks & Spencer
Từ nhân viên bán hàng trở thành quản lý
Theo chồng sang sinh sống tại thành phố Oxford (Vương quốc Anh) vào đầu năm 2016, chị Hương không nghĩ mình sẽ có được việc làm ở xứ sở này, đặc biệt là khi chị đã 45 tuổi. Thu Hương từng nghe nhiều người Việt sang châu Âu than trời khi không thể kiếm được việc làm tử tế ở các công ty lớn của nước bản xứ. Người Việt sang châu Âu chủ yếu đi làm phục vụ ở quán ăn, làm móng, làm tóc hoặc cùng lắm thì làm nhân viên bán hàng. Nghe đồn như vậy, cộng thêm việc mình đã bước vào tuổi trung niên, lại không có bằng cấp gì của Anh, chị Hương nghĩ cơ hội việc làm cho mình ở Oxford là vô cùng hiếm.
Nhưng vốn năng động, lại ham làm, Thu Hương không chịu ngồi yên. Tình cờ trong một lần đi mua quần áo tại cửa hàng thời trang Marks & Spencer, chị thấy thông tin tuyển nhân viên bán hàng, bèn nghĩ, mình thử nộp đơn ứng tuyển xem sao. Chị gửi đơn qua email và được hãng thời trang này mời đến phỏng vấn. Thật bất ngờ, chị được nhận vào làm nhân viên bán hàng trong khu vực thời trang nam giới của hãng Marks & Spencer.
Khi trở thành nhân viên chính thức của hãng, trải qua một khóa huấn luyện kỹ năng bán hàng và học về văn hóa công ty, chị Hương được phát những tập tài liệu dày cộp bằng tiếng Anh, mới nhìn đã choáng, nhưng chị nỗ lực nghiên cứu, quan sát và lắng nghe, cuối cùng mọi việc cũng dần tốt đẹp.
Được trả lương hơn 11 bảng Anh cho một giờ làm việc (lương tháng của chị khoảng 240 triệu đồng), chị Hương phải nhanh chóng bắt nhịp với những cách thức làm việc mới trong một hãng thời trang hùng mạnh nhất Vương quốc Anh. Doanh số được tính theo từng tuần. Nếu trong tuần, doanh số sụt giảm, lập tức mọi nhân viên đều phải có trách nhiệm, tính toán thay đổi cách làm việc, giao tiếp với khách hàng để gia tăng doanh số. Buổi trưa chỉ được nghỉ đúng 30 phút, sau đó bắt tay ngay vào công việc. Nhân viên bán hàng phải luôn có mặt tại vị trí làm việc của mình, thậm chí đi vệ sinh cũng phải đăng ký. Không nhân viên nào được phép mang điện thoại di động bên mình, cũng không được tụ tập chuyện phiếm dù cửa hàng vắng khách. Nhân viên cũng tuyệt đối không ngồi mà phải đứng trong giờ làm việc, thậm chí là luôn đi lại để quan sát, nắm bắt nhu cầu của khách mà tư vấn hợp lý và kịp thời.
Từng là chủ thương hiệu thời trang Luv’n Gear qua hai thập niên ở Việt Nam, chị Hương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong mọi khâu từ sản xuất tới đầu ra của một nhãn hiệu thời trang. Do đó, chị có lợi thế khi làm việc cho hãng Marks & Spencer. Khách hàng nam giới khi tiếp xúc với Thu Hương ở gian hàng của Marks & Spencer đều có thiện cảm với chị. Họ đều ấn tượng với một phụ nữ ngoại quốc nhỏ nhắn, thân thiện và thông minh, nhiệt tình, có sức hấp dẫn lạ. Nhận thấy hiệu quả cao của người nhân viên nhập cư năng động này, sau 9 tháng chị làm việc tại đây, lãnh đạo Marks & Spencer tại Oxford đã đưa Thu Hương lên vị trí quản lý gian hàng nam giới.
Chị Hương (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tại Marks & Spencer
Dù lên cấp quản lý, trách nhiệm cao hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, nhưng Thu Hương không thấy quá áp lực, bởi lẽ chị yêu công việc này. Gian hàng dành cho nam giới rất rộng và nhiều loại mặt hàng. Là quản lý gian hàng, Thu Hương phải nắm được tất cả số lượng hàng, nắm tình hình hàng bán chạy, hàng tồn để điều chỉnh kịp thời. Đơn cử, chỉ cần một loại khăn trong tuần bị sụt doanh số, là chị sẽ phải tìm cách đảo lại hàng và tiếp thị với khách để đẩy doanh số lên vào tuần sau.
Tạo ra lợi nhuận sẽ được tôn vinh, bất kể bạn là ai
Nhờ kỹ năng tốt, sức sáng tạo, sự đam mê và năng lực cuốn hút riêng, Thu Hương luôn được ban giám đốc khen ngợi vì thành tích xuất sắc. Chị nhiều lần được biểu dương trên bảng vinh danh Nhà quản lý của tháng, của quý. Trong khi đó, một số người bản xứ được tuyển vào hãng cùng đợt với chị đã không thăng tiến nhanh như thế, có người thậm chí không đạt doanh số bán hàng, bị điều xuống làm công việc dọn dẹp vệ sinh.
Chia sẻ kinh nghiệm làm việc thành công tại nước Anh, chị Hương cho rằng, ngoài việc phải thông thạo ngôn ngữ bản xứ, còn cần có lòng đam mê công việc và luôn sáng tạo. Khi bạn đã đặt cả trái tim mình vào việc làm, mọi người sẽ nhận ra. Quan trọng là truyền được cảm xúc cho khách hàng theo hướng tích cực. Theo chị Hương, cánh cửa việc làm ở nước Anh không quá khó mở cho người Việt. Các công ty ở Anh không hề phân biệt người nhập cư như chúng ta thường quan niệm. Khi bạn làm ra lợi nhuận cho họ, họ sẽ cần bạn và luôn tôn vinh, bất kể bạn là ai, từ đâu đến.