Tiến sĩ Vũ Duy Thức - đi, về và trải nghiệm

27/01/2022 - 06:26

PNO - Khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) với hơi thở riêng và mang màu sắc Việt Nam, hầu hết người trẻ Việt mảng công nghệ sẽ nghĩ đến Thung lũng Silicon, sự tiên phong, bay bổng trong ý tưởng… và cái tên OhmniLabs cùng Vũ Duy Thức.

Vũ Duy Thức nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford (Mỹ) khi mới 28 tuổi, được tạp chí kinh doanh uy tín của Mỹ - Silicon Valley Business Journal vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Silicon Valley năm 2017.

Vũ Duy Thức cùng anh em tỷ phú nhà Winklevoss tại một hội nghị do Công ty Kambria tổ chức tại Việt Nam - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Vũ Duy Thức cùng anh em tỷ phú nhà Winklevoss tại một hội nghị do Công ty Kambria tổ chức tại Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Là người sáng lập OhmniLabs và sau đó là Kambria - một hệ sinh thái hoạt động trên nền tảng blockchain, Thức cũng gắn liền với nhiều dự án startup đình đám. Với vai trò Giám đốc đầu tư Quỹ Do Ventures, anh như một “ông Bụt” của rất nhiều dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. VietAI - tổ chức phi chính phủ do Vũ Duy Thức đồng sáng lập - cũng mang khát khao xây dựng một mạng lưới nhân tài trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.

Đam mê để “sống nhiều cuộc đời khác nhau”

Phóng viên: Nhắc Vũ Duy Thức, hẳn nhiều người Việt có thể kể vanh vách không ít chuyện. Nhưng nếu chính Vũ Duy Thức kể về mình, anh sẽ nói gì?

Tiến sĩ Vũ Duy Thức: Cuối năm luôn là khoảng thời gian lắng đọng để nhìn lại một chặng đường đã đi qua, nhất là sau một năm với rất nhiều biến động như Tân Sửu 2021. Tôi cũng không ngoại lệ. Điều truyền cảm hứng nhiều nhất cho tôi chính là tháng 11/2021 chúng tôi kỷ niệm mười năm ngày thành lập Vietseeds - quỹ học bổng hỗ trợ tân sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, để họ được theo đuổi toàn bộ bậc đại học tại ngôi trường mình trúng tuyển. Những thế hệ đầu tiên của Vietseeds hiện tại đã ra trường được sáu năm và đạt được những thành công nhất định. Nhưng quan trọng hơn hết, các em đều tràn đầy tinh thần tương thân tương ái, có trách nhiệm với cộng đồng và cả thế hệ tiếp theo. 

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn tất cả, nhưng tôi nghĩ tinh thần lạc quan là điều quan trọng nhất. Trong thời gian TPHCM giãn cách, tôi đang ở Việt Nam, ngoài việc cố gắng duy trì tinh thần làm việc của công ty, tôi cũng cùng bạn bè và đồng nghiệp thu xếp thực hiện một số hoạt động có ý nghĩa. Chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa dịch “Bạn ơi khỏe không?” ra đời trên tinh thần làm một điều gì đó, dù nhỏ, cho cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ bệnh viện tuyến đầu hoặc các vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh cũng thế. Những việc làm mang tính cộng đồng luôn mang đến cho tôi năng lượng tích cực để dũng cảm đối mặt với những thử thách và sau đó là sự hy vọng, lạc quan dành cho những ngày sắp tới. 

* Với anh, việc chọn AI mang khát khao làm-một-điều-gì-đó hay chỉ là theo đuổi một xu hướng hợp thời? Nếu nói những gì hôm nay là một cuộc khai phá chính anh, AI là nơi anh thuộc về, thì có chính xác?

- Tôi được làm quen với máy tính từ rất sớm so với các bạn cùng thế hệ và bắt đầu đam mê lập trình từ lúc học cấp III, nhờ được truyền cảm hứng từ người thầy ở Trường THPT Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM. Khi có cơ hội qua Mỹ học, tôi quyết định theo đuổi khoa học máy tính. 

Tôi bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo từ năm 2001, khi ngành này vẫn còn mới mẻ và chưa “hot” như bây giờ, vì tôi luôn tò mò và thích thú khi được khám phá về cách thức vận hành của trí óc con người, cùng câu hỏi liệu chúng ta có thể dạy cho máy móc sự thông minh của con người hay không.

AI chính là điểm khởi đầu và đam mê về công nghệ mới đã đưa tôi đến những chân trời lớn hơn: Nền tảng kỹ thuật số phi tập trung, những con robot được lập trình phức tạp, có thể tự học hỏi và tự ra các quyết định thông minh để giải quyết các vấn đề của con người.

Ngoài ra còn có lĩnh vực mới nữa là “metaverse” - vũ trụ các thế giới ảo liên kết tương hỗ nhau với đầy đủ hệ thống liên lạc, tiền tệ, vận chuyển, sản xuất... Tương lai của loài người là vô tận với những tiềm năng mà công nghệ mang tới và tôi bị mê hoặc bởi viễn cảnh này. Nó cũng là động lực thúc đẩy tôi dấn thân và làm việc không ngừng nghỉ.

* Có thể xem Vũ Duy Thức là người thành công trong câu chuyện khởi nghiệp, truyền rất nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ Việt. Sự thành công này được đo đếm bằng gì? 

- Sự trải nghiệm. Qua rất nhiều vai trò: một học sinh, một nghiên cứu sinh, một người giảng dạy, một người lăn lộn với đam mê… tôi cũng đã được “sống nhiều cuộc đời khác nhau” - một người khởi nghiệp, một nhân viên của tập đoàn lớn (Google), rồi startup lần nữa, rồi làm nhà đầu tư mạo hiểm, sáng lập các tổ chức phi lợi nhuận... Nhưng cuối cùng, tôi vẫn luôn là một cậu học trò của cuộc đời, không ngừng tìm kiếm học hỏi những trải nghiệm mới mẻ, những cách giải quyết vấn đề táo bạo.

Hành trình trở về

* Vai trò Giám đốc đầu tư Quỹ Do Ventures có phải là một cuộc “trở về” với Việt Nam của anh? Còn cuộc trở về với chính mình - Vũ Duy Thức?

- Thực ra tôi đã đi đi về về được hơn mười năm để đầu tư công nghệ, tư vấn và ươm mầm startup; thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng như quỹ học bổng Vietseeds... Tôi luôn nghĩ mình có hai cuộc đời, một cuộc đời trên “sơ yếu lý lịch” - nơi có những cột mốc, vai trò cụ thể, dễ quan sát và một cuộc đời bên trong mà chỉ có tôi tự biết, tự đánh giá. Đối với tôi, cuộc đời vô hình này mới là quan trọng. 

Có những cuộc cách mạng trong tư tưởng, quan niệm không hiện diện trong thành công trên giấy tờ. Có những chiêm nghiệm, những “điểm bùng phát” hoàn toàn lặng lẽ đối với người xung quanh, nhưng tận sâu thẳm trong tôi đó là một cơn địa chấn, giúp tôi trưởng thành hơn và thêm quý trọng những gì tôi được trao ban. Chúng khiến tôi có trách nhiệm “phải trả lại” cho cộng đồng, cho lớp trẻ kế tiếp.

Với tôi, “trở về” không phải là một cột mốc cụ thể nào cả. Đi rồi về, rồi đi… rất nhiều lần trong mười năm qua đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm không khoảng cách. Bằng sức lực nhỏ của mình, tôi luôn cố gắng đóng góp cho cộng đồng dù ở bất kỳ đâu, nhất là khi thế giới đã “phẳng” và công nghệ có thể xóa đi bất kỳ rào cản địa lý nào như hiện tại.

* Hào quang, sự săn đón của nhiều nơi, hàng trăm cuộc mời chào nói chuyện… nhưng sau tất cả, điều cuối cùng anh muốn hướng đến là gì? 

- Tôi nghĩ mỗi con người đều có một giá trị cốt lõi để tồn tại và phát triển, đối với tôi đó là ba thứ: sự bứt phá phát triển, ý nghĩa trong công việc và niềm vui trong cuộc sống. Khi đi nhiều, tôi càng ý thức về di sản cá nhân, di sản cả về lịch sử, địa lý lẫn văn hóa dân tộc. 

Và tận cùng của tất cả, đó là niềm vui thỏa mãn sáng tạo, cũng như hưởng thụ những ứng dụng của sáng tạo đó để chất lượng cuộc sống của mình, của cộng đồng tốt hơn.

* Với những người trẻ ôm “giấc mộng AI”, nếu có một lời nhắn gửi từ Vũ Duy Thức nhân một ngày đầu năm 2022 với rất nhiều kỳ vọng, anh sẽ nói gì?

- Công nghệ là một đường chạy marathon, quan trọng là sức bền, nên phải biết cách chạy, biết cách nghỉ ngơi, giữ sức và biết bám trụ vào những điểm cốt lõi để những thói quen tốt có thể tạo thành “cộng lực”, từ đó tạo được thành tựu bền vững. Hãy đi từ thực tế cuộc sống, để kiến tạo những sản phẩm hữu dụng, vì công nghệ cuối cùng cũng chỉ là một công cụ để chúng ta hoàn thiện hơn cuộc sống và thúc đẩy phát triển xã hội. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI