Tiến thoái lưỡng nan

16/03/2014 - 08:15

PNO - PNCN - Kính gửi cô Hạnh Dung! Em là giáo viên, lâý chồng hơn bốn năm, con đã bốn tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chồng em tính nghiêm khắc, đôi lúc thô lỗ, cộc cằn; trước đây là học trò ngoại ngữ của em. Khi kết hôn, cả hai đều ở ngưỡng U40 nên đã trải qua vài mối tình. Do bản tính gia trưởng nên khi vợ chồng mâu thuẫn, dù chuyện hết sức nhỏ nhặt, chồng em cũng mắng nhiếc thậm tệ, có khi đánh em, lôi những chuyện cũ, dù chẳng liên quan gì, ra để dằn vặt nhau. Thậm chí, có khi anh còn nhục mạ cả gia đình em. Một lần, không biết chồng em gọi điện về quê nói thế nào mà cha chồng gọi vào, đuổi em khỏi căn nhà do vợ chồng em cùng mua (nhưng vì tin tưởng chồng, em không tham gia vào việc mua bán, đứng tên chủ quyền, nên cha chồng cứ nói đó là nhà của ông). Chịu không nổi, em đành chọn giải pháp ly thân, ra ngoài thuê nhà ở hơn một năm nay, tự xoay xở nuôi con ăn học.

Từ lúc đó đến nay, mỗi tuần chồng em vẫn đến trường thăm con. Em còn yêu chồng nên cố giữ liên lạc với gia đình nhà chồng, mong chồng suy nghĩ lại. Tết vừa rồi, thấy con khao khát gặp cha, thấy chồng cũng nhẹ nhàng hơn, dù chỉ trao đổi qua tin nhắn chứ không giáp mặt, em nghĩ chồng em đã phần nào nguôi chuyện cũ, nên viết thư cầu hòa. Không ngờ, chồng em trả lời là chấp nhận cho mẹ con em quay về, nhưng chỉ vì con, hai vợ chồng thì chấm dứt, mặc ai muốn làm gì thì làm. Em thật sự rối trí vì nếu không chịu về thì mình chia cắt tình cha con, nhưng nếu về thì phải sống giả tạo. Sau bức thư đó, chồng em cũng chấm dứt luôn việc đến trường thăm con, nhìn con ngóng cha mà em đứt cả ruột. Em đau lòng vì cách xử sự cạn tình, cạn nghĩa của chồng thì ít mà lo không biết làm thế nào để con có được một cuộc sống bình an thì nhiều. Em phải làm sao để không thẹn với con, với chính mình?

Thu (Q.12, TP.HCM)

Tien thoai luong nan

Em Thu mến,

Con cái được sống bình an không chỉ là mong muốn của riêng em, mà gần như là của tất các các bà mẹ trên đời này. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải cứ “cầu được, ước thấy”, không phải mong muốn nào của con người, dù là vô cùng chính đáng, cũng có thể thành hiện thực. Vì thế, ta chỉ còn cách cố gắng làm tất cả những gì có thể, trong khả năng của mình, cho mong muốn đó, đã là đủ để “không thẹn với con, với chính mình”.

Em đã thấy trước quay về chỉ là sống giả tạo, đóng kịch với con; bản thân em lại phải tiếp tục chịu đựng người chồng gia trưởng, ác nghiệt; phải đối diện với một tương lai mịt mù, chẳng biết ngày mai ra sao. Chồng em cạn tình như thế, sao em chưa tỉnh ra mà cứ còn yêu, còn trông chờ anh ta nghĩ lại? Muốn con cái được sống bình an, điều kiện tiên quyết là cha mẹ phải xây dựng được một môi trường sống yên vui, hạnh phúc. Em liệu sẽ sống giả với con được bao lâu? Trẻ con rất nhạy cảm, có thể chỉ vài tuổi nữa là con em sẽ nhận ra sự bất ổn trong gia đình, trong quan hệ của cha mẹ mình. Cách ứng xử với nhau, mọi mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày bày ra trước mắt, em làm sao che giấu nổi? Trong bối cảnh đó, con em liệu có bình an, có phát triển tâm lý bình thường được như những đứa trẻ khác?

Khi tình nghĩa không còn, hôn nhân đã không thể cứu vãn, cách tốt nhất là giải phóng cho nhau. Qua cơn đau, mọi thứ sẽ dần bình an trở lại. Miễn cưỡng níu kéo chỉ làm dài thêm những bất ổn. Mẹ có bình an mới mong con sống được bình an, dù chỉ còn mẹ con bên nhau. Nói vậy nhưng sau khi chia tay, nếu chồng em thật sự thương con, em luôn tạo điều kiện thuận lợi để anh ta chăm sóc con, những mất mát, thua thiệt của con em sẽ giảm bớt rất nhiều. Đừng trông mong gì vào người đàn ông đó nữa. Bỏ mặc vợ ôm con ra ngoài sống, mình giữ hết nhà cửa, của cải; em nghĩ xem bản chất anh ta thế nào? Dứt khoát ly hôn, giữ được những gì cho mình và con thì phải cố giữ. Hãy mạnh mẽ lên. Không còn có thể nói chuyện bằng tình cảm được thì phải dùng đến lý lẽ, phải rạch ròi, sòng phẳng thôi.

HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI