“Siêu phố đi bộ”, cần không?

Tiến sĩ Võ Kim Cương: Phố đi bộ không nhất thiết phải ở trung tâm

07/10/2020 - 06:44

PNO - Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang lấy ý kiến từ các sở, ngành cho đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở trung tâm TPHCM với 3 phương án thực hiện.

Lời tòa soạn: Nếu có dịp dạo chơi trên đường đi bộ Nguyễn Huệ hay phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM), ta sẽ nhận ra, người dân thành phố cũng có nhu cầu cần được đi bộ. Đó là một đòi hỏi tự thân của các thị dân, như nhu cầu được hít thở, được bầu bạn với đô thị. Nhưng, đề án tổ chức các phố đi bộ ở khu trung tâm TPHCM mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra mới đây để các sở, ngành góp ý liệu đã hợp tình, hợp lý?

Ba phương án được đưa ra gồm: phố đi bộ cuối tuần cho quận 1, cấm phương tiện lưu thông ở một số tuyến đường vào cuối tuần; phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới lưu thông các ngày trong tuần, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào cuối tuần; phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, trong đó, đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ. 

Dưới đây là ý kiến của Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM.

Phóng viên: Có không ít chuyên gia lo ngại, cùng với quá trình đô thị hóa, sự “suy tàn” của đô thị cũng bắt đầu. Đề án tổ chức các phố đi bộ khu trung tâm TP.HCM mà Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đưa ra mới đây liệu có giải quyết được phần nào vấn đề “sức khỏe” của đô thị TP.HCM hay không?  

Tiến sĩ Võ Kim Cương: Thành phố đang có dấu hiệu của “bệnh”, thể hiện qua ba vấn nạn: tắc nghẽn giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, môi trường sống của người dân cũng chưa được đảm bảo. Những điều này là hệ quả mà lịch sử để lại, thành phố đang cố gắng giải quyết mà chưa hết. Nếu không muốn để lại hệ quả cho thế hệ kế cận, tôi nghĩ, trước khi đặt bút phê duyệt một đề án hay động thổ một dự án nào đó, chính quyền TPHCM cũng nên cân nhắc kỹ.

 “Sức khỏe” đô thị nằm trong một vấn đề chung thuộc về môi trường đô thị, trong đó bao gồm môi trường sinh thái (điều kiện tự nhiên cho sức khỏe) và môi trường xã hội (môi trường tinh thần cho con người đô thị). Việc lập ra phố đi bộ có thể sẽ đạt được cả hai mục tiêu đó. Khi đó, sự giảm thiểu về xe cộ tạo ra môi trường sinh thái tốt hơn, đồng thời giao tiếp giữa người với người hay môi trường xã hội cũng được cải thiện. Tuy nhiên, làm như thế nào lại là vấn đề cần bàn kỹ. 

* Trong ba phương án mà Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đưa ra, ông ủng hộ phương án nào? 

- Tôi không ủng hộ phương án nào cả. Cần xem lại thời điểm của đề án này. Hiện tại, chỉ có đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi là khả dĩ nhất. Tôi nghĩ, lúc này, mở rộng mô hình phố đi bộ thêm nữa là chưa thích hợp.

* Vậy theo ông, khi nào thì mới thích hợp?

- Ít nhất là khi thành phố đã khánh thành tuyến metro, có một hệ thống cơ sở vật chất về giao thông công cộng và hệ thống giao thông tiếp cận khu vực đi bộ hoặc có những tuyến đường thay thế. Ví dụ, khi chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ, phải có tuyến đường khác thay thế nó. Chừng nào giải quyết được những chuyện đó, triển khai cũng chưa muộn. Nếu không, mọi thứ dễ trở nên rối mù, gây trở ngại cuộc sống đang bình thường này, đặc biệt với những cư dân ở đó.

* Đề án mới chỉ hướng đến khu trung tâm mà bỏ quên các khu vực xung quanh và ngoại vi. Khi đời sống kinh tế được đảm bảo, cư dân ở các nơi đó cũng có nhu cầu được đi bộ chứ?

- Tôi cho rằng, không nhất thiết cứ phải tập trung ở khu vực trung tâm TPHCM. Nên chia đều ra ở các khu vực khác, giảm áp lực tập trung tất cả vào một nơi, đồng thời giảm áp lực trong việc tìm phương án giao thông thay thế. Hiện, TPHCM đang có sự phát triển và quy hoạch chưa đồng đều. 

* Từng có những mô hình phố đi bộ thất bại trên thế giới. Việt Nam nên rút ra bài học gì ở đây, thưa ông? 

- Tôi không biết mình có quá cầu toàn không, nhưng tôi vẫn lo, những người làm đề án này chưa khảo sát kỹ cũng như chưa đánh giá hết tác động môi trường, kinh tế, xã hội liên quan. Kể cả khi khảo sát ý kiến người dân thì người dân cũng khó trả lời một cách dễ dàng, vì họ chưa hình dung được nó sẽ như thế nào. Tôi nghĩ, cần một cuộc đánh giá toàn diện hơn nhu cầu thực sự của từng khu vực. 
* Xin cảm ơn ông! 

Cốc Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI