|
Một buổi sinh hoạt của CLB Đan giỏ P.2, Q.8 |
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội LHPN Q.8, TP.HCM đã chỉ đạo cơ sở thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm hỗ trợ về nghề, việc làm cho hội viên (HV), phụ nữ (PN), giúp chị em cải thiện đời sống và có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Khá lên nhờ may gia công
Chúng tôi ghé nhà lúc vợ chồng dì Nguyễn Thị Mỹ (SN 1946, ngụ KP.2, P.7, Q.8) đang cắt may cờ Tổ quốc. Từ khi Hội PN P.7 thành lập CLB PN giúp nhau làm kinh tế gia đình (tháng 7/2015) đến nay, nhờ nhận may gia công cờ Tổ quốc, vợ chồng dì Mỹ có một khoản thu ổn định, phụ con cháu tiền chợ. Ông Bùi Văn Miễn (SN 1942, chồng dì Mỹ) nói vui: “Ban ngày, vợ chồng già cặm cụi may, tối về có con dâu phụ. Tính ra, cả nhà tui đều theo CLB”.
CLB PN giúp nhau làm kinh tế gia đình P.7 hiện có chín nhóm (bốn-năm người/nhóm) thành viên, tập trung tại KP.1 và KP.2; mỗi nhóm nhận may một mặt hàng riêng, gồm: cờ, quần áo, đồ thể dục thể thao. Được vay vốn của Hội PN quận mua máy may, sau đó nhận hà ng về may nên kinh tế gia đình chị Phạm Thị Thu Vân (SN 1967) khá lên từng ngày. Theo chị Vân, đây là công việc thoải mái về thời gian, chị em vừa buôn bán, chăm sóc con, vừa làm hoặc ngày làm công nhân, đêm về may thêm, trung bình mỗi ngày cũng được 100 lá cờ.
Tổ hợp tác PN may gia công P.6, Q.8 cũng hoạt động khá mạnh. Tháng 7/2014, Hội LHPN TP.HCM trợ vốn mua 10 máy may công nghiệp (tổng trị giá 145 triệu đồng) để Hội PN P.6 thành lập tổ nhằm hỗ trợ chị em HV, PN nghèo có nghề, có việc làm. Chỉ mới hoạt động hơn hai năm nhưng tất cả thành viên trong tổ đều phấn khởi, bởi mức thu nhập của các chị thấp nhất cũng tầm ba-bốn triệu đ/tháng. Chị Hoàng Thị Cúc (SN 1965), Tổ trưởng Tổ hợp tác PN may gia công P.6 khoe: “Ngoài 30 thành viên chính thức, tổ còn có 20 “chân rết” là chị em thuộc diện khó khăn, hộ cận nghèo đến nhận hàng về nhà làm.
Trước đây, nhiều chị thậm chí không có quần áo tươm tất để mặc, đời sống quá chật vật nên lúc nào cũng mặc cảm, ngại tiếp xúc, nhưng giờ, nhờ khá lên về kinh tế, tinh thần chị em phấn chấn hẳn. Tổ cũng tạo nguồn vốn riêng bằng cách đóng góp tự nguyện 100.000 đồng/tháng/ thành viên. Số tiền này dùng để mua quà, làm tiệc sinh nhật chung cho các thành viên hoặc phát vay không lãi để những thành viên khó khăn trang bị thêm phương tiện, cải thiện điều kiện làm việc tại nhà”.
Sống vui, sống khỏe
Nhận thấy đan giỏ nhựa là công việc không cần nhiều vốn đầu tư, Hội LHPN P.2, Q.8 quyết định thành lập CLB Đan giỏ vào tháng 7/2014 với 15 thành viên, do chị Huỳnh Thị Phương Lan (SN 1968) làm chủ nhiệm. Chị Lan có thâm niên đan giỏ nhựa xuất khẩu hơn 10 năm nay; từ khi CLB ra đời, chị nhận mối hàng tại một công ty ở Q.Gò Vấp về chia cho các thành viên đan, chị kiêm nhiệm việc dạy nghề. Số thành viên nay đã tăng lên 30 người. Chị Phương Lan chia sẻ: “Thực tế, mỗi ngày chúng tôi làm chừng vài tiếng thôi, ăn theo sản phẩm, thu nhập trên dưới 100.000đ/ngày. Ngoài ra, có khoảng 10 chị trong CLB được vay vốn của Hội để mở quán ăn, quán nước mía ngay tại nhà. Nhìn chung, từ ngày tham gia CLB, chị em khá thoải mái, cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Tháng 9/2013, Hội LHPN P.4 mở lớp đan len do chị Đinh Thị Tuyết Đào (cơ sở Len Phước Đào, Q.7, TP.HCM) hướng dẫn. Đến tháng 3/2015, 10 cán bộ, HV P.4 chung tay thành lập CLB Đan móc len và có buổi “trình làng” ấn tượng khi thành viên Huỳnh Thị Út (SN 1969) giành giải nhì hội thi đan len “Ấm lòng người chiến sĩ” do Hội LHPN Q.8 tổ chức. Nói là đan móc len, song sản phẩm của CLB hiện nay khá phong phú; ngoài các loại mũ, khăn choàng, còn có vòng đeo tay, chuỗi hạt bằng pha lê, hoa voan… Tiền lời thu được khi bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm được CLB trích một phần ủng hộ chính quyền địa phương tổ chức Trung thu cho học sinh nghèo. Bên cạnh đó, nhiều HV khó khăn cũng tìm tới học nghề nên chị Huỳnh Thị Út nhận dạy miễn phí tại nhà.
Vừa gặp chúng tôi, dì Ây Sa, Chủ nhiệm CLB PN Chăm giúp nhau làm kinh tế P.1, Q.8 hồ hởi khoe: “Hồi trước, CLB chủ yếu giới thiệu chị em đan giỏ thôi, giờ thì có cả may gia công, giúp việc nhà, phụ bán quán nữa”. Ban đầu, CLB liên hệ với một cơ sở đan giỏ tại KP.5, P.1, giới thiệu ba chị vào học nghề. Khi đã thành thạo, các chị dạy lại cho những thành viên khác rồi cùng nhau nhận vật liệu về làm. Về sau, có nhiều chị được vay vốn từ nguồn dự án nâng cấp đô thị của Hội LHPN TP.HCM.
Nhờ đó, các chị mạnh dạn đầu tư mở quán bán thức ăn, nước giải khát, mua máy may và giới thiệu cho nhau các mối hàng gia công. Từ ngày tham gia CLB, kinh tế gia đình đượ c cải thiện nên việc học của con em thành viên cũng được quan tâm hơn. 20 thành viên CLB đều hưởng ứng phong trào nuôi heo đất tiết kiệm, tạo nguồn tặng học bổng khích lệ học sinh hiếu học.
Trong hai ngày 10 - 11/8, Hội LHPN Q.8 tiến hành Đại hội đại biểu PN quận nhiệm kỳ 2016- 2021 với 167 đại biểu chính thức. Đại hội sẽ thông qua báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào PN giai đoạn 2011-2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới. |
Mẫn Nhi