Tiến sĩ Neil H. Riordan, sáng lập Viện Tế bào gốc Panama: Tế bào gốc sẽ trở thành tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe

12/11/2018 - 06:27

PNO - "Tôi nghĩ đó chỉ còn là vấn đề thời gian, có thể chừng 10 năm nữa thôi, cho đến khi tế bào gốc trở thành một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe" - Tiến sĩ Neil H. Riordan.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về “thuốc Trung Quốc làm từ thịt người”. Truyền thông Trung Quốc khẳng định “viên nang thịt người” không phải làm từ thai nhi hay thịt người chết mà làm từ nhau thai; y học nước này gọi là “tử hà sa” có tác dụng bổ dương, tốt cho tim, gan, phổi, thận...

Dù có nhiều hoài nghi, nhưng có thể thấy, đây không phải trường hợp duy nhất có tranh cãi xung quanh một liệu pháp từ cơ thể người, giữa hiệu quả điều trị với vấn đề đạo đức. Tế bào gốc cũng là trường hợp như vậy. Mặc dù đã có những nghiên cứu chứng minh khả năng chữa bệnh nhưng tế bào gốc vẫn chưa được sử dụng hợp pháp ở nhiều nước. 

Tien si Neil H. Riordan, sang lap Vien Te bao goc Panama: Té bào góc se trỏ thành tieu chuản cham sóc súc khỏe

Tiến sĩ Neil H. Riordan, sáng lập Viện Tế bào gốc Panama, người đã chữa cho hàng ngàn bệnh nhân và là tác giả của cuốn sách Stem cell therapy - a rising tide (bản dịch Tế bào gốc - bí mật của suối nguồn tươi trẻ) cho biết: những người làm việc trong lĩnh vực tế bào gốc thường gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều quan niệm sai lầm về tế bào gốc và khả năng sử dụng của chúng. Truyền thông cũng đã lợi dụng những hiểu lầm phổ biến của mọi người gây ra những “trận tuyết lở” về tin tức thiếu chính xác, càng tác động tiêu cực đến các nghiên cứu của chúng tôi.

Phóng viên: Những quan niệm sai lầm đó cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Neil H. Riordan: Khi hầu hết mọi người nghe từ tế bào gốc, họ tự động giả định rằng chúng ta đang nói về tế bào gốc phôi, vốn là nguyên nhân của nhiều tranh cãi tại Mỹ trong hơn một thập niên qua. Quan niệm tất cả tế bào gốc đều được thu nhận từ thai nhi và để có tế bào mới thì người ta phải hy sinh những sinh linh bé bỏng khiến người ta phải đặt câu hỏi về đạo đức và y đức.

Khi người ta mới nghiên cứu về lĩnh vực này thì tế bào gốc thu nhận từ phôi thai rõ ràng được xem là rất thú vị, bởi tiềm năng “biệt hóa thành mọi thứ” (khả năng biến đổi thành tế bào da, mỡ, xương...) của nó khi một đứa trẻ đang thành hình. Thực tế, không có một thử nghiệm lâm sàng nào thành công trong việc sử dụng tế bào phôi cho đến nay. Chúng tôi quan tâm đến các tế bào gốc trưởng thành, thu nhận từ máu cuống rốn và mô dây rốn được hiến tặng từ những trẻ sơ sinh khỏe mạnh, đây chính là nguồn có nhiều tế bào gốc nhất. 

* Tế bào gốc là tế bào thế nào, mong ông giải thích rõ hơn?

- Tế bào gốc là những tế bào có chức năng sửa chữa của cơ thể. Khi không có đủ tế bào gốc, hoặc chúng không hoạt động đúng cách, các bệnh mạn tính có thể phát triển và tồn tại dai dẳng. Mỗi người được sinh ra với một số lượng tế bào gốc trưởng thành nhất định. Con số này có thể ví như tài khoản ngân hàng. Một số người có “tài khoản” tế bào gốc giàu có, một số người thì nghèo hơn nhưng đa số chúng ta là tầng lớp “trung lưu” về tài sản tế bào gốc.

Tien si Neil H. Riordan, sang lap Vien Te bao goc Panama: Té bào góc se trỏ thành tieu chuản cham sóc súc khỏe
 

Tế bào gốc tồn tại trong mọi bộ phận cơ thể để sửa chữa các tổn thương như gãy xương, vết đứt, bầm tím, viêm, tiếp xúc phóng xạ hoặc chất hóa học... Bất cứ khi nào cơ thể cần thì tài khoản tế bào gốc sẵn sàng giúp đỡ, cho đến khi “máy ATM cơ thể” không phân phối các tế bào gốc một cách dễ dàng nữa, thường xảy ra vào giai đoạn sau của cuộc đời. Trong thuật ngữ sinh học, điều này xảy ra vì hai lý do: mật độ mao mạch trong cơ thể giảm mạnh và tỷ lệ phân chia của tế bào gốc chậm đi đáng kể. 

Chẳng hạn, tế bào gốc ở trẻ em phân chia trong khoảng 24 giờ/lần, người 35 tuổi 48 giờ/lần, còn ở người 65 tuổi 60 giờ/lần. Nếu cơ thể cần 10.000 tế bào để chữa lành, mà cơ thể chỉ mới có 200 thì sẽ không thể thực hiện được. Không chỉ có thời gian mà lối sống cũng ảnh hưởng đến số lượng tế bào gốc.

Nếu chúng ta bị một cơn suy tim hay tai nạn giao thông gây gãy xương thì phải “rút” kha khá tế bào gốc để chữa lành. Khi một người nào đó đang cạn kiệt tế bào gốc, thì cần liệu pháp thay thế, một nguồn cung cấp dồi dào mới có thể giúp đổi mới sức khỏe người đó.

Tiến sĩ Neil H. Riordan là nhà khoa học trong lĩnh vực y học tái tạo, với hơn 70 bài báo đồng xuất bản và hơn 40 bằng sáng chế. Ông đã thành lập Medistem Panama, phòng thí nghiệm và đơn vị nghiên cứu hàng đầu về tế bào gốc. Ông cũng thành lập Viện Tế bào gốc tại Panama, nơi áp dụng liệu pháp tế bào gốc trung mô để chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân mắc phải những căn bệnh tự miễn và suy biến...

* Vì sao cần nghiên cứu về tế bào gốc trong điều trị ung thư, trong khi kỹ thuật điều trị ung thư đã có những bước tiến đáng kể và tỷ lệ chữa lành khá cao?

- Việc điều trị ung thư tuy đã có những bước tiến lớn, nhưng khi hóa trị sẽ phá hủy tủy xương của bệnh nhân, làm suy giảm khả năng tạo ra các tế bào máu mới nên phải ghép tủy để bù đắp. Tuy nhiên, tế bào tủy cấy ghép bắt buộc phải phù hợp tuyệt đối, không thì cơ thể sẽ từ chối chúng, hệ miễn dịch sẽ tấn công phá hủy và việc cấy ghép có thể không hiệu quả, thậm chí có thể gây biến chứng, tử vong. Vì vậy, điều trị ung thư theo cách này mất nhiều công sức, chi phí và người bệnh phải sử dụng phương pháp ức chế miễn dịch suốt đời. 

Không giống như tủy xương, máu cuống rốn có đặc quyền miễn dịch, nên không bị tấn công bởi hệ miễn dịch của người bệnh. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể điều trị bệnh nhân bằng tế bào máu cuống rốn (tế bào gốc) mà không tốn kém quá nhiều, thực hiện kịp thời và cũng không cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.

* Quan niệm cho rằng tế bào gốc phải được thu nhận từ phôi thai đã gây ra những quan niệm sai lầm về việc sử dụng tế bào gốc trong y khoa ra sao?

- Sức khỏe của bệnh nhân luôn nên được đặt lên hàng đầu trong nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu điều trị, nhưng khi những cuộc vận động hành lang và lợi ích kinh tế bắt đầu được triển khai, thì bệnh nhân bị bỏ quên. Xung đột lợi ích đến từ hầu hết những người lên tiếng chỉ trích liệu pháp tế bào gốc, vì điều này đe dọa khả năng kiếm tiền của họ. Các công ty dược phẩm đều đang bị tế bào gốc "đe dọa".

Tôi là người làm ngành y, và tôi bị ảnh hưởng bởi cha tôi là bác sĩ Hugh Riordan, một cây đại thụ của y học hiện đại. Ông là bác sĩ không theo nguyên tắc nào cả. Ông tin rằng, điều ông có thể làm tốt nhất cho bệnh nhân không phải là ghi cho họ toa thuốc, mà phải khuyến khích họ tự chữa cho chính mình. Khi tôi đang học trung học vào những năm 1970, ông đã điều trị ung thư với vitamin C liều cao tại Trung tâm Cải thiện chức năng con người. Ông đã bị gọi là lang băm, nhưng sau đó phương pháp này hiệu quả cho bệnh nhân ung thư. Đến năm 1977, phương pháp này nhận được bằng sáng chế của Mỹ. 

* Vì sao tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn lại có tiềm năng lớn?

- Trong thập niên qua đã có nhiều nghiên cứu giải thích vì sao tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn lại có tiềm năng lớn hơn tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ hoặc tủy sống. Nói ngắn gọn, như đã mô tả trong cuốn sách Tế bào gốc - bí mật của suối nguồn tươi trẻ, tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn là các tế bào trưởng thành “trẻ” nhất: nó có khả năng sinh sôi và tiết ra các phân tử điều trị nhiều hơn.

