Tiền trường: Tăng minh bạch để giảm bức xúc

27/09/2023 - 06:21

PNO - Vừa nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của con gái (lớp Bảy, Trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TPHCM) về các khoản thu cần xin ý kiến phụ huynh, chị Thảo Vân (Báo Phụ nữ TPHCM đã đổi tên các nhân vật trong bài) liền nhắn tin cho bạn bè để bày tỏ bức xúc.

Rối thông tin các khoản thu

Danh sách các khoản thu trong thông báo gồm 7 khoản nhưng có đến 5 khoản mà chị Thảo Vân thấy không hợp lý. Theo chị, cô giáo giải thích rằng, tiền tổ chức dạy 2 buổi/ngày dự thu 172.000 đồng/tháng là học phí buổi 2, nhưng buổi này chủ yếu dạy tiếng Anh và kỹ năng sống, mà 2 khoản này đã được thu riêng. Cụ thể, tiền tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài 8 tiết/tháng dự thu 207.000 đồng/tháng và dạy kỹ năng sống 80.000 đồng/tháng.

Riêng với 2 khoản thu ngoại ngữ và kỹ năng sống, chị Vân cũng không đồng tình: “Trường ký hợp đồng với trung tâm bên ngoài để dạy. Năm trước, con tôi đã học nhưng cuối cùng, chứng chỉ kỹ năng sống ghi sai tên con, còn lớp ngoại ngữ thì có đến 50 học sinh nên không hiệu quả. Tôi không sẵn sàng chi tiền cho những khoản mà mình biết rõ là vô ích”. 

Cũng theo chị, tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (gồm sổ liên lạc điện tử, ứng dụng điều hành, quản lý thông tin giữa gia đình và nhà trường, các ứng dụng dạy học, ôn tập trực tuyến) dự thu 110.000 đồng/tháng là không cần thiết bởi nhà trường có thể dùng nhóm chat Zalo như lâu nay. Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu dự thu 50.000 đồng/năm cũng mang tính hình thức do mỗi học sinh chỉ khám khoảng 3 phút, không hiệu quả.

Tương tự, anh Đăng Bình - có con học tiểu học ở quận Bình Tân, TPHCM - bức xúc kể: “Tôi không đăng ký cho con vào lớp tiếng Anh tăng cường hay tích hợp, nhưng trong thời khóa biểu của con, vẫn có 6 tiết tiếng Anh/tuần. Cô giáo nói nếu không đăng ký học các môn tự nguyện như kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ thì sẽ chuyển con qua lớp khác. Sau đó, cô nói nếu vẫn không đăng ký học thì trong giờ các bạn học, cô sẽ đưa bé xuống thư viện ngồi chờ”.

Theo anh Đăng Bình, môn hoạt động trải nghiệm đã có trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì không nên bắt phụ huynh đóng tiền cho con học môn kỹ năng sống. Hơn nữa, nhà trường có thể lồng ghép các môn kỹ năng sống và STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) vào nhiều môn học. Anh đề nghị tách bạch môn chính khóa với các môn ngoại khóa: “Khi đã kết thúc giờ học chính khóa, học sinh nào có nhu cầu học ngoại khóa thì đăng ký học. Không thể xếp lẫn lộn và thu tiền được”.

Chị Thủy Anh - có con học lớp Tám ở quận 5, TPHCM - cũng hết sức bất ngờ khi cô giáo chủ nhiệm gửi hình ảnh tường phòng học của con bạc màu, tróc sơn và mong muốn phụ huynh hỗ trợ để tô sửa lại lớp trước năm học mới. Sau khi được một số phụ huynh đồng ý, cô đã bỏ tiền túi ra làm và sẽ nhận lại kinh phí từ quỹ lớp. 

Chị bức xúc: “Số tiền cần đóng không nhiều, nhưng tại sao trường công ở TPHCM mà phải để cô giáo tự sơn sửa lớp cho tươm tất rồi kêu gọi phụ huynh gửi tiền bù lại?”.

Dự thu cũng cần giải thích rõ 

Trước bức xúc của phụ huynh, bà Nguyễn Tưởng Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Chiêu - giải thích: “Đó chỉ là bản thu dự kiến, dựa trên dự thảo của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp để tham khảo ý kiến phụ huynh. Còn danh sách và mức thu chính thức thì phải đợi quyết định của UBND quận”.

Một số phụ huynh Trường THCS Phạm Văn Chiêu cho rằng, việc khám sức khỏe cho học sinh chỉ mang tính hình thức, khiến phụ huynh tốn tiền - Ảnh: Trang Thư
Một số phụ huynh Trường THCS Phạm Văn Chiêu cho rằng, việc khám sức khỏe cho học sinh chỉ mang tính hình thức, khiến phụ huynh tốn tiền - Ảnh: Trang Thư

Bà Nguyễn Tưởng Nga cho rằng, khi xem thời khóa biểu, phụ huynh có thể đã hiểu lầm thu tiền buổi 2 là “thu chồng thu”, nhưng thực chất chỉ là trùng khung giờ. Chương trình học dao động từ 37-40 tiết/tuần; nếu buổi sáng đã học 29 tiết thì buổi chiều, học sinh sẽ học thêm 8 tiết, bao gồm các môn: toán (2 tiết), ngữ văn, tiếng Anh, khoa học tự nhiên, đọc sách, lab, năng khiếu (mỗi môn 1 tiết). Do đó, tiền học buổi 2 không phải là tiền của môn tiếng Anh với người bản xứ và kỹ năng sống. 

Bà nói thêm: “Nhà trường hợp tác với những trung tâm có đầy đủ chức năng, chuyên môn và được Sở GD-ĐT TPHCM cấp phép. Nếu chỉ vì một tấm giấy chứng nhận viết sai tên mà đánh giá khóa học không chất lượng thì tôi thấy quá khắt khe”. Theo bà, học tiếng Anh với người bản xứ chủ yếu là học giao tiếp, phát âm nên nếu chịu học thì kết quả vẫn tốt. Mỗi tuần, học sinh học 2 tiết nên mức giá này là hợp lý với phần đông gia đình. 

Cũng theo bà Nguyễn Tưởng Nga, dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số có giá 110.000 đồng/tháng/học sinh là mức dự thu tối đa. Trong đó, nhà trường khuyến khích phụ huynh đăng ký 2 nội dung gồm phần mềm học tập trực tuyến (để học và làm thêm bài tập), tin nhắn điện tử (để nhà trường gửi thông báo cho phụ huynh). Nếu đăng ký 2 khoản này, phụ huynh sẽ đóng 200.000 đồng/năm và đóng 1 lần. Bà nói: “Khi họp phụ huynh, chúng tôi sẽ ghi rõ từng khoản để phụ huynh hiểu, lựa chọn và nếu đồng ý thì đăng ký chứ chúng tôi không ép”.

Về hoạt động khám sức khỏe ban đầu, bà Nguyễn Tưởng Nga thông tin, nhà trường đã liên hệ với trung tâm y tế - nơi khám cho học sinh - và được báo giá 17.500 đồng/học sinh. Việc khám sức khỏe này là bắt buộc, nhưng nếu phụ huynh cảm thấy không thực chất, không muốn khám thì nhà trường sẽ hỏi lại các cấp để đưa ra hướng giải quyết. 

Trước khi bước vào năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu, chi đầu năm học ở các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định. Theo sở, tất cả khoản thu phải được các trường thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh; bộ phận tài vụ của trường đứng ra thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn cho từng học sinh, không giao cho giáo viên thu, chi tiền. 

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm theo phân loại của phụ lục đính kèm Nghị quyết số 04/2023 của HĐND TPHCM đối với các khoản thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí). 

Các khoản dự thu phải dựa theo Nghị quyết số 04/2023

Trong kỳ họp HĐND hồi tháng 7/2023, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 04/2023 quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024. Các trường công lập xây dựng dự thảo các khoản thu dựa vào Nghị quyết 04/2023 của HĐND TPHCM và Công văn số 4687/SGDĐT-KHTC ngày 25/8/2023 của Sở GD-ĐT TPHCM. Từ các phiếu lấy ý kiến của cha mẹ học sinh về các khoản thu đầu năm, nhà trường tổng hợp ý
kiến trình UBND quận, huyện để UBND ban hành quyết định hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học.

Trường cho trung tâm ngoại ngữ “khai thác” học sinh 

Chị Liên Vân - có con học lớp Sáu, Trường THCS Hoa Lư, TP Thủ Đức - bức xúc về cách nhà trường để trung tâm ngoại ngữ bên ngoài vào trường “khai thác” học sinh.

Cụ thể, sau khi học sinh làm bài kiểm tra năng lực tiếng Anh đợt 1 ở trường, giáo viên chủ nhiệm đã gửi vào nhóm Zalo danh sách 31/35 học sinh của lớp vượt qua bài kiểm tra năng lực tiếng Anh do nhà trường phối hợp với một trung tâm ngoại ngữ tổ chức. Sau đó vài ngày, phụ huynh nhận được cuộc gọi từ nhân viên của trung tâm ngoại ngữ, đề nghị đưa con đến trung tâm dự kiểm tra năng lực đợt 2. Khi chị Liên Vân từ chối do hoạt động này nằm ngoài nhà trường, nhân viên này nói: “Con chị nằm trong tốp 10 học sinh có kết quả tốt nhất, sao chị lại như vậy?”. 

Hỏi lại con, chị mới biết nhà trường đã dùng 1 tiết để trung tâm ngoại ngữ vào kiểm tra. Con chị phải điền tên họ, lớp học của mình, tên họ, nghề nghiệp và nơi làm việc của cha mẹ. Con chị chỉ mới làm được vài câu thì họ đã thu bài. Theo chị, nhà trường không được quyền tổ chức hoạt động phối hợp này, cũng không được quyền tiết lộ thông tin của học sinh và phụ huynh.

Bà Nguyễn Dương Minh Hương - Hiệu trưởng nhà trường - giải thích, trung tâm này không phải là đối tác dạy tiếng Anh bản ngữ của trường. Trường chỉ hỗ trợ để trung tâm khảo sát, giới thiệu về trung tâm với học sinh lớp Sáu. Học sinh làm bài khảo sát vòng 1 ở trường, nếu qua được vòng 1 thì được mời đến trung tâm để khảo sát đợt 2. Thời gian khảo sát là trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm chứ học sinh không bị cắt giờ học. Việc giới thiệu này do trường tự cân nhắc, chọn trung tâm uy tín. Bà nói: “Trường chỉ kết nối, còn việc có tham gia hay không tùy thuộc vào nhu cầu của phụ huynh chứ nhà trường không ép”.

Trang Thư

Đồng phục kém chất lượng, mỗi năm mỗi đổi

HĐND TPHCM đã ấn định mức trần các khoản thu, mức thu dịch vụ trong trường công lập, trong đó có tiền mua sắm đồng phục học sinh. 

Theo chị Minh Tâm - có con học ở Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Bình Thạnh - phụ huynh không quá chi li nếu tiền đồng phục có chênh lệch vài chục ngàn đồng so với giá thị trường, nhưng đồng phục phải có chất lượng và con được thoải mái khi mặc. Cuối tuần trước, khi ủi đồng phục cho con trai học lớp Bốn, chị thấy cả 3 chiếc quần đều bị sút chỉ ở đũng. Chị đăng việc này lên nhóm Zalo của phụ huynh thì các phụ huynh khác cũng nêu tình trạng tương tự với quần nam và cho biết thêm: váy của nữ sinh bị thiếu nút ở dây. Do đó, nhà nào cũng phải mang quần, váy của con ra tiệm nhờ sửa lại quần áo.

Hồi còn nghỉ hè, chị Tuyết Mai - có con học ở Trường THCS Nguyễn Văn Bé, quận Bình Thạnh - hỏi con trai học lớp Tám “có muốn mua đồng phục mới không”, con chị nói “đồ năm ngoái còn, con mặc lại”. Nhưng khi đi học được 1 tuần, con chị về than: “Các bạn trong lớp ai cũng mặc áo màu trắng, chỉ còn con và 2 bạn nữa mặc áo xanh”. Đầu tháng 7/2023, khi trường thông báo đổi đồng phục, có nêu: học sinh các năm học trước vẫn dùng mẫu đồng phục chưa điều chỉnh. Nhưng vì không muốn con khác lạ các bạn, phụ huynh phải vất vả đặt mua và tốn tiền mua dù có những bộ đồng phục của năm trước còn mới hoặc chưa dùng đến.

Bích Thảo

Trang Thư - Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI