Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng: “Chơi đàn tranh giúp tôi nam tính hơn!”

11/11/2023 - 07:48

PNO - Khác với vẻ duyên dáng cùng mái tóc dài, chiếc áo dài quen thuộc trên sân khấu, ngoài đời, tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng tự nhận mình rất nam tính và nhanh gọn như đàn ông. Chị lý giải câu chuyện khá thú vị này trong cuộc trò chuyện dưới đây, cùng Phụ nữ Chủ nhật.

Nói chuyện với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hải Phượng mới thấy cây đàn tranh có mặt khắp cuộc sống của chị suốt bao năm tháng qua, từ thuở thơ bé, khi cây đàn còn cao hơn chị. Theo năm tháng, người nghệ sĩ gần 50 năm tuổi nghề luôn một lòng với nhạc dân tộc nhận ra nhiều điều thú vị hay ho của nghề mình và đời mình thông qua tiếng đàn. 

Tìm cơ hội khi chơi nhạc ở nhà hàng

Phóng viên: Nghe nói rằng sự thành danh hôm nay có phần nhờ chị luyện ngón đàn thông qua không biết bao nhiêu buổi chạy sô biểu diễn ở các nhà hàng?

Tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng: Hồi trước, khi tài liệu học đàn tranh chưa nhiều, nếu bằng lòng với lượng bài sẵn có, mình đàn khó lên tay lắm. Thường thì tôi phải tự soạn, chuyển soạn bài có kỹ thuật khó của nước khác để tập cho lên tay. Kế đến, để không lụt nghề và có tiền sinh sống, từ những năm đầu thập niên 1990, tôi đi đàn cho các nhà hàng, học và chạy show miệt mài từ sáng đến tối. Các em học sinh hay hỏi sao bài nào cô Hải Phượng cũng thuộc, cũng đàn được, là nhờ khoảng thời gian chơi ở nhà hàng.

* Lúc đó, chị có ngại việc mình được đào tạo bài bản, tốt nghiệp loại ưu mà chỉ chơi đàn ở nhà hàng?

- Không đâu, vì thời gian đó, ngoài nhà hàng, cũng chẳng có chỗ nào để chơi đàn, nhạc dân tộc lúc ấy có rất ít nơi để dụng võ. Hồi đó, nhà hát ca múa nhạc dân tộc chưa có, trong các chương trình lớn, người ta chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mời nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc tham gia. Chỉ từ sau khi đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn đưa Hải Yến (nghệ sĩ đàn bầu, em NSƯT Hải Phượng - PV) và Hải Phượng đi lưu diễn, với một tiết mục dân tộc gồm 3 loại nhạc cụ (tranh, bầu, tơ-rưng) đạt được thành công ở nhiều nước, người ta mới bắt đầu nghĩ có tiết mục dân tộc vào sẽ phong phú màu sắc cho chương trình nghệ thuật, nhất là những chương trình giao lưu văn hóa. Lúc đó, tôi mới có cơ hội đi nước ngoài nhiều hơn đồng thời được đứng trên sân khấu lớn.  

Với người thầy, người truyền cảm hứng mà chị rất yêu kính - cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê
Với người thầy, người truyền cảm hứng mà chị rất yêu kính - cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê

* Người ta nói đi chơi đàn ở nhà hàng để mưu sinh nhưng chị lại nói đó cũng là cơ hội nghề nghiệp…

- Cuối năm 1992, đầu 1993 đi Pháp biểu diễn, rồi thu âm album cho hãng đĩa Pháp, tôi được ở nhà thầy Trần Văn Khê để học hỏi thêm. Được diễn với thầy Trần Văn Khê, với những người đồng điệu, cảm giác đó thích lắm. Khi về Việt Nam, phải quay lại nhà hàng để tiếp tục đánh đàn, thật sự tôi hụt hẫng, vì nó quá khác bầu không khí mà một thời gian dài trước đó tôi đã được tận hưởng. Thay vì tiếng vỗ tay nồng nhiệt là tiếng “dzô dzô” cụng ly. Người ta ăn uống nói chuyện rất ồn ào, mình ngồi chơi đàn mà muốn khóc. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, dù sao đây cũng là nơi đảm bảo cho tôi có cuộc sống ổn định, nên tôi vẫn chơi bình thường như mọi khi. Tôi quyết định tăng cường thêm nhạc mục, lấy những bài khó, đòi hỏi kỹ thuật cao đem ra nhà hàng chơi hết vì nghĩ rằng nếu khách của nhà hàng không nghe thì Hải Phượng phải đánh đàn cho mình, chơi những gì mình thích. 

* Vậy là chị không có suy nghĩ nghệ sĩ chạy show đánh đàn ở nhà hàng thường chơi kiểu trả bài hoặc chơi cho có?

- Cũng may là lần vừa chơi vừa khóc ấy, tôi đã quyết định chơi đàn không vì ai cả, chơi vì mình thôi. Từ dạo đó, tôi có tư duy là chơi đàn ở nhà hàng thì không chơi những bài dễ. Tôi muốn đàn những bài khó, đàn cho mình. Khi vượt qua được cảm giác trên, tôi lại được nhận những cái kết bất ngờ khác. Điều đó cho thấy khi mình thay đổi tư duy thì mọi chuyện cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.

* Nghe nói cơ hội đi biểu diễn ở nước ngoài đến với chị cũng từ chỗ người ta ăn uống ồn ào ấy?

- Nhờ tư duy chơi nhạc đó mà tôi có duyên gặp một số nhạc sĩ nước ngoài. Họ đến Việt Nam du lịch, tới nhà hàng nghe nhạc, khi nghe tôi chơi xong thì đến kết nối ngay. Họ nói rằng họ đã đi nghe nhạc nhiều nơi mà không ấn tượng, đến khi nghe những bài nhạc tôi chơi rất hay cho chính mình, họ lại thích. Tôi đã có 3 lần đi biểu diễn Malaysia, 2 lần đi Singapore đều nhờ những “phát hiện” như vậy.

Thời ấy, internet chưa phát triển, Google, YouTube chưa có nên không ai biết Hải Phượng. Tôi lại dở về mặt truyền thông nên việc người ta tìm ra Hải Phượng, mời đi nước ngoài tham dự show diễn này, festival kia là nhờ duyên may kết nối ở nhà hàng như vậy.

Cả gia đình 3 thế hệ gắn bó với đàn tranh: Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan (bìa phải), Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng (bìa trái) và nghệ sĩ trẻ Hải Minh
Cả gia đình 3 thế hệ gắn bó với đàn tranh: Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan (bìa phải), Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng (bìa trái) và nghệ sĩ trẻ Hải Minh

Lăn xả cho tiếng đàn

* Từng có thời người ta quen giả nhạc cụ dân tộc khi hòa âm phối khí cho bài hát, thậm chí với cả người làm hòa âm nổi tiếng. Rất lấy làm phiền vì chuyện này nên chị đã quyết tâm… nghèo đi để vận động người ta xài hàng thật?

- Nhiều nhạc sĩ hòa âm giữ thói quen dùng giả nhạc cụ thông qua cây đàn organ. Tôi và nghệ sĩ sáo trúc Khánh Tường rất chịu khó đi chơi nhạc cho các thể loại chương trình khác nhau, cho các hãng băng đĩa, chấp nhận lấy cát xê rẻ để người ta sử dụng đàn tranh, sáo, đàn bầu thật. Tôi cũng cảm ơn nhạc sĩ Minh Vy - một người kiên quyết từ đầu chỉ thu âm đàn tranh, sáo, đàn bầu thật. Gần như 100% phần đệm nhạc dân tộc trong các ca khúc của ca sĩ Cẩm Ly, Quốc Đại là do Hải Phượng và anh Khánh Tường đệm. Một thời gian, sau khi công chúng đã quen nghe tiếng đàn tranh, sáo, đàn bầu thật, ca sĩ, nhạc sĩ nào dùng sản phẩm âm nhạc có nhạc cụ dân tộc bị làm giả sẽ tự cảm thấy kỳ. Dần dà, từ các bản hòa âm dòng nhạc quê hương đến chương trình boléro đều đã xài “hàng thật”.

* Có thời gian, đi đâu cũng gặp Hải Phượng. Chị được tiếng là nghệ sĩ đàn tranh lăn xả nhất trên mọi mặt trận…

- Ngoài việc đi học thêm với các thầy giỏi trong nghề, tất cả loại hình nghệ thuật dân tộc tôi đều tham gia, từ hầu đồng, ca Huế… đến đờn ca tài tử… Bất cứ chương trình nào lớn nhỏ gần xa gì cần là tôi đến. Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… gọi là tôi đi. Đây là dịp tôi kiểm tra lại xem những điều mình học trong trường và thực tế bên ngoài có gì cần bổ sung không. Ví dụ đệm cho liên hoan hát ru nghĩa là thời gian đó tôi phải nghe hát ru rất nhiều, bây giờ chỉ cần hỏi hát ru là biết ngay hơi điệu như thế nào để soạn đàn ra đánh.

Hồi đó, khi nhạc dân tộc chưa phổ biến, người ta chưa có thói quen nghĩ đến việc cần thiết có nhạc dân tộc trong các chương trình liên quan đến nghệ thuật, tôi nhiều khi diễn không cần tiền hoặc không quan tâm cát xê. Hồi đó, tôi làm vì đam mê đúng nghĩa, chưa bao giờ hỏi thù lao, tiền cát xê được trả không đủ tiền xe đi lại nhưng vẫn đi chơi đàn mải mê. 

Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng cùng cây đàn tranh gắn bó gần nửa thế kỷ qua
Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng cùng cây đàn tranh gắn bó gần nửa thế kỷ qua

* Mà hình như tính của chị cũng vậy, luôn làm vì niềm vui?

- Tính tôi là vậy, chỗ nào vui là có mặt. Chỗ nào cò kè giá cả toan tính thêm bớt nhức đầu quá thì tôi… đi ra chỗ khác chơi. 

Tiếng đàn phản ánh tâm tính con người

* Nếu có thể nói ngay về lợi ích của việc chơi nhạc dân tộc, chị sẽ nói thế nào?

- Chơi nhạc tập cho tôi tư duy là mọi thứ trong tay mình phải có sẵn, bất cứ lúc nào cần là có. Vì vậy, tôi hay tập thêm những bài nhạc đòi hỏi về kỹ thuật, chuyển hơi, chuyển dây, hòa âm… Nhờ vậy, tôi biết uyển chuyển, hòa nhập trước những sự việc, tình huống khác nhau trong đời sống.

* Người ta hay nói “thầy già, con hát trẻ”, có thể hiểu là với chị, càng già đánh đàn càng hay phải không?

- Chính xác, như đồ cổ vậy. Có những đồ cổ chỉ xưa mà không quý nhưng có những đồ cổ lại quý. Phải phân biệt được cái chỉ cổ về thời gian và cái cổ cả về giá trị và thời gian. Ca sĩ khi trong trường nhạc sẽ hát như thế này; sau một vài va vấp ở cuộc đời, họ sẽ ca khác, tiếng đàn cũng vậy.

Theo năm tháng, người nghệ sĩ gần 50 năm tuổi nghề  luôn một lòng với nhạc dân tộc nhận ra nhiều điều thú vị hay ho của nghề mình và đời mình thông qua tiếng đàn
Theo năm tháng, người nghệ sĩ gần 50 năm tuổi nghề luôn một lòng với nhạc dân tộc nhận ra nhiều điều thú vị hay ho của nghề mình và đời mình thông qua tiếng đàn

* Có phải vì nhạc cụ dân tộc, làn điệu quê hương có nhiều âm điệu réo rắt thổn thức nên người ta dễ mặc định là buồn nhiều hơn dù không ít bài vui?

- Thật ra, nghe đàn tranh vẫn có thể đu đưa, nhảy nhót, hát rock được, chơi cùng nhạc EDM cũng bình thường, tùy tâm trạng thôi (cười).

* Nhưng trên phim ảnh, khi tấu lên khúc nhạc đàn tranh thường là minh họa cho tâm trạng khá ưu sầu…

- Do truyền thông và các nhà làm phim ở xứ mình tác động nữa đấy chứ! Nhiều bộ phim, lúc vui thì để âm thanh piano trong sáng, khi nào buồn não nuột, gia đình có vợ bỏ đi, chồng ốm, con hư, người yêu chia tay… thì cho một tiếng đàn bầu, réo rắt đàn tranh cho nó đau thêm (cười giòn).

* Nghe nói chị dạy cho học trò cách nhận ra tính cách con người thông qua tiếng đàn?

- Đúng hơn là tôi dạy học trò nhận ra chính mình trong tiếng đàn đó nên mới có những người học nhạc không giỏi, kỹ thuật không tốt nhưng tiếng đàn rất đẹp.

Khi biết cách nhận biết chính mình qua tiếng đàn thì sẽ biết sửa mình. Như khi bạn diễn tả mèo bắt chuột, trong tiếng đàn phải có sự sát phạt, tranh giành. Lúc đàn, cần lắng nghe xem trong tiếng đàn mình có sự tranh giành hay không; nếu có thì mình đã đánh đúng. Nếu là bài mưa bão, thì bài đó chơi phải ra mưa bão. Nếu đó là một bài nhẹ nhàng trong sáng thì phải tự hỏi lòng mình có đang ghét ai không. 

* Vậy có nghĩa là nếu mình đang sân si giận hờn ai đó thì

- Khi đang tức giận ai, đánh đàn rất dễ đứt dây. 

* Có thể hiểu, khi đàn, ta không thể giấu được cái tính, cái nết của mình phải không, thưa chị?

- Nghe tiếng đàn, người tinh ý có thể nhận ra tính khí người chơi đàn có hiền hậu, có bộp chộp… hay không. Khi ngồi vào đàn, tôi chỉ nghĩ đến đàn. Cho nên, với học trò bình thường, tôi chỉ chỉnh sửa lỗi kỹ thuật. Với học trò thân, tôi sẽ nói là sửa tâm đi, chứ không nói là sửa tiếng đàn. 

* Khi đàn, đòi hỏi ở nghệ sĩ sự tập trung cao độ phải không?

- Có những bài đòi hỏi sự tập trung cao độ, khán giả thấy Hải Phượng cười trên sân khấu chứ thật ra tôi đang tập trung nhiều lắm, không để ý đến ai đâu. Nhất là chơi những bài nhạc cổ, chỉ cần lơ đãng một chút là quên bài ngay. Những bài này hay lặp đi lặp lại mà không có lời nên càng khó nhớ, chỉ cần vào sớm hay trễ nhịp là không biết đi 
về đâu. 

Chơi đàn tranh giúp tôi nam tính và dứt khoát

* Cái khó của nghề này là gì, thưa chị?

- Chẳng có gì khó cả. Cái khó của nghề là… làm sao sống được với nghề thôi (cười giòn). Các cụ nói “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, sống với nghề bằng tâm hồn như thế nào mới khó, chứ sống để tồn tại thì dễ. Nghề này không giàu được đâu, muốn giàu chắc phải đi dạy đại trà, cày cật lực thì may ra. 