Tien si Neil H. Riordan, sang lap Vien Te bao goc Panama: Té bào góc se trỏ thành tieu chuản cham sóc súc khỏe
 

Tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn đã được kiểm chứng là có khả năng kháng viêm cao hơn và các đặc tính điều chỉnh hệ miễn dịch tốt hơn các loại tế bào gốc khác. Nhưng thấy rõ sự khác biệt trong từng căn bệnh được điều trị mới là điều quan trọng, vì tế bào gốc chiết xuất từ tủy sống cũng mang những đặc tính có ích cho việc chữa trị, ví dụ như chấn thương cột sống. 

* Liệu những thành công của ông và Viện Tế bào gốc có thể làm thay đổi tính hợp pháp của việc sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh ở Mỹ và nhiều nước khác trong tương lai gần? 

- Tôi tin rằng, chúng tôi đang ở vị trí vững chắc không thể bị đẩy lùi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra tại các nước châu Âu và tôi tin họ sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời. Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu điều trị bằng tế bào gốc. Ở Mỹ, FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm) đã phê duyệt những liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc theo cơ chế xem xét từng trường hợp (trên cơ sở nhân đạo). Cũng ở đây, nhiều đạo luật đang được bàn bạc ở cấp bang. Tôi nghĩ đó chỉ còn là vấn đề thời gian, có thể chừng 10 năm nữa thôi, cho đến khi tế bào gốc trở thành một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe. 

* Theo cuốn sách của ông, tế bào gốc giống như “thần dược” vì có thể điều trị rất nhiều bệnh nan y như: ung thư, suy tim, viêm khớp, bệnh tự miễn... 

- “Thần dược” không phải là từ lý tưởng vì nó tạo cảm giác rằng mọi thứ đang xảy ra là “phép mầu”. Tế bào gốc trung mô MSCs đã được chứng minh có những đặc tính kháng viêm, tái tạo và điều chỉnh hệ thống miễn dịch, như tôi đã trình bày xuyên suốt cuốn sách. Chính những đặc tính đó cho phép nó thành công trong việc điều trị nhiều căn bệnh tưởng chừng không liên quan. Điều này gây hiểu lầm rằng “dùng nó vào cái gì cũng tốt”. MSCs có tiềm năng to lớn đối với một số bệnh cụ thể và nhiều trong số đó vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. 

* Ông có thể cho biết chi phí của liệu pháp điều trị tế bào gốc hiện nay?

- Về chi phí, có thể ước tính vào khoảng 10.000-30.000 USD. Đó vẫn là cái giá vượt ngoài khả năng đối với nhiều người, nhưng trong một số trường hợp nhất định nó còn hợp lý hơn nhiều so với tiền thuốc men chữa trị các căn bệnh ấy. 

* Xin cảm ơn ông. 

“Cải lão hoàn đồng” bằng tế bào gốc? 

Như tôi đã nói, tế bào gốc trong cơ thể cũng giống như tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng. Nếu bạn để cơ thể chịu quá nhiều thương tổn, đồng nghĩa việc bạn sẽ phải rút ra rất nhiều tế bào gốc để chữa lành và cũng phí phạm phương thuốc chữa bệnh có sẵn của mình. Với những căn bệnh mà chúng tôi đang chữa trị, vẫn còn những nghiên cứu tiếp tục và cho đến nay đã có những kết quả tích cực. Cũng có các nhóm khác nghiên cứu về điều trị các dấu hiệu lão hóa bằng tế bào gốc, đáng chú ý là nghiên cứu của Trường đại học Miami (Mỹ). 

Nếu bạn may mắn sinh ra là một “đại gia” về tế bào gốc, nhưng bạn hút thuốc, uống rượu bia, ăn thức ăn không lành mạnh và không tập thể dục, thì bạn sẽ hết tế bào gốc nhanh hơn những người sinh ra với số lượng tế bào gốc nghèo nàn. Chúng ta không thể ngừng lão hóa, cũng không thể làm thay tạo hóa trong lĩnh vực di truyền, nhưng chúng ta có thể cải thiện cả hai lĩnh vực này bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh.

Chúng ta càng siêng chăm sóc nguồn tế bào gốc trong cơ thể và càng ít sử dụng chúng cho các tổn thương (nhờ sống lành mạnh), chúng ta càng duy trì được sức khỏe và sự tươi trẻ, thứ mà bạn không thể mua được một khi đã cạn kiệt do phung phí. Một lối sống lành mạnh sẽ không bao giờ làm bạn đau khổ. Tốt hơn là chúng ta nên có sự tự chuẩn bị và đón đầu tốt khi các tác động của lão hóa bắt đầu gây ảnh hưởng. 

Tiến sĩ Neil H. Riordan 

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI