Tiến tới Đại hội Đại biểu Phụ nữ TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021: Điểm tựa của cô chủ trường mầm non

22/08/2016 - 17:18

PNO - Không thể đến giảng đường đại học do nhà nghèo, cô gái ấy đã chọn lối đi khác. Được Hội Phụ nữ tiếp sức, cô đã trở thành cô chủ của một trường mầm non tư thục.

Bỏ công nhân, vào Sài Gòn làm bảo mẫu

Sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuở nhỏ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1978) từng ước mơ làm cô giáo. 18 tuổi, Nhàn thi đậu vào khoa Văn Trường ĐH Đà Lạt. Cầm giấy báo trúng tuyển, chưa kịp vui mừng thì mẹ thủ thỉ: “Nếu ba mẹ cho con đi học xa, có thể các em trai của con phải nghỉ học”. Nhàn đành gác giấc mơ đại học, rẽ sang lối khác.

Thương ba mẹ, thương các em, Nhàn nghe lời khuyên của mẹ, vào Đà Nẵng học trung cấp, ngành thực phẩm. Hai năm sau, cô bắt đầu đi làm, ngày ngày vào nhà máy chế biến, đóng gói. Nhàn canh cánh giấc mơ, nhưng thương ba mẹ nên ráng làm việc. Một năm sau, Nhàn quyết định xin cha mẹ vào TP.HCM làm bảo mẫu cho một trường mầm non tư thục.

Tien toi Dai hoi Dai bieu Phu nu TP.HCM nhiem ky 2016-2021: Diem tua cua co chu truong mam non
Cô Nhàn (trái) đang sinh hoạt nghiệp vụ với các giáo viên Trường mầm non Hoa Quỳnh

Cô bảo mẫu yêu nghề, mến trẻ được nhiều phụ huynh tin cậy và thương quý, được chủ trường tạo điều kiện, cho đi học nâng cao nghiệp vụ. Với khoản lương vỏn vẹn 400.000đ/tháng, Nhàn chắt chiu đóng học phí đến trường. Hai năm sau, Nhàn tốt nghiệp, cũng là lúc cô lấy chồng, sinh con và phải ở nhà chăm con nhỏ.

Khu nhà trọ Nhàn ở (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) có rất nhiều gia đình công nhân. Biết Nhàn từng làm bảo mẫu trường mầm non, hai nữ công nhân sát vách trọ đã mang con nhờ cô giữ, sau đó , nhiều gia đình khác trong khu trọ cũng nhờ giữ con.

Không chỉ chăm lo đủ chất dinh dưỡng cho các bé, Nhàn còn dạy cho các bé nhận biết thế giới xung quanh… Tiếng lành đồn xa, chỉ sau một năm, nhóm trẻ của Nhàn đã có trên 10 cháu. Cô phải thuê một căn nhà hai phòng để vừa làm nơi giữ trẻ, vừa là chỗ tá túc của vợ chồng và hai đứa con trai. Nhàn còn gọi thêm hai người em họ ở quê vào phụ việc.

Chính quyền địa phương đã tìm đến điểm giữ trẻ của Nhàn. Nhàn kể: “Ban đầu, tôi cũng lo lắm, vì nhóm trẻ của mình chưa có giấy phép. Thế nhưng, khi biết tôi có bằng sư phạm, chính quyền địa phương đã hướng dẫn tôi đăng ký ở phường. Về cơ sở vật chất, phường hướng dẫn thiết kế lại để an toàn cho các bé, đồng thời bổ sung thêm nhiều phương tiện phục vụ việc tổ chức nuôi giữ trẻ… Hôm sau, chị chủ tịch Hội PN phường trở lại thăm, nhắc nhở những việc cần làm, động viên tôi nên phát triển cơ sở hơn nữa”.

Lời động viên ấy, khiến cô giáo trẻ trăn trở, tìm cách mở rộng cơ sở trên nền tảng chất lượng đảm bảo, chu đáo, ân cần. Được chồng (một tài xế taxi) động viên, Nhàn quyết tâm xây kế hoạch mở trường mầm non. Nhàn tuyển thêm nhân sự, nhóm lớp mầm non Nắng Mai của Nhàn ra đời, bốn cô phụ trách lớp đều kiêm nhiệm vừa làm giáo viên, vừa làm bảo mẫu.

Chỗ dựa tin cậy

Nhàn kể: “Sau ba năm hoạt động, nhóm lớp nhận hơn 40 bé. Nhà cũ chật hẹp, tôi phải thuê nhà mới cũng ở một con hẻm trên quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước này. Ở chỗ mới được một năm, tôi phát hiện dãy phòng trọ trên đường số 5 khá khang trang, rộng rãi nên đã xin thuê lại, mở trường".

Năm 2010, Trường mầm non tư thục Hoa Quỳnh của cô giáo Nhàn chính thức được thành lập. Ngày thành lập trường, Nhàn có trong tay hai giáo viên đã qua đào tạo và bốn cô giáo “tay ngang”. Khi Nhàn nêu nguyện vọng muốn chỗ “định cư” lâu dài cho ngôi trường của mình, Hội LHPN P.Hiệp Bình Phước và Q.Thủ Đức đã nhiệt tình ủng hộ. Nhàn được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư cơ sở vật chất cho trường.

Nhàn tâm sự: “Mỗi bước trưởng thành của tôi và các giáo viên ở ngôi trường này đều có sự đồng hành của Hội”. Biết Nhàn tâm huyết với nghề, năm 2012, khi chọn thí điểm nâng chất những nhóm lớp mầm non tư thục, Hội LHPN Q.Thủ Đức đã đề xuất cơ sở của cô. Bốn giáo viên của trường được tham gia lớp đào tạo sơ cấp nghề bảo mẫu miễn phí đợt đầu tiên. Riêng Nhàn được Hội giới thiệu qua ngành giáo dục học nâng cao. Nhàn vui, mà cán bộ Hội cũng yên tâm vì có thêm điểm giữ trẻ đảm bảo an toàn.

Hai năm trước, chồng Nhàn mất sau một cơn bạo bệnh. Cô chới với, hụt hẫng. Bên cạnh sự động viên, an ủi của gia đình, cô giáo Nhàn còn nhận được sự chia sẻ từ các phụ huynh, giáo viên, bảo mẫu trong trường và đặc biệt là sự hỗ trợ tinh thần từ Hội PN địa phương. Nhàn nhớ lại: “Các chị ghé thăm tôi thường xuyên. Mỗi lần nhấc điện thoại, nghe chị Hoài (Nguyễn Thị Hoài, Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Thủ Đức) hỏi “em có ổn không Nhàn” là tôi yên tâm, như thấy có chỗ dựa thân thiết”.

Đáp lại sự tin yêu của mọi người, cô giáo Nhàn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các giáo viên, giữ mức học phí phải chăng để thu hút con em người lao động. Cô cùng giáo viên, bảo mẫu của mình luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện của phường, của quận trong khả năng cho phép. Cô Nhàn nói: “Nhờ sự hỗ trợ của Hội và chính quyền địa phương, tôi đã có được một cơ nghiệp để hàng tháng gửi tiền về phụ giúp gia đình ở quê, giúp các em tôi có nghề nghiệp vững vàng. Tôi thấy cơ sở của mình thật may mắn khi được chọn làm mô hình điểm của Hội”.

Ngày ngày, cô giáo Nhàn vẫn đi về ngôi nhà cấp bốn với hai đứa con ngoan, những học trò bé nhỏ, đáng yêu và ngôi trường tư thục của mình. Giấc mơ thời thiếu nữ nay đã thành hiện thực. Nhàn chia sẻ, bây giờ cô chỉ mong được khỏe mạnh, bình an để tiếp tục với nghề chăm trẻ.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI