“Bộ mặt của TP.HCM chính là tên đường, số nhà. Tôi nghĩ thành phố thông minh, sáng tạo, phải đi từ những câu chuyện rất cụ thể, thiết thực như vậy. Đừng chỉ nghĩ đến những gì quá vĩ mô” - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu bàn về câu chuyện khoa học quản lý hành chính, cách nhìn nhận lại một phần di sản đô thị xung quanh câu chuyện đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh.
Dân thờ ai bao giờ cũng có lý do
Phóng viên: Gần đây “nóng” với câu chuyện TP.HCM tổ chức lấy ý kiến về việc đổi tên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) thành Lê Văn Duyệt, cũng là tên gọi trước năm 1975 của đoạn đường này, thu hút sự quan tâm cũng như chia sẻ của đông đảo người dân. Theo bà, điều đó nói lên điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: So với việc đặt tên đường mới từ đầu, việc đổi tên đường cũ sang tên đường mới, thường nhận được quan tâm lớn của cư dân ở đó, vì nó đụng chạm trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của họ, không ít người cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên, với câu chuyện đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt, có một khía cạnh rất hay, đó là lại nhận được sự ủng hộ của cư dân ở đó nói riêng và người dân thành phố nói chung.
|
TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến về việc đổi tên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) thành Lê Văn Duyệt, cũng là tên gọi trước năm 1975 của đoạn đường này |
Lê Văn Duyệt là một nhân vật lịch sử thời Nguyễn. Cho tới bây giờ, ở góc độ lịch sử lẫn nhận thức của công chúng, đánh giá về thời Nguyễn đã khác trước rất nhiều. Sở dĩ công chúng quan tâm, vì họ nhận thấy đã có một sự thay đổi lớn từ phía chính quyền, khi đánh giá lại một nhân vật lịch sử, một vấn đề lịch sử quan trọng của vùng đất phía Nam này.
Tất nhiên, khi đổi tên đường, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong thủ tục hành chính như sổ hộ khẩu, số nhà… Song, tôi nghĩ, so với 40 năm trước, bây giờ, việc quản lý hành chính đã khác, chúng ta có một bộ máy thông suốt, có phương tiện lẫn máy móc… Trong khi đó, ý thức công chức, ý thức cộng đồng đối với công việc của mình ngày một nâng cao; những trở ngại (nếu có) chắc cũng không quá khó để giải quyết.
* Cùng thời với ông Lê Văn Duyệt, còn có những nhân vật khác như Võ Tánh, Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… Qua việc đặt lại (hay nói chính xác là trả lại) tên đường Lê Văn Duyệt, khi có một độ lùi về thời gian, phải chăng, chúng ta cũng cần “trả lại” cho lịch sử một nhìn nhận khách quan, công bằng và công tâm hơn với họ?
- Các chúa Nguyễn và triều Nguyễn có một vị trí cực kỳ quan trọng trong tâm thức lịch sử của cư dân phía Nam. Chỉ cần đi khảo sát về mặt văn hóa, các đền thờ cũng như những câu chuyện truyền thuyết, ký ức lịch sử của cư dân vùng đất này, có lẽ đa số được bắt đầu từ thời Nguyễn.
Đương nhiên, tâm thức 4.000 năm lịch sử gắn với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… trước đó cũng có, nhưng điều gắn bó máu thịt nhất, gần nhất với họ, trước hết vẫn là tổ tiên đầu tiên của mình - những người mang lại cho họ vùng đất này, đó là chúa Nguyễn, sau này là triều Nguyễn, thúc đẩy khai hoang và phát triển kinh tế phía Nam. Vì thế, ở Nam bộ, người dân thờ cúng các danh thần thời Nguyễn rất nhiều. Sau năm 1975, vẫn trong một tâm thức chống ngoại xâm, chúng ta đã có một cái nhìn chưa được công bằng với lịch sử, đặc biệt là triều đại này, đã xóa bỏ nhiều tên đường các chúa cũng như danh thần, các vua thời Nguyễn.
Mấy chục năm trở lại đây, những nghiên cứu khoa học mới về mặt lịch sử đã có nhiều thay đổi, đi cùng với đó là sự nhìn nhận lại. Tôi muốn lưu ý sự nhìn nhận lại, đánh giá lại, chứ không phải phủ nhận toàn bộ những điều mà chúng ta đã nghiên cứu trước đây, không phải công thành tội, và ngược lại, hoặc chỉ có công, hoặc chỉ có tội.
Nhìn lại triều Nguyễn, có thể thấy được phần nào là công, phần nào là tội, phần nào là hạn chế do triều đại, do nhận thức của mỗi cá nhân trong thời điểm lịch sử đó chi phối. Khá nhiều danh thần triều Nguyễn, đến bây giờ, ta phải nhìn nhận lại, và có những đánh giá khoa học, công bằng và công tâm hơn với họ. Tôi nghĩ, điều đó không chỉ dừng lại trong những công trình nghiên cứu, trong giới nghiên cứu chúng tôi; mà có lẽ, cũng phải được đưa ra với cộng đồng.
Đó là chưa kể góc độ văn hóa, người dân thờ cúng ai chính là vì công lao và đức độ của họ. Vấn đề là ta có nhìn ra được lý do đó không. Từ hai góc độ như thế, việc đánh giá lại, nhìn nhận lại các danh thần, danh nhân thời Nguyễn hết sức cần thiết. Việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt nếu diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, có lẽ là là một sự khởi đầu cho điều đó.
* Quá trình khai hoang mà bà nói tạo ra một tâm thức lịch sử, tâm thức văn hóa và phải chăng, lâu dần cũng tạo ra bản sắc địa phương?
- Đúng vậy. Từ những lưu dân đi khai phá vùng đất mới, rồi dựng làng, lập xóm, dẫn tới sự xuất hiện của tổ chức hành chính, lưu dân có vị thế của một con người đúng nghĩa. Đó là một dấu ấn thế hệ, được lưu truyền nối tiếp và nuôi dưỡng khá lâu. Trong hơn 300 năm ấy, mối liên hệ giữa con người với chính quyền cũng ngày càng chặt chẽ hơn.
Khi đến một đô thị nào đó, điều đập vào mắt du khách trước tiên là hệ thống đường sá, giao thông. Đọc tên các con đường, xem cách bố trí đường sá, người ta đánh giá được trình độ quản lý của đô thị đó, nhận thức được lịch sử văn hóa của đô thị đó ra sao. Ở những đô thị lớn, ngoài những tên đường mang sự kiện lịch sử lớn của đất nước, vùng miền, còn những tên đường phản ánh lịch sử đặc trưng, nhân vật đặc trưng của vùng…
Với cư dân đô thị, tên đường trở thành dấu chỉ tìm ra địa điểm, phản ánh trình độ khoa học quản lý về hành chính, phản ánh văn hóa của vùng đất đó, cũng như ứng xử của mỗi thời (nhất là những vùng có lịch sử phức tạp, nhiều biến cố), thì ứng xử của đời sau với đời trước như thế nào, chỉ cần nhìn tên đường cũng biết.
Tôi nghĩ, trong một không gian chật hẹp như đô thị, tâm thức của dân cư rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến mối liên kết giữa các cộng đồng với nhau, hoặc cộng đồng với nhà quản lý. Tên đường không chỉ là tên đường, không chỉ là khoa học địa lý, mà còn là một câu chuyện văn hóa sâu sắc.
Nên cân đối lại ngân hàng tên đường
* Tên đường, tên phố cũng là một phần của quy hoạch đô thị. Thế nhưng, nhìn vào tổng thể hiện nay, ta không thiếu những con đường trùng tên ở các quận, tên sai lịch sử… Bà nghĩ gì về “ma trận” đó?
- Điều này cũng là hệ quả của lịch sử để lại. Trước đây, TP.HCM là ba đô thị nhỏ: Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định. Đây cũng là vùng đất mở rộng rất nhanh, kể cả trước hay sau năm 1975; một thời gian dài, công tác đặt, đổi tên đường chưa được thực hiện một cách khoa học, vẫn nặng về hành chính. Chưa kể, 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hàng loạt tuyến đường mới ra đời, thậm chí người ta còn lấy ký hiệu, hoặc tạm dùng địa danh cũ để đặt.
Giờ nhìn vào “ma trận” tên đường đó, có những địa danh dân gian cũ (gắn liền với lịch sử xóm làng, lịch sử khu dân cư) vẫn nên giữ lại. Có những tên về mặt thẩm mỹ, thẩm âm chưa được hay, có thể thay đổi. Có những cái tên vô nghĩa hoặc những tên sai lịch sử, chắc chắn cũng phải chỉnh sửa.
Ở nhiều khu mới của Hà Nội hiện tại, người ta đã bắt đầu đặt tên đường các danh nhân văn hóa, nhà văn, nhạc sĩ… Rõ ràng, họ đã có một sự cân đối lại vốn văn hóa dày dặn của thủ đô, không chỉ gói trong một thời của thế kỷ XX, mà cả những thời trước đó nữa.
Tôi nghĩ, đã đến lúc, TP.HCM cũng nên cân đối lại ngân hàng tên đường giữa các lĩnh vực, các danh nhân văn hóa, giáo dục, kinh tế, y tế, khoa học… Nếu cứ để tên đường quá nặng về các anh hùng trong chiến tranh thì chưa toàn diện lịch sử của thành phố mình. Sau năm 1975, chúng ta đã đổi tên đường; giờ tiếp tục đặt như trước thì yếu tố chiến tranh còn quá nặng nề.
* Theo bà, khoa học quản lý hành chính thông qua đặt tên đường có mối liên hệ gì tới câu chuyện đô thị thông minh, sáng tạo mà chúng ta nhắc đến gần đây?
- Theo tôi, nhắc đến đô thị thông minh, thì tên đường và số nhà phải rõ ràng. Nhìn vào hiện trạng số nhà, tên đường hiện nay, lắm khi cảm thấy khiếp đảm. Nếu ví TP.HCM như một ngôi nhà, khi ta bước vào, thấy đồ đạc sắp xếp đâu vào đấy thì đó là một ngôi nhà thông minh. Bộ mặt của TP.HCM chính là tên đường, số nhà. Hiện nay, chúng ta có người, có máy móc, có phương tiện để quản lý điều đó rất dễ. Tôi nghĩ thành phố thông minh, sáng tạo, phải đi từ những câu chuyện rất cụ thể, thiết thực như vậy.
* Cảm ơn bà.
Đậu Dung (thực hiện)