* Lâu nay các bìa băng đĩa, sách báo toàn truyền thông hình ảnh quen thuộc - các cô gái bên đàn tranh. Chơi nhạc dân tộc, cụ thể là đàn tranh, có vẻ như là lợi thế của phái nữ?

- Ồ, không phải đâu, lỗi tại truyền thông đấy. Rất nhiều đàn ông chơi đàn tranh. Các thầy của tôi, các nhạc sư, giáo sư nổi tiếng với đàn tranh là nam giới đó thôi, chẳng hạn thầy Trần Văn Khê, thầy Nguyễn Hữu Ba, nhạc sư Vĩnh Bảo…

Đàn tranh mang đến cho Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi
Đàn tranh mang đến cho Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi

* Phụ nữ chơi nhạc dân tộc có thể hiểu là mềm mại, nhỏ nhẹ phải không?

- Dân chơi nhạc có tính cách rất đàn ông, người có những tính khác không chơi nhạc được đâu. Thành ra, bạn nhìn xem, dân chơi nhạc hầu hết là nam giới hoặc là nữ bề ngoài trông nữ tính nhưng bên trong rất nam tính, ví dụ như tôi và các học trò của tôi. Này nhé, khi nhịp đã lên, ban nhạc đã vào nhịp, đúng tông là đàn vào, không đánh là… chết đứng, không thể nào đang chơi mà suy nghĩ là có nên rút lại hay không. Khi chơi với cả dàn nhạc, mình không được quyền đàn ẻo lả vuốt ve, nốt nào ra nốt đó, dần dần sẽ nam tính hơn. Cách nói chuyện của tôi cũng vậy, dứt khoát, gọn ghẽ, không thể nói kiểu yểu điệu thục nữ. Lâu dần, thậm chí trải qua hàng chục năm, thói quen này ngấm vào người, tạo cho tôi sự mạnh mẽ, chính xác và dứt khoát trong tiếng đàn.

* Khi cô đơn, người nghệ sĩ như chị sẽ giải tỏa nỗi niềm qua tiếng đàn?

- Ngày xưa, thầy Trần Văn Khê có nói một ý rất hay: cô đơn nhưng không cô độc. Tôi luôn khuyến khích mọi người tìm niềm vui bằng hình thức nào đó. Đàn, vẽ, gốm, điêu khắc, thêu thùa… gì cũng được, miễn là lúc chú tâm làm, ta sẽ cảm thấy không cô đơn nữa. Nghệ sĩ chơi đàn như tôi có sướng hơn do tần số âm thanh xoa dịu tâm lý dễ hơn. 
Khi làm việc với âm thanh nhiều, mình sẽ quý trọng từng âm thanh. Màu vẽ, quẹt cọ xuống vẫn lưu lại còn chơi một bài nhạc, vừa đàn lên là mất đi ngay, nếu không bắt kịp khoảnh khắc đó thì một giây sau đã không còn. Lâu dần, tư duy chơi nhạc của những kẻ chơi nhạc như tôi là tư duy “biết ngay đây, vào lúc này”. 

* Trông chị trẻ hơn tuổi khá nhiều, hẳn là chơi nhạc dân tộc khiến người ta trẻ ra?

-Tình hình chung là tất cả những người chơi nhạc đều trẻ chứ không riêng tôi. Hình như chơi nhạc làm cho người ta tư duy thoải mái, cởi mở, không bị gò bó, dễ phát sinh niềm vui. Mặc dù nhạc buồn nhưng không có kẻ chơi nhạc nào buồn. Nếu có khóc là khóc trong bài hát chứ không phải trong cuộc đời. Chơi nhạc giúp người ta sống lâu, lại bớt được những giờ nói chuyện phiếm, có sự kích thích tự thân, khiến mình phải vượt qua chính mình.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ

Lê Minh Hạ (thực hiện)

Ảnh: -Triều Nguyên, Nguyễn Á và nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI