Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: "Giáo viên nên coi học sinh cá biệt là khách hàng VIP"

27/11/2022 - 15:55

PNO - Trong chuyên đề quản lý cảm xúc, giải tỏa stress và giữ lửa nghề cho giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp), tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên giáo viên nên coi "học sinh cá biệt" là khách hàng VIP, quan tâm nhiều hơn, không để các em chìm sâu trong hố mang tên "học sinh cá biệt".

 

Thầy cô nên xem học sinh cá biệt là khách hàng Vip để yêu thương, quan tâm
Mỗi lời nói của thầy cô tác động rất lớn đến học sinh

Kể lại câu chuyện của bản thân, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết trước đây ông là học sinh lớp xã hội nhưng lại "nhờ" điểm toán mà đậu đại học chỉ vì câu nói khích lệ, động viên của giáo viên. "Cô nói trước cả lớp rằng tôi là đứa thông minh và nếu chịu đầu tư học toán sẽ không thua kém ai cả. Nhờ lời cô nói, mà từ một đứa luôn cho rằng bản thân mình kém, luôn bị bạn bè coi rằng học kém toán, không thể "tiêu hóa" nổi toán, tôi đã nỗ lực học, thi đại học được 9 điểm toán" - tiến sĩ chia sẻ.

Vị chuyên gia này khẳng định, mỗi lời nói của thầy cô đều có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, gieo nơi các em những hạt mầm hy vọng. Nhân cách của trẻ là kết quả dạy dỗ của gia đình, sự giáo dục của nhà trường, xã hội. Học sinh nói tục, chửi thề, quậy phá có thể sẽ khiến thầy cô khó chịu, thậm chí là ghét bỏ nhưng nếu nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy các em đang gặp vấn đề nào đó. Học sinh càng cá biệt, càng quậy phá càng cần được thầy cô quan tâm, dành cho sự động viên đặc biệt vì đây là những trẻ thiếu tình yêu thương nhất...

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nhắn nhủ: "Học sinh quậy phá, cá biệt mới là khách hàng VIP của thầy cô. Đừng bỏ mặc các em chìm sâu vào cái hố mang tên cá biệt".

"Nếu 1 giáo viên luôn kỳ vọng rằng: 100% phụ huynh trong lớp đều lịch sự, không bao giờ gây chuyện; 100% học sinh đều lễ phép, không cãi lời; các kiến nghị của mình với cấp trên đều được đáp ứng; không phải đi học bồi dưỡng nhưng chuyên môn vẫn giỏi, lương cao... thì những kỳ vọng vô lý này sẽ khiến thầy cô luôn gặp áp lực, không vui vẻ với công việc.

Hãy thay đổi những kỳ vọng cũ lên phụ huynh, học sinh..., gỡ bỏ những mong muốn không phù hợp bằng những kỳ vọng mới để bản thân mình được thoải mái, vui vẻ với công việc mỗi ngày"  - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu gợi ý.

TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên thầy cô nên xem học sinh cá biệt là khách hàng VIP để yêu thương, quan tâm
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên thầy cô nên coi "học sinh cá biệt là khách hàng VIP" để yêu thương, quan tâm

Đặc biệt, theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, 1 trong những nguyên do khiến không ít thầy cô luôn stress với nghề còn đến từ việc "thầy cô làm giáo viên nhưng lại kỳ vọng về một nghề khác".

"Không ít giáo viên hay "ngó" sang các nghề khác, so sánh nghề của mình với các nghề khác. Kỳ vọng rằng nghề giáo phải giàu như làm kinh doanh, như bác sĩ, kỹ sư, với các giá trị như nghề khác mang lại. Điều này khiến thầy cô cảm thấy áp lực, stress, không bằng lòng với nghề. Hãy nhìn sâu vào nghề của mình, điều chỉnh lại kỳ vọng về nghề, thầy cô sẽ thấy nghề giáo có rất nhiều đáng yêu để mình được tận tâm với nghề, bớt áp lực.

Khi cảm thấy đang bị mất lửa nghề có nghĩa là cảm xúc của thầy cô đang bị mai một, lúc này thầy cô hãy nêm nếm lại bài giảng của mình để hứng thú hơn với công việc" - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đề nghị.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI