Nhân dịp xuất bản công trình nghiên cứu Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919)(*), chị dành cho Phụ nữ Chủ nhật cuộc trò chuyện.
Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá
Phóng viên: Chị có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại và hướng nghiên cứu sắp tới?
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly: Tôi là giảng viên của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học quốc gia Hà Nội, thuộc bộ môn di sản học và phụ trách di sản ngôn ngữ và văn tự Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng là thành viên Viện Nghiên cứu Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ - Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.
Là thành viên của viện nghiên cứu tại Pháp, tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu về ngữ học truyền giáo, tôi phụ trách về Việt Nam. Bên cạnh việc viết sách dành cho đại chúng liên quan đến chữ Quốc ngữ, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về lịch sử biên soạn ngữ pháp và chữ viết Latin của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam tại khu vực Tây Nguyên. Đây là các công trình ngữ học truyền giáo của các linh mục Hội Thừa sai Paris kể từ năm 1850.
Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu về di sản ngôn ngữ của các ngôn ngữ có nguy cơ bị biến mất ở Việt Nam và di sản văn tự, tư liệu của Việt Nam.
* Vì sao chị không tự dịch tác phẩm của mình sang Việt ngữ?
- Việc tôi không tự dịch tác phẩm của mình từ tiếng Pháp sang tiếng Việt xuất phát từ mong muốn của bản thân tôi là dịch thì cần trung thành với tác phẩm gốc. Là người sử dụng thành thạo cả tiếng Pháp và tiếng Việt, khi viết bằng tiếng Pháp, tôi sẽ tư duy bằng tiếng Pháp; cũng như vậy khi viết bằng tiếng Việt, tôi tư duy bằng tiếng Việt. Mà 2 ngôn ngữ vốn không giống nhau về ngữ pháp, cách diễn đạt nên nếu là người dịch, tôi sẽ có xu hướng diễn giải lại cho phù hợp với cách hành văn tiếng Việt, như vậy không đảm bảo được tính trung thành với văn bản gốc.
Tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt công việc của nhà nghiên cứu và dịch giả. Tôi là một nhà nghiên cứu với vốn thời gian eo hẹp. Từ năm 2023, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lịch sử chữ viết tiếng Bahnar cũng như biên soạn các ấn bản đại chúng về lịch sử chữ Quốc ngữ. Muốn nghiên cứu các mảng đề tài về lịch sử ngữ học truyền giáo thì cần đi lưu trữ, cần sưu tầm tư liệu, xử lý tư liệu và viết bài. Trong khi đó, dịch thuật là công việc mất rất nhiều thời gian và công sức, tôi không thể làm cả hai việc cùng lúc. Tôi rất yên tâm khi biết dịch giả Thanh Thư nhận lời dịch tác phẩm của tôi. Tôi cũng trao đổi với dịch giả, nhóm biên tập của Omega+ để cùng nhau tìm phương án chuyển ngữ thuật ngữ của các chuyên ngành khác nhau.
|
Bìa sách Lịch sử chữ Quốc ngữ 1615-1919 - Ảnh: Ái Sa |
* Kế thừa và tiếp bước các thế hệ học giả tiền bối, chị đã đạt được thành tựu lớn lao thông qua công trình Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919). Suốt hành trình nghiên cứu, chị gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Những thách thức lớn nhất của một nghiên cứu sinh - người đang học trở thành nhà nghiên cứu chuyên nghiệp - là ngân sách, sự hỗ trợ của giáo sư, hệ sinh thái xung quanh đề tài và cách vượt qua cảm giác tự ti của bản thân để lớn dần lên trong cả khoa học và tâm lý.
Tôi may mắn được học bổng của vùng Ile de France và vùng còn cấp cho tôi một khoản ngân sách để đi tìm tư liệu tại các lưu trữ ở châu Âu, nhờ đó tôi sưu tầm được khá nhiều văn bản viết tay cho phép tôi tái hiện một cách trọn vẹn nhất có thể lịch sử chữ viết hệ Latin của tiếng Việt.
Tôi may mắn được rất nhiều tiền bối giúp đỡ, hướng dẫn và giáo sư chính - Dan Savatovsky - luôn tin tưởng để tôi đi đến tận cùng của đam mê; thầy đỡ đầu tôi - Michel Ferlus - luôn theo sát tôi trên mọi hành trình.
Một may mắn nữa là giáo sư Dan Savatovsky lại là thành viên Viện Nghiên cứu Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ - Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, nhờ đó tôi được tiếp cận lý thuyết về ngữ pháp hóa, về mô hình ngữ pháp Latin mở rộng và ngữ học truyền giáo. Có một cơ sở lý thuyết để dựa vào và việc hiểu ra rằng sự sáng tạo chữ Quốc ngữ nằm trong một trào lưu chung của ngữ học truyền giáo đã giúp tôi có được một điểm tựa vững chắc, cũng như tránh những thiên kiến hay ngộ nhận đáng tiếc.
Ngoài ra, vì làm luận án ở Pháp nên tôi dễ dàng di chuyển sang các nước châu Âu khác để sưu tầm tư liệu. Còn một thuận lợi nữa là các phông lưu trữ luôn rộng cửa đón các nhà nghiên cứu và thủ thư rất chuyên nghiệp, nhiệt tình.
|
Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes và trang đầu cuốn sách giáo lý Phép giảng tám ngày - Nguồn ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp |
* Trong bức tranh rộng lớn về nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ, công trình của chị ở đâu và giải quyết được vấn đề nền tảng gì cho học giới, theo cảm nhận của riêng chị?
- Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình. Các nhà nghiên cứu trước thường chỉ tập trung vào giai đoạn đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ và liên hệ quá trình văn tự Latin hóa tiếng Việt với trường hợp của Nhật Bản, Trung Hoa.
Khi bắt đầu làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne Nouvelle và là thành viên của Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ, tôi đã hiểu được rằng quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo. Khi đó, các thừa sai đã dùng 2 công cụ chính để học một ngôn ngữ mới: ghi âm của các ngôn ngữ đó bằng mẫu tự Latin và miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp Latin.
Tuy nằm trong một trào lưu chung nhưng việc chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á.
Nhờ sưu tầm được các tài liệu gốc nằm rải rác tại các phông lưu trữ ở Roma, Lisbon, Paris, Ávila, Madrid… mà tôi có thể dựng lại quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ cùng những dấu mốc quan trọng và nêu bật được vai trò của các giáo sĩ chủ chốt.
Ngoài ra, lịch sử chữ Quốc ngữ dưới thời Hội Thừa sai Paris từ năm 1658 cũng ít được các nhà nghiên cứu trước quan tâm. Trong công trình này, tôi đã chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ Quốc ngữ: từ một công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài sang công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ người nước ngoài và linh mục, giáo dân người Việt sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685. Đồng thời, tôi cũng chỉ ra vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773. Chúng ta thường gán tác giả cuốn từ điển này là Pigneaux de Béhaine nhưng thực tế đó là tư duy làm từ điển của người bản xứ.
Hơn nữa, tôi cũng làm rõ quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ vào thời thực dân, đồng thời so sánh đối chiếu với các nước cũng chịu ảnh hưởng của Hán học là Trung Hoa, Nhật Bản và 2 nước Đông Dương khác là Lào và Cao Miên (Campuchia).
|
Trung học Petrus Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong). Sân trường nằm giữa các dãy lớp học - Nguồn ảnh: La Cochinchine scolaire (Trường học Nam Kỳ), 1931 |
Sẵn sàng đón nhận các phản biện và tranh luận học thuật văn minh
* Chữ Quốc ngữ là trường hợp đặc biệt ở Viễn Đông. Theo chị, vì sao việc văn tự Latin hóa ngôn ngữ có thể thành công ở Việt Nam trong khi lại thất bại ở các quốc gia khác?
- Chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của các thế hệ giáo sĩ người phương Tây và sự hỗ trợ của các thầy giảng, linh mục người Việt. Nếu không có những biến cố chính trị, giáo dục, xã hội thì số phận chữ Quốc ngữ cũng sẽ như rất nhiều chữ viết mà dòng Tên đã tạo ra cho khoảng 140 ngôn ngữ và bị rơi vào quên lãng.
Việc chữ Quốc ngữ được đưa vào giáo dục và trở thành chữ viết chính thức là thành quả của 2 ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn xích 2 nền văn hóa Việt - Pháp lại gần với nhau; ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ Quốc ngữ là công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và nâng cao dân trí.
* Cá nhân Alexandre de Rhodes và từ điển tam ngữ Dictionarium đóng vai trò thế nào trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ?
- Trước khi có từ điển và chính tả dần chuẩn hóa, mỗi thừa sai ghi tiếng Việt theo cách của mình. Cùng 1 âm nhưng các vị ấy lại ghi bằng những chữ cái khác nhau, ví dụ âm /ɲ/ được các thừa sai Bồ Đào Nha ghi bằng chữ “nh” và các giáo sĩ người Ý ghi bằng chữ “gn”. Ngoài ra, việc chép tay luôn có tam sao thất bản, kể cả công việc này do các thợ chép chuyên nghiệp đảm nhiệm.
Alexandre de Rhodes tổng hợp công trình của Gaspar do Amaral và António Barbosa rồi thêm phần Latin, sau đó xin phép in từ điển. Việc vị thừa sai này in từ điển tam ngữ Việt - Bồ - La năm 1651 có ý nghĩa rất lớn: một mặt giúp thống nhất và ấn định chính tả, hơn nữa đó là công cụ học tiếng Việt hữu hiệu cho các giáo sĩ khi đi truyền giáo. Các giáo sĩ của Hội Thừa sai Paris khi đi truyền giáo đều mang theo cuốn từ điển tam ngữ Việt - Bồ - La, họ học chính tả theo cuốn từ điển này. Ngoài ra, các thầy giảng và chủng sinh người Việt khi học chữ viết Latin của tiếng Việt cũng theo chính tả đã dần thống nhất.
|
Trường học ở Cần Thơ - Ảnh: NADAL |
* Chữ Quốc ngữ là công cụ để truyển tải tri thức mới hay công cụ truyền giáo, thưa chị?
- Quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ hay chữ viết hệ Latin của tiếng Việt trên thực tế nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo. Đây thực ra là một công cụ để học tiếng bản xứ được các thừa sai người châu Âu áp dụng trên toàn thế giới từ thời Phục hưng.
Đối với các trí thức tân học người Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ là công cụ thiết yếu trong việc phổ biến tân học, mở mang dân trí. Theo Trương Vĩnh Ký: “Chữ Quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”. Một bước ngoặt dẫn đến sự lan rộng mạnh mẽ của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam (đặc biệt ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ) là Phong trào Duy Tân do các sĩ phu người Việt thực hiện. Phong trào Duy Tân phát động từ năm 1906 ở Quảng Nam với 3 lãnh tụ: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào chủ trương dạy chữ Quốc ngữ, dạy văn hóa, phổ biến kiến thức. Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục được thành lập trên tinh thần đó và đã gây được ảnh hưởng đáng kể. Chữ Quốc ngữ lan rộng khắp cả nước trên tất cả các lĩnh vực.
|
Trang đầu tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - Gia Định báo, số ra ngày 24/9/1869, đăng thông tin Thống soái Nam Kỳ G. Ohier bổ nhiệm Petrus Trương Vĩnh Ký làm Gia Định báo chánh tổng tài (tức tổng biên tập) - Nguồn ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp |
* Viết về một chủ đề vốn ẩn chứa những tồn nghi và có thể gây tranh luận, chắc hẳn chị đã sẵn sàng tâm thế đón nhận các luồng ý kiến?
- Tôi không phải là người đầu tiên nghiên cứu về chữ Quốc ngữ, trước tôi đã có rất nhiều học giả quan tâm tới đề tài này và có các thành tựu nghiên cứu đáng ngưỡng mộ.
Cuốn sách này nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh nhất có thể dựa trên việc khai thác tư liệu đã có của tôi. Tuy vậy, cũng thật vô lý nếu tự cho rằng như vậy là đã đầy đủ. Tôi tin rằng vẫn còn nhiều tư liệu nằm rải rác đâu đó, chúng cũng sẽ chứa đựng những thông tin quý báu, nhờ đó chúng ta sẽ hiểu hơn về lịch sử sáng tạo cũng như hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Tôi chỉ khiêm tốn góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm qua và rồi sẽ có các đồng nghiệp khác, các công trình khác làm giàu thêm bức tường tri thức này.
Làm nghiên cứu với tâm thế đó, nên tôi sẵn sàng đón nhận các phản biện và tranh luận học thuật văn minh dựa trên dữ liệu và lập luận.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Nguyễn Quang Diệu (thực hiện)
(*): Omega+ và Nhà xuất bản Văn học, tháng 6/2024.