Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: “Thơ cho các em suy ngẫm về những điều bé nhỏ và lớn lao…”

13/02/2023 - 07:44

PNO - Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con - vừa ra mắt 2 tập thơ thiếu nhi: Phù thủy sợ ma (Nhà xuất bản Kim Đồng) và Mèo con đếm tuổi (Nhà xuất bản Trẻ). Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trao đổi cùng chị nhân dịp này.

Viết cho thiếu nhi như niềm vui, như hơi thở 

Phóng viên: Chúc mừng chị với 2 tập thơ vừa ra mắt. Để cùng lúc phát hành 2 tập thơ, chị đã ấp ủ/sáng tác trong bao lâu? 

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: 2 tập thơ này tôi hoàn thành trong 4 năm. Nhưng gần 10 năm nay, tôi đã viết cho thiếu nhi và xem đó như hơi thở, niềm vui mỗi ngày. Người làm thơ cho thiếu nhi, theo tôi, luôn viết ở rất nhiều tâm thế. Đôi khi, tôi thấy mình đang sống thơ, nói thơ như một đứa trẻ; lúc khác lại là một người bạn vong niên, một người thân tâm tình thủ thỉ với các bé. Lắm lúc lại cảm thấy mình là cả thế giới bao bọc trẻ - là những cái lá, bông hoa hay loài vật, đồ vật… 

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nhiều năm qua vẫn miệt mài truyền cảm hứng học và đọc cho trẻ nhỏ
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nhiều năm qua vẫn miệt mài truyền cảm hứng học và đọc cho trẻ nhỏ

* Khi sáng tác cho thiếu nhi, điều gì làm khó chị nhất?

- Cái khó là ta phải gạt bỏ thói quen áp đặt, dạy dỗ các em “phải thế này, không được thế kia”, thái độ kẻ cả, “biết tuốt” - cái thói quen đã ăn sâu vào mỗi người lớn. Nhiều khi ta cũng chẳng nhận ra sự hiện diện của nó trong câu chữ. Tính giáo dục trong thơ, tôi cho rằng nằm ở sự chân thành và cái nhìn nhân hậu, âu yếm với vạn vật, với con người. Tôi rất thích câu thơ Xuân Quỳnh trong tác phẩm Bầu trời trong quả trứng: “Tôi bỗng thấy thương yêu/ Tôi biết là có mẹ”.

Khi người viết và người đọc gặp nhau ở cảm xúc “bỗng thấy thương yêu” thì đó đúng là tác phẩm thơ dành cho thiếu nhi rồi. Một điều khó nữa là sự thận trọng trong cách dùng từ. Hồn nhiên, trẻ thơ không có nghĩa là đơn giản, dễ dãi. Ngôn ngữ của tác giả sẽ ảnh hưởng đến mỹ cảm của trẻ hoặc sẽ đem đến những thông điệp ảnh hưởng đến nhân sinh quan của các em. 

Tôi ước có những giờ học mà một bài thơ được đọc lên, không nhất thiết phải mổ xẻ nó. Thầy cô giáo chia sẻ cảm nhận riêng của mình về bài thơ. Học sinh được nói những gì mình nghĩ và những liên tưởng về cuộc sống. Với cách tiếp cận ấy, ta giữ lại được cảm tình với thơ ở các em. Đó là cơ hội để tâm hồn các em trở nên phong phú và tinh tế hơn. Đó cũng là cơ hội của thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh

* Chị nghĩ điều quan trọng để một tác giả có thể đi được đường dài với trẻ thơ là gì?

- Người viết cho các em là người mong muốn sống cùng nhịp với các em, qua nhịp điệu ấy mà chia sẻ tâm tình về cuộc sống. Thêm nữa, chính tố chất - bản chất con người họ “thiên bẩm” đã giữ được đứa trẻ ngày xưa ở lại lâu hơn trong ký ức, tư duy và cách ứng xử của mình. Tôi cho rằng, những tác giả như thế có cơ hội trở thành người viết chuyên nghiệp hướng đến trẻ thơ. Họ luôn nghĩ đến trẻ em, hạnh phúc khi ở bên các em, tìm thấy ý nghĩa và giá trị của mình khi được chia sẻ cùng các em, chứ không viết vì bất kỳ mục đích vụ lợi nào khác như để tham gia một cuộc thi lấy giải thưởng chẳng hạn.

“Ai mở lòng, thơ đến, ai tìm, sẽ thấy thơ" 

* Ngoài vai trò tác giả, chị cũng là người truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn nhỏ. Những năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con có những buổi đọc thơ thiếu nhi không?

- Thơ luôn vang lên ở CLB Đọc sách cùng con trong mọi trường hợp. Để mở đầu cho một buổi học vẽ/tạo hình, để chia sẻ cảm xúc hoặc để biết thêm một tác giả; để khám phá một chủ đề, cảm nhận sức mạnh của ngôn từ, tạo động lực tham gia hoạt động, gắn kết với nhau hơn… 

Vào dịp tết, chúng tôi thường cùng đọc thơ, đố thơ, chơi thơ và bói thơ nữa. Bằng cách đó, các tác phẩm thơ kinh điển và hiện đại đã và đang đến với bạn đọc nhỏ tuổi. Thơ cũng xuất hiện trong các buổi đọc sách online và các buổi đọc/học của lớp “Nghĩ và Viết” (khóa học thường niên cho trẻ em của CLB). Chúng tôi còn xây dựng các vở kịch thơ cho các em, trong đó có thể kết nối nhiều bài thơ của nhiều tác giả. Với các em, thơ là sự chia sẻ, sáng tạo, cho các em suy ngẫm về những điều bé nhỏ và lớn lao…

* Theo chị, chúng ta cần/nên làm gì để các tác phẩm thơ thiếu nhi lan tỏa nhiều hơn?

- Mấy năm trở lại đây, các đơn vị xuất bản khá chú trọng đến thơ cho tuổi nhỏ. Nhiều ấn phẩm thơ được in, minh họa cực đẹp. Tuy nhiên, để thơ đến được với bạn đọc nhỏ tuổi thì vai trò của người lớn vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ trẻ đừng ngại mua thơ về đọc cho con, đừng coi thường ảnh hưởng kỳ diệu của thơ đến sự hình thành ngôn ngữ và tư duy của trẻ, đến sự gắn kết cảm xúc giữa cha mẹ và con cái. Với người lớn trong ngành giáo dục, xin hãy lưu ý phương pháp gợi mở cảm xúc cho học sinh khi đến với các tác phẩm thơ trong nhà trường. Đừng chỉ tập trung vào tìm hiểu xuất xứ, phân tích thơ theo ba-rem có sẵn để đi thi. Điều đó sẽ triệt tiêu cảm xúc thơ ngay khi mới bắt đầu. Việc hướng dẫn các em đọc, lắng nghe sự rung động nho nhỏ bên trong mình là điều cần làm trước nhất. 

Tôi hy vọng thơ thiếu nhi rồi sẽ có chỗ đứng thực sự. Dòng thơ vẫn róc rách chảy trong đời sống văn học, hãy cổ vũ cho sự tiếp nối thế hệ và cho những tìm tòi mới mẻ, những phong cách mới đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả thế hệ mới. Hãy nâng niu, khơi mạch cho dòng chảy rộng mở. Ai mở lòng, thơ đến. Ai tìm sẽ thấy thơ. 

* Xin cảm ơn chị. 

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI