Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách: “Thật nặng nề khi nói mạng xã hội làm cho người ta nông cạn hơn”

09/01/2025 - 18:33

PNO - Theo tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách, thật nặng nề khi ông phải nói ra 2 chữ “nông cạn” nhưng nếu không nói như thế, cũng khó lòng nào diễn tả về cách một số người sử dụng mạng xã hội hiện nay.

Bà Phan Thị Lệ đại diện Phanbook trao hoa cho MC Quốc Khánh và 2 nhà văn Nguyễn Tường Bách và nhà văn Trần Lê Sơn Ý
Bà Phan Thị Lệ - đại diện Phanbook - trao hoa cho MC Quốc Khánh (bìa trái) và 2 nhà văn Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý tại buổi giao lưu

Tại buổi trò chuyện chủ đề Sống trong bão táp truyền thông do Phanbook tổ chức ngày 9/1, độc giả được gặp gỡ 2 tác giả là tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách và nhà văn Trần Lê Sơn Ý. Dù thực hiện 2 tác phẩm độc lập nhưng vì có chung một phần nói về truyền thông, mạng xã hội nên 2 tác giả cùng xuất hiện trong cuộc chuyện trò thân tình với bạn đọc.

Tại sự kiện, nhà văn Nguyễn Tường Bách giới thiệu một số nội dung cuốn sách Cân bằng trong khủng hoảng viết cùng tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Còn nhà văn Sơn Ý chia sẻ thêm thông tin về tản văn Thương một tình thương đã ra mắt trước đó.

Nhà văn Nguyễn Tường Bách
Nhà văn Nguyễn Tường Bách ký tặng sách cho bạn đọc. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách được công chúng yêu mến như Đường xa nắng mới, Đường rộng thênh thang, Mùi hương trầm...

Nhận định về mạng xã hội hiện nay, nhà văn Nguyễn Tường Bách công nhận mạng xã hội hữu dụng khi xóa nhòa khoảng cách, kết nối toàn cầu nhưng với ông, không thể chỉ nhìn vào khía cạnh tích cực. Ông đưa ra một số dữ kiện về tỉ lệ trầm cảm trong thanh thiếu niên và số người tự tử ở một số quốc gia. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này là vì những xung đột, bất hoà và sự cô đơn mà mạng xã hội - một nền tảng tưởng chừng đang kết nối toàn cầu nhưng thật ra là đẩy con người ra xa hơn.

“Theo tôi, mạng xã hội hiện đang làm “xấu” người ta hơn là làm “tốt”. Cách đây khoảng vài ba chục năm, nếu chúng ta ngồi trên metro ở Singapore hay Paris sẽ thấy đa phần mọi người đều ngủ vì sau thời gian làm việc mệt nhọc. Nhưng bây giờ, trên tàu điện, người người cầm smart phone trong tay. Họ cầm trong sự mệt mỏi nhưng không buông để chợp mắt. Ai ai cũng như bị cuốn vào.

Hay như một cặp vợ chồng vào quán ăn giờ đây, mỗi người cầm mỗi điện thoại. Ngày trước, người ta nói rằng không thể yêu nhau bằng tin nhắn nhưng với mạng xã hội bây giờ, điều này có thể xảy ra và tôi thấy thật đáng tiếc” - nhà văn Nguyễn Tường Bách chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Trần Sơn Ý
Nhà văn Trần Lê Sơn Ý gây chú ý với những câu chuyện nhẹ nhàng, xoay quanh tình cảm gia đình và những mối liên kết mật thiết với thiên nhiên

Với nhà văn Trần Lê Sơn Ý, khi nhìn nhận vấn đề nào cũng cần đề cập đến 2 mặt. Với truyền thông, mạng xã hội hiện nay, những mối nguy hại từ việc thừa mứa thông tin là hiện hữu, đã có nhiều người có thói quen vớ ngay điện thoại khi thức dậy vì sợ bỏ lỡ một tin hot nào đó thậm chí nghiện thế giới ảo... Nhưng sau tất cả, con người vẫn có quyền tự quyết những thông tin mà mình tiếp nhận, cách sử dụng mạng xã hội theo cách bản thân mong muốn.

Theo nhà văn Sơn Ý, sống trong thời đại công nghệ khó tránh việc phải chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ về truyền thông, hoặc chính bản thân bị lôi vào một cách thụ động. Do đó, 2 chữ chọn lọc là cực kỳ quan trọng và để biết cách chọn lọc thì ngoài bản thân thức tỉnh, sự hỗ trợ từ giáo dục nhà trường, nền tảng gia đình đều rất cần thiết.

Tác phẩm của nhà văn Sơn Ý
Tác phẩm của nhà văn Sơn Ý dành nhiều nội dung để nói về tác động của truyền thông, mạng xã hội đến từng mái ấm nhỏ

Nhà văn Sơn Ý kể, chị vừa đưa con đi du lịch biển và phát hiện rằng trong những ngày vui chơi cùng nhau, con không đòi điện thoại thậm chí quên bẵng. Từ câu chuyện cá nhân, nhà văn Sơn Ý muốn gợi ý một cách mà các phụ huynh có thể giảm thời gian trẻ tiếp xúc điện thoại là dành thời gian chất lượng cho nhau, vun đắp những tương tác, sẻ chia trực tiếp.

Trong buổi trò chuyện, 2 chữ “cân bằng” được các tác giả nhắc lại thường xuyên vì cả nhân loại không thể né tránh hay đứng ngoài dòng chảy mạng xã hội, nhưng nếu dành toàn thời gian thì sẽ đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều mối hại lớn. Các tác giả mong rằng mọi người đừng quá lo sợ trước “bão táp truyền thông” - như tựa của buổi nói chuyện, mà cho rằng chính khi những biến số lớn xảy ra, con người có dịp chiêm nghiệm, xác định lại mục đích sống của cá nhân. Và cũng từ những tiêu cực bủa vây, giá trị của thông tin tích cực càng được khẳng định, được nhận thức rõ ràng nhất.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI