Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương: "Phân tích việc mất kết nối để biết cách kết nối"

12/04/2023 - 10:44

PNO - Sự cô lập và mất kết nối với xã hội thường dẫn đến cảm giác cô đơn, tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Cô đơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, căng thẳng...

Rất nhiều lần ta thấy công nghệ giúp những người ở xa nhau xích lại gần hơn và đẩy những người đang ở gần nhau ra xa hơn. Thế nên kết nối với một người không chỉ là thấy mặt nhau và trò chuyện qua loa mà là đặt tâm ý trọn vẹn của ta trong mỗi lần giao tiếp. 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã có những phân tích về ý nghĩa của việc kết nối và lý do chúng ta mất kết nối với những người xung quanh, từ đó giúp ta tìm được cách bắt đầu và duy trì tốt các mối quan hệ thực sự có ý nghĩa. 

Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương
Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương

Kết nối có chiều sâu 

Phóng viên: Trong tình hình cả thế giới được gói gọn trong những chiếc màn hình như hiện nay, theo ông, việc kết nối và giao tiếp trực tiếp có còn nhiều ý nghĩa?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Việc giao tiếp, từ đó kết nối trực tiếp giữa các cá nhân sẽ vẫn còn ý nghĩa ngay cả khi con người sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật để giao tiếp. Dù công nghệ đã giúp mọi người kết nối với nhau từ xa dễ dàng hơn nhưng có một số khía cạnh của sự tương tác giữa người với người không thể được thiết lập thông qua giao tiếp trực tuyến.

Đầu tiên, tương tác trực tiếp mang lại cảm giác về sự hiện diện và gần gũi về thể chất, cho phép thể hiện các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt và ngôn ngữ cơ thể - vốn đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, các thành phần phi ngôn ngữ trong giao tiếp giữa người và người chiếm đến 90% quá trình giao tiếp, giúp truyền đạt cảm xúc, thái độ hiệu quả.

Những tín hiệu phi ngôn ngữ không thể truyền tải qua màn hình. Ngoài ra, chúng còn giúp tránh hiểu lầm, nhận diện được cảm xúc, tâm trạng người đối thoại rõ hơn, nhờ đó xây dựng lòng tin và mối quan hệ giữa các cá nhân. 

Tương tác trực tiếp cũng tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hoạt động, chẳng hạn việc ăn tối cùng nhau hoặc tham dự các sự kiện có khả năng củng cố mối quan hệ xã hội và thúc đẩy ý thức cộng đồng. Tuy giao tiếp trực tuyến có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các kết nối nhưng nó thường thiếu chiều sâu và sự phong phú so với giao tiếp trực tiếp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Các nhà khoa học đã liên tục chứng minh những lợi ích của việc giao lưu trực tiếp…

- Đúng vậy. Việc chia sẻ các hoạt động giao lưu trực tiếp đã được chứng minh có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm nguy cơ trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Kết nối xã hội cũng cải thiện hiệu suất não bộ, bao gồm cả trí nhớ và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sau này.

Sự hiện diện và gần gũi về mặt thể chất còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm căng thẳng và gia tăng cảm giác thư giãn. Nghiên cứu đã phát hiện sự đụng chạm làm dịu trung tâm thần kinh và chậm nhịp tim. Nó cũng làm giảm huyết áp cũng như cortisol - hoóc môn gây căng thẳng - và kích hoạt giải phóng oxytocin - một loại hoóc môn thúc đẩy liên kết tình cảm với người khác. Động chạm cơ thể còn làm tăng mức độ dopamine và serotonin - 2 chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng, lo lắng.

* Rõ ràng việc giao tiếp rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ có con tuổi thanh thiếu niên than phiền rằng họ không thể nói chuyện với con. Lý do là gì, thưa ông?

- Có nhiều nguyên do khiến trẻ vị thành niên từ chối giao tiếp với cha mẹ. Tùy từng lý do mà có các giải pháp khác nhau.

Đầu tiên, việc mất kết nối qua sự gián đoạn giao tiếp xảy ra vì những thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ. Tuổi vị thành niên là thời kỳ có những thay đổi phát triển quan trọng, cả về thể chất và tình cảm. Một trong những sự thay đổi quan trọng nhất là bộ não với những chất dẫn truyền thần kinh và các trung khu tương ứng. Trẻ độ tuổi này đang trải qua một loạt cảm xúc và xung lực mới, thường gặp khó khăn trong việc truyền đạt những sự thay đổi trên một cách hiệu quả.

Thứ hai là mong muốn lẫn nhu cầu độc lập của trẻ. Khi bắt đầu hình thành bản sắc và ý thức tự chủ, trẻ có xu hướng chống lại quyền lực của cha mẹ, tìm kiếm sự độc lập. Sự độc lập này không chỉ giới hạn trong việc từ chối những yêu cầu hay mệnh lệnh, mà còn biểu hiện qua việc không muốn xuất hiện cùng cha mẹ tại nơi công cộng. Điều đó đôi khi dẫn đến xung đột về các quy tắc và kỳ vọng, đồng thời khiến trẻ ngại giao tiếp với cha mẹ.

Tại một buổi trò chuyện nhân ngày Quốc tế Phụ nữ
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (thứ hai từ trái sang) tại một buổi trò chuyện nhân ngày Quốc tế Phụ nữ

Thứ ba là những rào cản giao tiếp. Thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc giao tiếp hiệu quả với cha mẹ còn do sự khác biệt về phong cách giao tiếp, ngôn ngữ, chuẩn mực văn hóa. Mỗi thế hệ đều có phong cách giao tiếp khác nhau, thậm chí một thiếu niên ở Việt Nam lại có phong cách giao tiếp gần gũi với một thiếu niên ở Mỹ hơn là với cha mẹ. Tương tự, ngôn ngữ cũng là một rào cản với những từ ngữ đặc thù của lứa tuổi. Dĩ nhiên yếu tố văn hóa cực kỳ quan trọng. Nếu sự thay đổi văn hóa trong quốc gia diễn ra quá nhanh và quá lớn, sự gãy đổ chuẩn mực văn hóa giữa các thế hệ chắc chắn sẽ là rào cản lớn nhất khiến trẻ ngần ngại trong giao tiếp.

Thứ tư là những khoảng cách về tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Một số thanh thiếu niên xa cách với cha mẹ bởi những xung đột hoặc tổn thương trong quá khứ, vì thế rất khó mở lòng chia sẻ. Tình trạng này đặc biệt xảy ra với những bậc cha mẹ duy trì sự mâu thuẫn bằng cách tránh né hòa giải, áp đặt yêu cầu, thậm chí giải pháp. Tệ hơn nữa là cha mẹ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tạo ra những xung đột kéo dài. 

Cuối cùng là sự thiếu tin tưởng vào khả năng thông hiểu, thiện chí đồng cảm, cũng như thái độ chân thành và cởi mở của cha mẹ.

Thanh thiếu niên sẽ ngần ngại giao tiếp với cha mẹ nếu cảm thấy cha mẹ chỉ hỏi han chiếu lệ nhưng lại rất chú ý đến những vấn đề riêng của bản thân, thậm chí đôi khi quan tâm những đoạn video vô bổ trên mạng hơn việc trò chuyện với con cái.

Sự khác biệt giữa phong cách và chuẩn mực văn hóa cũng khiến sự thông hiểu trong giao tiếp bị giới hạn, làm trẻ nản chí và bỏ cuộc. Nhiều trẻ thấy mỗi lần giao tiếp, chúng chỉ nhận về những lời phán xét, chỉ trích, miệt thị. Sự thiếu tin tưởng có thể khiến trẻ khó cảm thấy thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc. 

* Nhiều cha mẹ tuổi trung niên cũng không nói chuyện với cha mẹ mình. Họ chỉ chăm sóc sức khỏe, ăn uống, quần áo chứ không thể bầu bạn. Có phải việc kết nối với người thân xem ra chẳng dễ dàng?

- Việc kết nối với người trong gia đình, đặc biệt với cha mẹ, đôi khi còn khó hơn với bạn bè hay đồng nghiệp và bây giờ là chatbot. Các mối quan hệ gia đình thường đi kèm lịch sử lâu dài và xung động phức tạp. Đôi lúc, những hiểu lầm trong quá khứ khiến việc kết nối sâu sắc trở nên khó khăn. 

Thêm nữa là những kỳ vọng và giả định của 2 bên về nhau. Các thành viên trong gia đình có những kỳ vọng hoặc giả định nhất định về vai trò, trách nhiệm. Điều này có nguy cơ tạo ra sự căng thẳng hoặc hiểu lầm. Những kỳ vọng dựa trên kinh nghiệm hoặc khuôn mẫu trong quá khứ hay trong nền văn hóa khiến việc giao tiếp cởi mở, trung thực trở nên khó khăn.

Chưa hết, các mối quan hệ gia đình thường liên quan đến quyền lực, chẳng hạn quyền lực của cha mẹ hoặc sự ganh đua của anh chị em. Việc đấu tranh về quyền lực tạo ra sự giao tiếp không cân bằng, bào mòn tình cảm đôi bên, khiến việc giao tiếp hiệu quả trở nên khó khăn hơn. 

Chúng ta thường nói người có thể làm chúng ta đau đớn nhất chính là gia đình. Các mối quan hệ gia đình có thể rất mãnh liệt về mặt cảm xúc và liên quan đến cảm giác yêu thương, lòng trung thành hoặc oán giận. Những cảm xúc đó thường khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một buổi nói chuyện về chữa lành chấn thương tâm lý
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một buổi nói chuyện về chữa lành chấn thương tâm lý

Mất kết nối có kinh khủng? 

* Lỗi kết nối giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp… thường xảy ra do đâu, thưa ông?

- Đời sống hiện đại đòi hỏi chúng ta dành nhiều thời gian cho công việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Nhiều người không có nhiều thời gian để giao tiếp hoặc kết nối với những người khác. Điều này dễ gây khó khăn cho việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ. 

Công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội giúp chúng ta duy trì kết nối đồng thời là rào cản đối với các kết nối có ý nghĩa. Mọi người dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị của họ và ít thời gian hơn để tương tác trực tiếp, trọn vẹn với những người xung quanh. 

Cuộc sống với nhiều tầng và bối cảnh văn hóa đan xen tạo ra các sở thích và giá trị đa dạng. Ngay cả khi sống gần nhau, chưa hẳn chúng ta sẽ có nhiều điểm chung về sở thích, các giá trị hoặc lối sống. Việc xem những giá trị và lối sống của mỗi cá nhân là “chân lý” cũng làm chúng ta mất kết nối.

Nếu kết nối đem đến hạnh phúc thì việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ bền chặt đòi hỏi sự cởi mở về cảm xúc, vì thế cũng tạo ra nguy cơ bị tổn thương. Đôi lúc, điều này khiến một người sợ hãi và do dự khi tiếp cận một cá nhân khác để kết nối. 

* Và hậu quả là…

- Sự cô lập và mất kết nối với xã hội thường dẫn đến cảm giác cô đơn, tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Cô đơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Không chỉ thế, sự cô lập và ngắt kết nối xã hội có liên quan đến một loạt kết quả tiêu cực về sức khỏe thể chất, bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các bệnh mạn tính khác. 

Những người thiếu kết nối xã hội cũng có thể cảm thấy vô dụng hoặc kém cỏi. Điều này góp phần gây ra cái nhìn tiêu cực về hình ảnh bản thân và lòng tự trọng. Thậm chí, để chạy trốn những cảm giác nói trên, những người thiếu kết nối xã hội có nhiều nguy cơ sử dụng rượu hay ma túy như một cơ chế đối phó, làm tăng nguy cơ nghiện và các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện.

* Trạng thái tâm lý của một người khi mất kết nối, chính xác hơn là khi họ chủ động ngắt kết nối với xung quanh, nên được hiểu như thế nào? 

- Đầu tiên, phải nói đến việc sợ bị từ chối hoặc bỏ rơi. Nỗi sợ hãi này được cho rằng bắt nguồn từ những phóng chiếu hay dự đoán bị từ chối hoặc bỏ rơi sau khi nhìn thấy người khác trải nghiệm điều đó. Kế đến, những chấn thương hoặc tổn thương trong quá khứ có xu hướng làm một người trở nên ngại ngần kết nối với người khác và họ đã phát triển các cơ chế đối phó liên quan đến việc tránh kết nối để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương lần nữa. 

Tuy nhiên, cũng có khi vì những đặc điểm tính cách (người hướng nội, nhút nhát hoặc rối loạn lo âu xã hội), một số người khó bắt đầu và duy trì kết nối với người khác. Một yếu tố tâm lý nữa phải kể đến là hình ảnh bản thân tiêu cực. Những người có hình ảnh bản thân tiêu cực thường tin rằng họ không xứng đáng được kết nối hoặc những người khác sẽ không quan tâm đến việc kết nối với họ. Điều này dẫn đến việc họ chủ động từ chối kết nối.

Như vậy, để kết nối, chúng ta cần nỗ lực. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Nhà tâm lý Lê Nguyên Phương nhận bằng tiến sĩ về lãnh đạo giáo dục và tâm lý giáo dục tại Đại học Southern California (Mỹ). Ông là đồng sáng lập và là Chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I). Ông còn cung cấp dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lý cho mọi lứa tuổi. 

Năm 2011, ông nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của Tổ chức International School Psychology Association (ISPA), sau đó trở thành chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2014 tới năm 2019.

Lâm Hạnh (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI