Ca dao Việt Nam có câu “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” để nói về mối quan hệ gia đình thuận theo tự nhiên. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, kết hôn muộn và hôn nhân không sinh con đã trở thành xu hướng chọn lựa ở một bộ phận người trẻ hiện nay.
|
Tiến sĩ Vũ Toản (Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) |
Trì hoãn sinh con vì còn nhiều vướng bận
Ở nhiều gia đình, sợi dây gắn kết hôn nhân bền vững chỉ thật sự mở ra khi có thành viên mới cất tiếng khóc chào đời. Trong khi người trẻ đang còn mải lo toan với cuộc sống hiện tại thì người lớn tuổi có xu hướng sống chậm, chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời. Với nhiều người, từ khi trong nhà có tiếng bi bô của con trẻ, họ tự tin hơn trước bạn bè, còn ông bà thì mừng vui ra mặt. Việc kết hôn và sinh con lâu nay đã trở thành chuẩn mực xã hội và là động lực để nhiều người phấn đấu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc hôn nhân trở nên thi vị hơn khi sinh con, thì cũng có không ít cặp vợ chồng trở nên bận rộn, mệt mỏi, áp lực hơn. Việc phải dành quá nhiều thời gian và sức lực cho con cái đã khiến nhiều cặp vợ chồng quên mất bản thân mình. Chính vì nỗi lo sợ xuống sắc ở phụ nữ và bất lực trong sự nghiệp ở cả hai giới, quan hệ hôn nhân và gia đình trở nên căng thẳng. Hôn nhân không sinh con đã trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ chọn lựa.
Được và mất
Bên cạnh những cuộc hôn nhân không có khả năng sinh con, thì một bộ phận khác lại sợ đời sống vợ chồng đổ vỡ, kém vui vẻ so với thời kỳ chưa sinh con. Việc không phải chăm sóc và giáo dục con cái giúp họ có nhiều thời gian hơn để tập trung phát triển sự nghiệp, đóng góp tích cực cho cộng đồng và thỏa thích tham gia du lịch - khám phá thế giới đó đây…
Con cái không còn được xem là tài sản bảo hiểm an toàn cho tuổi già. Sự nở rộ các mô hình câu lạc bộ, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi góp phần củng cố nhận thức “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Hệ quả là có con hay không, không chỉ có niềm vui, hạnh phúc, trách nhiệm… mà đối với nhiều cặp vợ chồng, nó còn tạo ra một áp lực rất lớn trong hôn nhân.
Hôn nhân không sinh con trở thành vấn đề xã hội, khi cá nhân tự đánh mất trách nhiệm và niềm tin về khả năng tạo ra một thế hệ tương lai hoàn hảo. Sự chối bỏ nhu cầu sinh con có thể dẫn đến sự đứt gãy những giá trị văn hóa, và nền kinh tế - xã hội quốc gia gặp rủi ro về lực lượng lao động trong quá trình phát triển.
|
Cần nhìn nhận vấn đề hôn nhân không con cái một cách nghiêm túc và công bằng. Ảnh minh họa |
Đâu là sự chọn lựa hợp lý?
Nhưng, chắc chắn, việc sinh một đứa con không thể dựa trên sự so đo giữa được và mất. Mọi lựa chọn sống của con người, của lứa đôi đều hướng về hạnh phúc. Câu hỏi nên hay không nên có con, vẫn là một câu hỏi về hạnh phúc. Liệu, việc có con đối với người nào đó, ở thời điểm nào đó, trong hoàn cảnh nào đó - có phù hợp với việc sống hạnh phúc của họ không?
Khoa học đã chứng minh, việc kết hôn và sinh con trước tuổi 30 có những ích lợi không thể phủ nhận như khả năng thụ thai và sinh con an toàn cao hơn, khi sức khỏe thể chất (đặc biệt ở phụ nữ) vào giai đoạn sung mãn nhất của đời người.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các vai trò xã hội có thể khơi nguồn cảm hứng, giúp người làm cha mẹ sống có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, trải nghiệm sớm với cuộc sống gia đình sẽ giúp họ cảm thấy hạnh phúc và an toàn hơn, mở ra cơ hội tận hưởng cuộc sống khi con cái trưởng thành mà bản thân chưa quá già. Chính vì vậy, kết hôn và sinh con vẫn là giải pháp được nhiều bạn trẻ ngày nay lựa chọn.
Tuy nhiên, việc quyết định kết hôn và sinh con vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về hoàn cảnh ở mỗi cá nhân. Với các ràng buộc lỏng lẻo trong các quan hệ xã hội của lối sống đô thị, cộng với đề cao tự do cá nhân; sự bình đẳng, kết hợp với thực tế chi phí cơ hội cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
Do đó, đối với một bộ phận người trẻ hiện nay, việc kết hôn sớm và sinh con vô hình trung trở thành rào cản đối với sự tự do hưởng thụ và cơ hội thăng tiến của bản thân. Họ coi hôn nhân và sinh con là sự kiện có tính chất cá nhân của nam và nữ. Việc đôi nam nữ không đặt lợi ích chung của gia đình lên trên tình cảm, sở thích cá nhân được xem là một trong những giải thích hợp lý nhất cho mô hình hôn nhân không sinh con xuất hiện ở nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó, xu hướng dành phần lớn tuổi thanh xuân đuổi theo ước mơ sự nghiệp, tìm sự ổn định về kinh tế, cộng với những rủi ro từ môi trường sống bị ô nhiễm cũng làm gia tăng nhiều nguy cơ, trong đó có vô sinh hiếm muộn. Khi kinh tế đã đủ đầy, sự nghiệp vững chắc, thì hành trình “bắt con” cũng như dài thêm.
Vẫn biết con cái không phải là yếu tố quyết định duy nhất đến hạnh phúc gia đình, bởi vẫn có những trường hợp vợ chồng không con vẫn sống hạnh phúc bên nhau đến cuối đời. Ở chiều ngược lại, không ít cặp vợ chồng có con đàn cháu đống, nhưng khi về già vẫn vất vả mưu sinh, thậm chí bị ngược đãi, hành hạ bởi những người con mà họ rứt ruột sinh ra. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề hôn nhân không con cái một cách nghiêm túc và công bằng, để những giá trị của gia đình được vững bền, và đời sống cá nhân được hạnh phúc.
Tiến sĩ Vũ Toản
(Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM)