Sách giáo khoa Toán tiểu học theo chương trình mới được tích hợp kiến thức liên môn. Như trong bài học xem giờ, các em được biết đến truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ; hay từ việc học bài toán xếp số, các em sẽ biết được quy trình nở và tàn của hoa sen… Sách do nhà toán học Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, làm chủ biên. Ông nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ) năm 27 tuổi, được phong phó giáo sư ở tuổi 30.
Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Vinh đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM xung quanh câu chuyện làm sao tạo sự hứng thú để trẻ thích học toán.
Phóng viên: Không chỉ là “thuyền trưởng” của “con tàu” IMO (Olympic toán quốc tế) Việt Nam, ông còn được rất nhiều phụ huynh và học sinh tiểu học yêu mến bởi phương pháp rèn tư duy toán học qua trò chơi, câu chuyện và chỉ cho trẻ thấy những ứng dụng thú vị của toán học trong đời sống. Đó có phải là khởi nguồn để ông dạy và viết sách toán cho học sinh tiểu học?
Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Vinh: Khi con gái đầu của tôi lên năm tuổi, cháu bắt đầu muốn đọc sách, muốn được làm các phép tính. Tôi đưa ra những câu đố, cháu rất hào hứng. Nhưng chỉ được khoảng 10-15 phút thì cháu quên mất là đang học và muốn làm việc khác. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản là tìm một vài bạn cùng tuổi với con và dạy theo cách vừa học vừa chơi, để tạo hứng thú cho các bạn ấy.
|
Nhiều năm nay, phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Vinh là người truyền cảm hứng và hướng dẫn học sinh tiểu học cảm nhận bức tranh toán học đầy màu sắc |
Khi tôi đưa thông tin muốn tìm vài bạn học cùng con gái thì có đến mấy chục bạn được cha mẹ đăng ký. Có phụ huynh, con đã lên lớp Bốn nhưng vẫn muốn cho học cùng con gái tôi. Họ nói chỉ cần con được học cách tư duy. Cuối cùng, tôi quyết định chia các lớp theo nhóm tuổi, hy vọng có thể truyền được cho các bạn ấy cảm hứng về toán học. Trước và trong quá trình dạy, tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu của các nước có nền giáo dục phát triển để tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất.
Phương pháp của tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ nền giáo dục Nga. Tại sao nước Nga có một nền văn học vĩ đại? Là bởi họ đưa những giáo sư, viện sĩ hàng đầu trực tiếp giảng dạy cho học sinh tiểu học, họ truyền được sự thích thú, say mê cho học sinh.
Tôi gắn những câu chuyện cổ tích vào toán học. Đề bài có thể có Mít Đặc, Biết Tuốt… để khi đọc, trẻ có thể bật cười và thấy thú vị trước khi bắt tay vào giải toán. Truyền sự thích thú, say mê cho học sinh, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của bất kỳ thầy cô giáo nào.
* Không ít người “đánh giá” việc dạy toán cho học sinh ngày càng khó, khiến học sinh rất khó yêu thích môn học. Ông nghĩ gì về nhận định này?
- Tôi nghĩ không khó để một đứa trẻ hiểu được toán học. Trước một bài thơ, rất khó để các bạn ấy “ồ, à” thích thú, nhưng trước một bài toán thì đơn giản hơn rất nhiều. Có nhiều cách để mang đến cho trẻ sự hứng thú đó. Nếu trẻ không yêu thích môn học, thì đó là lỗi của các thầy cô giáo. Bản thân tôi, khi dạy con cháu, thường hỏi: “Trong những bài toán con làm, con thích bài nào nhất?”. Nhưng hầu hết trẻ không trả lời được. Vì bây giờ, với các cháu, học toán có nghĩa là phải làm bài tập, các cháu chỉ giải toán chứ không có cảm xúc với bài toán.
Tôi hỏi câu tiếp theo: “Trong những bài mà con chưa làm được, con có đang suy nghĩ về bài nào không?”, thì chỉ vài bạn trả lời được. Khi chúng tôi ở tuổi các bạn ấy, chúng tôi học toán rất khác. Tôi nhớ sách bài tập có những bài toán khó, không giải được những bài toán đó, chúng tôi rất khó chịu. Còn giải được một bài toán khó trước lớp thì thấy rất vui và tự hào. Tôi muốn làm thế nào đó, để trẻ con bây giờ học toán, ít nhất cũng phải có được những cảm xúc như chúng tôi trước đây.
* Có lần ông chia sẻ, không chỉ với học sinh tiểu học, khi tiếp xúc với học sinh chuyên toán ở bậc phổ thông, ông cũng không thấy được sự yêu thích môn toán của các bạn ấy như thế hệ mình. Hẳn ông đã nhìn ra nguyên nhân?
- Toán học giống bức tranh đẹp, rất nhiều màu sắc. Nhưng có thể trong chương trình học, các bạn ấy không được thấy bức tranh đó. Nếu có, các bạn cũng chỉ được yêu cầu tô màu chứ không được vẽ, không được cảm nhận về bức tranh. Điều đáng buồn hơn, là trẻ không được tô màu cho cả bức tranh, mà chỉ được tô cái hàng rào. Trẻ tô một cột, hai cột… rồi quen tay, đến cột thứ 11 là tô lặp lại như vậy. Trẻ học giải 10 bài toán giống nhau để có thể dễ dàng giải được bài toán thứ 11 cùng dạng. Nhưng toán học không phải vậy. Tôi nhớ có người nói, đại ý: nếu đứa trẻ đến trường ngày hôm nay, mà ra về và kém tò mò hơn ngày hôm qua thì chúng ta đã thất bại.
* Trong sách giáo khoa Toán tiểu học mới, phương pháp giáo dục và tinh thần giáo dục đó của ông được thể hiện như thế nào, thưa phó giáo sư?
|
Các “nhân vật” đồng hành cùng trẻ trong sách giáo khoa Toán tiểu học mới do phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Vinh làm chủ biên |
- Thay vì thiết kế theo tiết học truyền thống, sách giáo khoa Toán tiểu học mới được cấu trúc theo bài học và chủ đề, mỗi bài gồm bốn phần: khám phá (giới thiệu kiến thức mới), hoạt động (thực hành trên lớp), trò chơi và luyện tập (làm bài về nhà).
Với yêu cầu việc học phải gắn liền thực tiễn, sách Toán mới tích hợp nhiều kiến thức liên môn. Như trong bài học xem giờ, các em được biết đến truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ. Trong bài tập nối phép tính, các em được giới thiệu về thức ăn của các loài vật. Hay từ việc học bài toán xếp số, các em sẽ biết được quy trình nở và tàn của hoa sen… Sách giáo khoa Toán tiểu học mới được “dẫn dắt” bởi một nhóm bạn nhỏ và một chú robot. Các “nhân vật” này sẽ cùng tham gia các hoạt động, cùng “lên lớp” với trẻ.
Với sách giáo khoa Toán lớp Một, học sinh có tám trò chơi, được chia với tần suất ba tuần một lần. Khi được học toán qua các câu chuyện, các trò chơi, câu đố; qua những bài toán tư duy và cả những ứng dụng của toán học trong cuộc sống; trẻ sẽ thấy toán học rất có ý nghĩa, sẽ học toán vì yêu thích chứ không vì điểm số hay để hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao.
Năm cách tiếp cận để dạy toán cho trẻ * Khi dạy toán cho trẻ, ông đặt ra năm cách tiếp cận là gì? - Một: đặt câu hỏi. Người lớn đôi khi đặt câu hỏi cho trẻ nhưng không thực sự mong câu trả lời. Chúng ta phải tôn trọng trẻ, để trẻ suy nghĩ về câu hỏi, về vấn đề. Đó cũng là một trong những triết lý của tôi - để trẻ suy nghĩ chậm lại. Lâu nay, chúng ta luôn quan niệm đứa trẻ nhanh là đứa trẻ thông minh và ngược lại. Nhưng đứa trẻ chậm, có thể không tính nhanh, nhưng suy nghĩ lại logic, thì mình phải quan sát, và làm sao khuyến khích bạn ấy tư duy. - Hai: cho trẻ thời gian suy nghĩ để trả lời. - Ba: không giúp trẻ trả lời, mà hướng dẫn trẻ tự tìm câu trả lời. Nhiều khi vì nôn nóng mà phụ huynh, giáo viên thấy trẻ trả lời chậm là trả lời thay. Nếu người lớn luôn đưa cho trẻ câu trả lời, thì trẻ chỉ là cái máy, chỉ biết học thuộc lòng. - Bốn: chấp nhận sự khác biệt. Khi người thầy hỏi mà trẻ đưa đáp án sai thì người thầy phản ứng thế nào? Thông thường, giáo viên sẽ tìm ngay một câu trả lời khác, từ học sinh khác. Một số hỏi lại là kết quả đó đúng hay sai, có thể trẻ sẽ phát hiện mình sai. Nhưng nếu trẻ vẫn nghĩ kết quả, ví dụ 2+2=6, sẽ phải nói điều gì tiếp theo? Tôi chấp nhận, và hỏi trẻ nếu 2+2=6 thì sẽ có chuyện gì? 2+2=6 cũng có nghĩa 2+1=5; 1=3 và 0=2… Như vậy, tất cả các số sẽ trở thành 0 và 1; 0 và 1 chính là khoa học máy tính. Tôi nói điều mà con nhầm lẫn, thực tế là đã mở ra ngành khoa học máy tính. Trẻ nhận thấy toán học thú vị và rất thích học. - Năm: chú trọng trò chơi. Trẻ cần một người đồng hành, một người dẫn dắt, đôi khi phải bằng cái nhìn ngô nghê như trẻ để cùng trẻ chậm lại, khám phá thế giới chứ không nên yêu cầu trẻ trả lời thật nhanh, thật đúng những điều người lớn đặt ra. |
* Cảm ơn phó giáo sư.
()