Tiến tới xóa bỏ thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế

01/04/2013 - 20:02

PNO - PN - Trong các luật về đất đai có đề cập đến quyền của nhà nước nhưng lại thiếu quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý đất đai hiệu quả, dẫn đến tùy tiện trong quy hoạch sử dụng đất...

Khoản 3, điều 58 (sửa đổi, bổ sung điều 18) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, chúng ta không nên quy định quyền thu hồi đất của Nhà nước trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo pháp luật đất đai hiện nay, chủ đầu tư có thể có đất thông qua hai kênh: tự thỏa thuận với người có đất; Nhà nước thu hồi đất nếu dự án thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Nhà đầu tư thường chọn cách thứ hai, bởi giá đất bồi thường rất rẻ. Do đó, để tránh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong đất đai, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất, tránh trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài thì mấu chốt cơ bản nhất là thu hẹp, tiến tới xóa bỏ các trường hợp thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế, để nhà đầu tư và chính quyền không thể nhập nhằng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần xem nhà đầu tư và người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt.

Tien toi xoa bo thu hoi dat vao muc dich phat trien kinh te

TS Nguyễn Tấn Phát, Trường ĐH Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: Điều 58 (sửa đổi, bổ sung điều 18) cần thêm vào khoản 4 “Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà nước trong quản lý đất đai ở các địa phương phải theo quy hoạch tổng thể có tính lâu dài và bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả”. Lý do, trong các luật pháp về đất đai có đề cập đến quyền của nhà nước nhưng thiếu quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý đất đai hiệu quả, dẫn đến tùy tiện trong quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng theo TS Nguyễn Tấn Phát, vì chưa quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nên không thể yêu cầu hoặc ràng buộc trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, từ đó dễ dẫn đến hiện tượng buông lỏng quản lý và lãng phí đất đai ở nhiều địa phương. Mặt khác, việc trao quyền tự chủ trong quy hoạch sử dụng đất quá lớn cho các đơn vị hành chính cấp quận, huyện và xã, phường đã vô tình làm cho công tác quy hoạch tổng thể bị phân tán, thiếu tính tổng thể và hậu quả là loạn quy hoạch sử dụng đất, tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang các mục đích khác. Mặt khác, sự thiếu phù hợp và nhất quán giữa quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và thời hạn giao đất cho người sử dụng đất đã dẫn tới những mâu thuẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân. Theo điều 25 của Luật Đất đai 2003 thì quy hoạch tổng thể là 10 năm và có thể xem xét sửa đổi 5 năm một lần, trong khi thời hạn giao đất cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp là 50 năm. Với thời gian thay đổi quy hoạch như vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải di dời, đất trồng lúa lâu đời phút chốc thay đổi thành khu đô thị mới, KCX, KCN. Những thay đổi đó dẫn đến tâm lý lo ngại và lựa chọn phương án đầu tư ngắn hạn, do đó giảm hiệu quả sử dụng đất. Có những địa phương điều chỉnh liên tục mục đích sử dụng đất càng làm cho công tác quản lý khó khăn, chồng chéo, mất tính ổn định; đất nông nghiệp và nông thôn liên tục bị xâm hại bởi những quy hoạch cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và nhà ở.

Quỳnh Mai (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI