|
Dì Bảo Hồng dành nhiều thời gian nghiên cứu các bộ luật để kịp thời thông tin, tư vấn cho chị em hội viên |
Có mặt trong đội ngũ cán bộ hội từ những ngày mới giải phóng miền Nam (1975) đến nay, dì Trần Thị Bảo Hồng (SN 1953, ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN P.5, Q.8, TP. HCM) đã để lại nhiều dấu ấn đẹp về nghị lực vượt khó và các công trình “made in hội” hướng đến chị em hội viên, phụ nữ (HV, PN), trẻ em nghèo.
Tuổi trẻ dấn thân
Dì Bảo Hồng sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại Q.10, TP.HCM. Ba dì đi kháng chiến, còn má lặn lội ra chợ bán gà kiếm tiền nuôi con. Năm 1956, ba dì bị bắt đày ra Côn Đảo gần 10 năm. Ngày ông trở về công tác trong nội thành thì tới lượt má dì vô chiến khu. Con nhà “cộng sản nòi” nên mấy chị em dì cũng phải rong ruổi, khi ở Sài Gòn, khi xuôi về Mỹ Tho sống với dì, cậu. Là chị lớn, Bảo Hồng một buổi đi học, buổi phụ bưng bê cà phê.
Năm 1975, dì Bảo Hồng làm công tác PN ở khóm 9, P.Chánh Hưng, Q.8 (cũ). Hồi đó, một phần nhiệm vụ của các dì, các chị là lo khâu hậu cần cho bộ đội về tiếp quản Sài Gòn. Cũng nhờ vậy mà dì gặp được “một nửa” - thiếu tá Tạ Quang Thắng (SN 1946). Dì nhớ lại: “Đám cưới hồi đó có gì đâu, ổng mặc đồ bộ đội, tôi khoác bộ áo dài sờn cũ. Sống với nhau chưa tròn hai năm, con trai vừa được một tuổi thì ổng lên đường sang biên giới Tây Nam. Đến năm 1980, tôi sinh đứa thứ hai, ổng lại ra chiến trường ròng rã 5 năm nữa”.
Một nách hai con, dì Bảo Hồng vừa làm việc trong Công ty Thương nghiệp tổng hợp Q.8, đưa đón các con vô trường mẫu giáo, vừa đạp xe chở bia hơi, thịt bò đi bỏ mối. Dì tình thiệt: “Tôi sống nhờ trong nhà ba má, không giúp được ông bà cái gì mà còn “bòn” thêm. Chồng ở biên giới, sống chết trong gang tấc. Tháng nào tôi cũng mong thư chồng, hễ lâu không thấy là nhấp nhổm chẳng yên. Có lúc mệt mỏi, áp lực đè nặng tưởng như chỉ sau một đêm mà mình già đi mấy chục tuổi. Dù vậy, tôi vẫn tin vào ngày mai đoàn tụ, tương lai sẽ sáng sủa”.
Giai đoạn 1990 – 1999, dì Bảo Hồng là chủ tịch Hội LHPN P.5, Q.8. Thời điểm này, chỉ vị trí chủ tịch được nhận lương tháng, còn các dì, chị trong ban chấp hành đều làm việc trên tinh thần tự nguyện, không lương. Đời sống rất chật vật, nhưng họ vẫn nhiệt tình, xông xáo lo việc Hội. Tình cảnh đó khiến dì Bảo Hồng trăn trở, vắt óc suy nghĩ. Cuối cùng, dì đề xuất xin chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Hội mở bãi giữ xe tại chợ Nhị Thiên Đường (đường Hoàng Minh Đạo, P.5, Q.8). May sao đề đạt này được chấp thuận. Bãi giữ xe của Hội LHPN P.5 hoạt động từ đó đến nay và là nơi tạo việc làm cho rất nhiều thế hệ CB, HV có hoàn cảnh khó khăn. Dì cũng phát động phong trào tiết kiệm tại chi hội, thành lập các tổ tiết kiệm từ 10 – 15 thành viên/tổ và vận động chị em tham gia. Từ nguồn này, một số chị đã được vay vốn bán cà phê, thức ăn sáng cải thiện kinh tế gia đình.
Hưu mà không nghỉ
Một tối cuối tuần, trong căn nhà nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (P.5, Q.8), dì Bảo Hồng chăm chú ngồi đọc mấy cuốn sách luật. Ngoài hiên, thiếu tá Tạ Quang Thắng đi tới đi lui hóng mát. Ông xởi lởi: “Bả làm riết, nhiều khi sợ bả mệt, nói nghỉ mà đâu được. Gia đình có truyền thống làm công tác xã hội nên tôi chung sức với bả luôn. Tâm niệm của vợ chồng tôi là hưu mà không nghỉ, chừng nào còn khỏe, còn có thể đóng góp cho xã hội dù là vật chất hay tinh thần thì chúng tôi cũng không nề hà”.
63 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, dì Bảo Hồng đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ cán bộ Đoàn, Hội PN, đến cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm, chủ tịch UBND P.5, Q.8… Dù ở đâu, làm gì dì cũng nặng lòng với người nghèo và luôn tìm cá ch hỗ trợ bà con. Bởi sống nghĩa tình, tận tụy trong công việc như vậy nên dì Bảo Hồng có tiếng nói khá “nặng ký” tại địa phương. Từ ngày tham gia hội thẩm nhân dân, dì chạnh lòng khi biết nhiều em “vào tù ra tội” hết cả quãng đời thanh xuân. Em khác thì theo bạn bè đua đòi ăn chơi, hút chích ma túy thay vì học hành, phụ giúp gia đình.
Do đó, mỗi khi họp tổ, chi hội PN, dì thường chia sẻ: “Trong đời sống, không thể tránh khỏi có lúc giận dữ, bực tức, nhưng chị em mình đừng bao giờ hét vào mặt con “mày đi đâu thì đi cho khuất mắt tao”. Câu này dễ gây tổn thương các cháu lắm. Hãy để gia đình thật sự là chỗ dựa, là đường về cho con”. Khi làm công tác hòa giải cơ sở, dì quan niệm: “Không phải mình PN thì nhất nhất bênh PN mà cần tìm hiểu, lắng nghe từ nhiều phía để vạch ra cái đúng, cái sai của từng người”. Như trường hợp chị A., đùng đùng vác đơn đòi ly hôn.
Dì Bảo Hồng tìm hiểu thì biết chị A. không có công việc ổn định, nhưng ham trò đỏ đen. Trong khi đó, chồng chị làm bốc xếp quần quật cả ngày kiếm tiền nuôi vợ và ba người con. Chồng có đôi dép, chị cũng lấy bán. Giận quá, anh đánh chị một cái. Vậy là rùm beng lên. Dì Hồng đã dành nhiều thời gian tâm sự, khuyên chị A. nên nhìn ra cái sai của mình, cái khó của chồng để rồi cùng nhau vun vén lại mái ấm gia đình. Nhờ sự tận tâm của dì mà nay vợ chồng chị A. đã sống hòa thuận, hết lòng chăm lo cho các con.
Dù kiêm nhiệm nhiều trọng trách của Hội, khu phố, tổ dân phố, nhưng lúc nào người ta cũng thấy nụ cười thường trực trên môi dì Bảo Hồng. Cùng với chị em CB, HV, dì hăng hái cầm chổi, ki hốt rác ra dọn dẹp hẻm 1287 Phạm Thế Hiển. Cũng có khi dì đi dự các phiên tòa, tìm tài liệu về các bộ luật mới được sửa đổi, bổ sung để nghiên cứu, hoặc ghé nhà HV, PN thăm hỏi, động viên. Dì nói vui, vì góp nhặt yêu thương từng ngày nên lúc nào dì cũng cảm nhận có “lửa” trong tim mình. Chị Võ Thị Bé Sáu, Chủ tịch Hội LHPN P.5, Q.8 cho biết: “Dù đã lớn tuổi, dì Hồng vẫn chưa một ngày bỏ Hội. Năm nào dì cũng vừa bỏ tiền túi, vừa vận động nhà hảo tâm hỗ trợ năm triệu đồng để phường Hội trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho học sinh nghèo. Ngoài ra, vào dịp “Ngày Phụ nữ và pháp luật”, dì cũng tham gia với tư cách người tư vấn pháp lý miễn phí cho chị em HV”.
Mẫn Nhi