Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ: Tách 'mở lon' ra khỏi văn cảnh là thô bạo với ngôn ngữ

29/06/2019 - 20:00

PNO - Dưới góc độ ngôn ngữ học, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nói về việc Coca-Cola bị phạt về 'Mở lon Việt Nam': "Việc tách từ ra khỏi văn cảnh rồi đem suy diễn chủ quan, áp đặt là một động tác thô bạo đối với ngôn ngữ”.

Phóng viên: Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) vừa ra công văn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca-Cola vì sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam”. Cục cho rằng, cụm từ này có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo. Dưới góc độ ngôn ngữ, anh có ý kiến gì?

Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXHVN): Tôi nghĩ rằng việc cấm sử dụng cụm từ nói trên vì lí do thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục là một quyết định hơi cứng nhắc và nặng nề của Bộ VH-TT&DL. Chúng ta đều đoán được hàm ý của quyết định này, chủ yếu nằm ở chữ thứ hai, chữ “lon”. Về mặt tự dạng, người ta cho rằng dễ liên tưởng tới cái từ tục chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, mà lại là từ mang sắc thái tục chứ không phải là cách gọi tên trung tính theo kiểu khoa học. Tôi thấy đây là một cách suy diễn rất nguy hiểm, bởi nếu cứ suy diễn như thế thì Bộ VH-TT&DL sẽ phải đưa ra không biết bao nhiêu quyết định chấn chỉnh nữa.

Vấn đề ở cụm từ nếu có phần quan ngại, theo tôi không phải nằm ở chữ “lon” mà ở chỗ Coca đã đủ sức đại diện cho đồ uống đóng lon của cả nước Việt Nam chưa, để thêm chữ Việt Nam vào sau chữ “lon”, nghe nó có cảm giác trịnh trọng vĩ đại như thứ quốc hồn quốc tuý đã được công nhận một cách chính thức từ một kiểm chứng rất tin cậy nào đó.

Tien si ngon ngu Do Anh Vu: Tach 'mo lon' ra khoi van canh la tho bao voi ngon ngu
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ

* Lý giải về việc vì sao không hợp thuần phong mỹ tục, đại diện Cục trưởng Cục VHCS cho rằng, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Việc tách chữ từ một cụm như thế, có logic không, thưa anh?

- Mỗi chữ nếu chỉ đứng riêng lẻ độc lập là những chữ chết. Nó chỉ tồn tại trong từ điển để giải thích ý nghĩa cho học sinh hoặc người nước ngoài học tiếng Việt. Chữ/từ cần phải đặt vào ngữ cảnh, vào câu mới là những chữ sống, những chữ thể hiện được hết chức năng của mình. Người làm ngôn ngữ học gọi là sự hành chức của các đơn vị từ ngữ. Bởi vậy, việc ngắt từ, tách từ ra khỏi văn cảnh rồi đem suy diễn chủ quan/cá nhân áp đặt vào là một động tác rất khiên cưỡng, thậm chí là thô bạo đối với ngôn ngữ. 

Ngay cả cái từ mà người ta đang nghĩ ở trong đầu để rồi đưa ra quyết định cấm cụm từ của hãng Coca -Cola, bản thân nó cũng không tục. Tục là do cái ý niệm trong đầu, là do người sử dụng ngôn ngữ khoác thêm các sắc thái vào cho nó mà thôi.

Nguyên thuỷ nó không hề tục, vì nó là sự gọi tên chính đáng một sự vật - hiện tượng có thật, thậm chí vô cùng quan trọng trong đời sống. Sắc thái tục chỉ xuất hiện ở một giai đoạn xã hội nhất định, khi có sự xuất hiện của cả một dãy đồng nghĩa, của những từ phái sinh thêm, từ vay mượn, đặc biệt những từ Hán Việt được du nhập vào hệ thống tiếng Việt. Đó là lí do vì sao hiện nay, người ta cảm thấy “âm hộ”/ “âm đạo” không tục; “dương vật” không tục còn những từ khác thì tục.

Nhưng khi chúng ta gọi tên một cách nguyên thuỷ thì chẳng có gì là tục cả. Người Việt mình có căn tính hài hước, thích bài bác chế nhạo. Đây là điều đã được học giả Đào Duy Anh tổng kết và khẳng định trong cuốn “Việt Nam văn hoá sử cương” xuất bản từ năm 1938. Có lẽ đó cũng là một lí do khiến người ta dễ suy diễn và thích suy diễn. Nhưng suy diễn trong môi trường dân gian thì không hại gì, nó chỉ vui thôi, mang lại tiếng cười giải trí sảng khoái. Còn khi đã ngồi ghế quản lý mà vẫn dùng cái suy diễn đó thì tôi cho rằng, đó là sự nhầm chỗ đáng quan ngại.

Tien si ngon ngu Do Anh Vu: Tach 'mo lon' ra khoi van canh la tho bao voi ngon ngu
Phản ứng của Bộ VH-TT&DL trước cụm từ "Mở lon Việt Nam" nhận được sự chú ý từ dư luận

*Trong một cuốn sách, PGS.TS. Trịnh Sâm từng nói rằng, đi tìm và giữ gìn bản sắc của tiếng Việt, chúng ta không chỉ dừng lại ở hệ thống tĩnh tại (gắn với hình bóng của người bản ngữ), mà phải tìm đến các cách ứng xử ngôn ngữ. Theo anh, cách ứng xử với tiếng Việt của Bộ VH-TT&DL trong trường hợp này ra sao?

- Người ta chỉ nên đề phòng với những trường hợp mơ hồ về nghĩa, lấp lửng về nghĩa, dễ gây ra hiểu nhầm trong sử dụng. Nếu câu chữ đã rõ ràng, đối tượng quy chiếu sở chỉ đã chỉ có một thì nên để yên cho người ta.

Ngôn ngữ có quy luật nội tại riêng của nó, gắn chặt với sử dụng trong đời sống thực tế. Thế nên mọi quyết định và ứng xử đối với ngôn ngữ đều nên cân nhắc, nên có sự mềm mại và tôn trọng tính khách quan của nó. Đồng thời, phải biết lắng nghe những phản hồi, ý kiến từ cộng đồng, tham khảo ý kiến của những nhà chuyên môn, không nên ứng xử một cách độc đoán và tùy tiện được.

Ngôn ngữ vẫn có quy luật riêng của nó, nhà quản lý, trong nhiều trường hợp, cũng không thể can thiệp quá sâu. Và cũng không phải bi quan hay lo ngại về tương lai của tiếng Việt. Tiếng Việt sẽ tự có cách để giữ gìn và phát triển của nó. Chừng nào còn người nói tiếng Việt, chừng nào đạo đức lương tri vẫn còn được coi trọng thì giá trị thẩm mỹ của tiếng Việt vẫn được bảo tồn.

* Cảm ơn chia sẻ của anh.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI