Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc: "Cái nết" của phụ nữ là sản phẩm của hàng loạt thứ mâu thuẫn

09/11/2021 - 06:00

PNO - Tiến sĩ Quốc Lộc cho rằng câu nói “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp” tưởng chừng mang tính giải phóng phụ nữ khỏi áp lực “bị xấu” nhưng vế sau lại vùi dập ngay với ý “cô xấu là do cô không biết làm đẹp”.

Trong buổi trò chuyện Hóa ra là thế - Giới trong cuộc sống thường nhật được ECUE và VGEM, với sự hỗ trợ của Investing in Women - một sáng kiến của chính phủ Úc, cùng các đối tác khác đồng tổ chức vào tháng 10/2021, diễn giả tiến sĩ Phạm Quốc Lộc (Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình Dương) đã dùng các lý thuyết về giới để phân tích những câu chuyện thường gặp trong gia đình, tình yêu, công việc, chính trị, lịch sử, giáo dục. 

Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc
Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc

Qua đó, người tham dự nhận ra các khuôn mẫu giới đang vận hành một cách vô hình, ảnh hưởng đến niềm tin, thái độ và hành vi của mỗi chúng ta, tạo ra định kiến, kỳ thị và thậm chí là bạo lực. Gọi tên các khuôn mẫu giới chính là bước đầu tiên giúp chúng ta nới lỏng, dịch chuyển hoặc tháo bỏ chúng để sống tự do và thấu cảm hơn với chính mình, người thân, đồng nghiệp và bạn bè xung quanh.

Ấn tượng nhất là phần tiến sĩ Quốc Lộc “chất vấn cái nết của người phụ nữ”. Theo đó, cái nết của người phụ nữ là sản phẩm của hàng loạt những thứ mâu thuẫn nhau.

Xã hội có xu hướng “vật thể hóa” người phụ nữ như một thứ vật chất, một sản phẩm tiêu dùng. Lý thuyết gia người Mỹ Martha Nussbaum liệt kê cách thức mà người phụ nữ bị “vật thể hóa”: bị coi là công cụ; bị từ chối sự tự chủ, không có khả năng tự quyết định cho mình; thiếu chủ động; đổi chác được; không có tính toàn vẹn, xâm hại được; có thể được sở hữu, có thể được mua bán; khước từ tính chủ thể.

 

Triết gia người Anh Rae Langton bổ sung: “vật thể hóa” bao gồm cả giảm thiểu người phụ nữ đến cuối cùng chỉ còn là thân thể của họ (phụ nữ như dàn trưng bày, như vật trang trí, chỉ thuần túy cơ thể đứng đó còn cảm xúc, trải nghiệm, trí tuệ, tiếng nói… của họ lúc ấy không còn ý nghĩa); giảm thiểu giá trị người phụ nữ xuống chỉ còn ngoại hình. 

Theo tiến sĩ Lộc, cái nết của người phụ nữ là khả năng người phụ nữ cưỡng lại sự sử dụng đó của xã hội. Có nghĩa là xã hội biến người phụ nữ thành một vật thể và người phụ nữ có trách nhiệm cưỡng lại quá trình “vật thể hóa” cơ thể của mình. 

Người đời có xu thế muốn dùng, muốn tiêu thụ, muốn thưởng ngoạn, muốn “ăn” cơ thể của người phụ nữ. Đám trai trẻ thấy cô gái đi qua thì nhìn ngắm, bình luận: “Con nhỏ đó… ngon quá!”. Một mặt người phụ nữ phải đẹp, phải sexy, một mặt phải tự kiềm chế sự sexy của bản thân. 

Người phụ nữ chỉ được trao cái nết đó cho chồng. Chồng có bồ bịch bên ngoài âu cũng là hào hoa, phóng đãng, “đàn ông mà” là những câu ta thường nghe. Có ông còn tự hào, khoe sự trăng hoa của mình. Nhưng dù gì thì người phụ nữ cũng phải cố mà giữ nết nếu không muốn bị chỉ trích là hư hỏng, dâm đãng. Nết là cái gì đó nhiều thứ trộn lại nhưng trước nhất là “bảo quản” thân thể của mình, bất chấp khao khát của người đàn ông. 

Một mặt phụ nữ phải đẹp, phải sexy; mặt khác phải kiềm chế sự sexy đó (Ảnh minh họa)
Một mặt phụ nữ phải đẹp, phải sexy; mặt khác phải kiềm chế sự sexy đó (Ảnh minh họa)

Áp lực về ngoại hình, phái được/bị gán cho mỹ danh là “phái đẹp” cứ ra đường là phải dành nhiều thời gian chăm lo cho ngoại hình của mình thật đàng hoàng, chỉn chu. Người ta nói “cái nết đánh chết cái đẹp” nhưng hai cái đó mâu thuẫn nhau. Người phụ nữ luôn bị thôi thúc phải làm đẹp, làm đẹp như là tự “vật thể hóa” mình biến thành một vật thể có khả năng được sử dụng cao hơn nhưng đồng thời phải tự giữ mình, ngăn cản không để cho sử dụng. 

Tiến sĩ Quốc Lộc cho rằng câu nói “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp” tưởng chừng mang tính giải phóng phụ nữ khỏi áp lực “bị xấu” nhưng vế sau lại vùi dập ngay với ý “cô xấu là do cô không biết làm đẹp”. Nó tái tạo, củng cố thêm định kiến về chuẩn mực ngoại hình mà phụ nữ phải tuân theo. Chuẩn mực ngoại hình gắn chặt với thân thể, tính sexy của người phụ nữ.

Sexy là ở bờ vực của… mất nết. Phụ nữ buộc phải giữ cho mình đẹp, hấp dẫn, phải làm cho người ta “thèm”, phải tự “vật thể hóa” để rồi lúc nào cũng tự thấy mình đang ở bên bờ vực của sự “mất nết”. Điều này tạo ra rất nhiều áp lực cho các chị em, là một trong những thử thách của tiến trình bình đẳng giới. 

Hoài Nhân (ghi)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI