|
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An trong buổi chia sẻ chuyên đề kỹ năng sống “Tuổi trẻ của bạn đáng giá bao nhiêu” tại Trường THCS - THPT Hồng Hà, TPHCM (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Phóng viên: Nhiều người cho rằng nguyên nhân trẻ nói dối đa phần bắt nguồn từ người lớn. Anh nghĩ sao về điều này?
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An: Nhận định này có thể đúng trong một số trường hợp. Trung thực là một giá trị quan trọng mà cha mẹ thường dạy con cái từ khi còn nhỏ. Đây được xem là một phẩm chất tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào trẻ em cũng học được cách trung thực. Nguyên nhân khiến trẻ nói dối có thể xuất phát từ nhiều yếu tố:
Học từ người lớn: Trẻ em thường học hỏi và sao chép những hành vi của người lớn. Nếu trẻ thấy người lớn xung quanh nói dối hoặc thậm chí khen ngợi việc nói dối, trẻ có thể hiểu sai về sự trung thực và dễ dàng học theo hành vi này.
Sợ hãi trừng phạt: Nếu trẻ em sống trong môi trường quá khắt khe, có thể sẽ sợ hãi bị trừng phạt, nhất là khi trẻ làm sai hoặc vi phạm một quy tắc nào đó. Điều này có thể khiến trẻ dối trá để trốn tránh hình phạt.
Che giấu cảm xúc: Trẻ em có thể nói dối vì muốn che giấu cảm xúc hoặc tình cảm của mình, như khi chúng cảm thấy tổn thương, e ngại hoặc xấu hổ về điều gì đó.
Môi trường xung quanh: Khi sống trong môi trường cạnh tranh - nơi sự trung thực không được đánh giá cao - một số trẻ sẽ nói dối như một cách để tồn tại và chứng minh sự thành công.
* Có phải nói dối mà không gây hại đến ai thì không sao?
- Một số người cho rằng những lời nói dối nhỏ nhặt và vụn vặt sẽ không để lại hậu quả gì đáng kể. Tuy nhiên, ngày qua ngày, những lời nói đó có thể tích tụ và dẫn đến những hành vi nói dối nghiêm trọng hơn. Chúng ta cần sớm nhận ra rằng việc nói dối không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ và lòng tin của trẻ, mà còn có thể tác động xấu đến những người xung quanh.
Những câu nói đùa như: “Ba/mẹ nhặt con từ thùng rác về” hoặc “Con ăn cơm nhanh đi, ba/mẹ sẽ chở con đi chơi” với mục đích giục con ăn chứ không có ý định đưa con đi chơi sẽ vô tình gây tổn thương và làm mất lòng tin ở trẻ… Nếu người lớn không đứng ra bảo vệ giá trị trung thực và vẫn vô tư nói dối trước mặt trẻ thì chính họ sẽ dầmất đi cơ hội dạy trẻ về tính trung thực và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa hay nghiêm túc thực hiện trách nhiệm.
* Có trường hợp, trong khi cha mẹ dạy trẻ về sự trung thực thì những người thân khác trong gia đình lại thường nói dối.
- Dưới đây là một số lời khuyên mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để dạy con về tính trung thực và đối mặt với những tình huống khó khăn trên:
Làm gương: Trẻ em thường quan sát và bắt chước hành vi của người lớn, vì vậy cha mẹ phải luôn gương mẫu về tính trung thực trong các giao tiếp hằng ngày với trẻ. Điều này giúp trẻ thấy được sự trung thực là một giá trị quan trọng và đáng kính.
Thảo luận với trẻ: Dùng ngôn ngữ phù hợp để nói chuyện với trẻ về tính trung thực và giải thích tại sao đây là một phẩm chất quan trọng trong cuộc sống. Khi trẻ hiểu và đồng ý với ý nghĩa của sự trung thực, trẻ sẽ áp dụng một cách tự nhiên và vui vẻ.
Giải thích tình huống: Khi những người lớn trong gia đình nói dối, hãy giải thích cho trẻ hiểu đây là những hành động không đúng, tác động tiêu cực đến tâm hồn và tình cảm của mọi người. Thực hành sự trung thực là cách để xây dựng niềm tin cho nhau.
Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc: Hãy tạo môi trường ấm áp và thân thiện để trẻ có thể thoải mái, tự tin thể hiện cảm xúc và quan điểm của mình một cách thẳng thắn, trung thực.
Đối mặt với hậu quả: Khi phát hiện trẻ nói dối, cha mẹ hãy bình tĩnh giải thích để trẻ biết được hậu quả của hành động đó, đồng thời hướng trẻ đến việc lựa chọn sự trung thực. Tuyệt đối không khuyến khích hay đùa cợt với việc nói dối của trẻ, thay vào đó, hãy giúp trẻ thấy được tầm quan trọng của tính trung thực và cách thích ứng với những tình huống khó khăn.
Tìm môi trường tích cực: Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ tham gia các hoạt động, hội nhóm giáo dục kỹ năng hay những môi trường tích cực khác - nơi tính trung thực luôn được đề cao. Trẻ sẽ giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và những điều hay từ những người xung quanh, từ đó hiểu được giá trị của tính trung thực trong cuộc sống.
Dạy con tính trung thực và giúp con thực hành điều này mỗi ngày là một quá trình khó khăn, lâu dài, cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu và hỗ trợ từ cha mẹ. Cha mẹ cũng cần cố gắng thực hiện các phương pháp trên một cách nhất quán.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
* Những lời nói dối nào của người lớn là có thể chấp nhận được?
- Trong một số tình huống xuất phát từ việc dạy dỗ và tương tác với trẻ, những lời nói dối của người lớn có thể chấp nhận được. Dù vậy, điều quan trọng nhất là người lớn cần nhận thức rõ lúc nào lời nói dối có thể chấp nhận được và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những lời nói đó. Lời nói dối phải được sử dụng với mục đích tích cực và trong những hoàn cảnh cụ thể.
Tính chất giải trí và truyền thuyết: Khi kể chuyện cổ tích, truyền thuyết hoặc trò chơi giải trí vui nhộn cho trẻ, cha mẹ có thể sử dụng lời nói dối như một phần của câu chuyện hoặc tạo hiệu ứng hài hước mà không làm tổn thương cho trẻ.
Bảo vệ an toàn của trẻ: Trong một số tình huống nguy hiểm mà trẻ chưa nhận thức hoặc đối phó được, người lớn có thể đưa ra lời nói dối để giúp trẻ trở nên an toàn.
Ví dụ về bảo vệ trẻ khỏi những nội dung không thích hợp: Khi trẻ thắc mắc về các vấn đề trên cơ thể hoặc tình dục mà không phù hợp với lứa tuổi của mình, người lớn có thể khéo léo sử dụng lời nói dối lồng vào câu trả lời nhưng vẫn đảm bảo sự thuyết phục và dễ hiểu.
Ví dụ về giữ bí mật gia đình: Với tình huống gia đình đang âm thầm lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc, người lớn có thể nói dối để giữ bí mật nhằm tạo sự bất ngờ và thú vị hơn cho trẻ.
* Theo anh, người lớn nên làm gì khi trẻ nói dối?
- Tuyệt đối không nên sử dụng hình phạt vũ lực vì sẽ gây tổn thương thể xác và tinh thần ở trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ nói dối để giúp trẻ mở lòng chia sẻ và học được cách thích ứng tích cực hơn với những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Lam Hạnh (thực hiện)