Tiến sĩ Martin Rama: Còn nhà thờ Bùi Chu, còn hy vọng

13/05/2020 - 18:38

PNO - Tròn một năm sự kiện nhà thờ Bùi Chu trở thành tâm điểm trên truyền thông khi các cha xứ quyết định phá hủy nó để xây mới, đến nay, sau hai lần hoãn phá bỏ, ngôi thánh đường hiện vẫn đứng vững như một phép mầu.

Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Martin Rama - Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, người khởi xướng và dẫn dắt chiến dịch bảo vệ nhà thờ Bùi Chu một năm qua - xung quanh câu chuyện ứng xử với di sản, mà đặc biệt là di sản các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam.

Phóng viên: Tròn một năm sau “chiến dịch” giải cứu nhà thờ Bùi Chu mà ông là người khởi xướng, hiện nhà thờ vẫn đứng vững, ông cảm thấy thế nào?

Tiến sĩ Martin Rama: Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nhà thờ Bùi Chu cổ kính là một địa danh văn hóa của Việt Nam, là cái nôi của Công giáo Việt Nam, nơi mà những người truyền giáo phương Tây đầu tiên đã đến vào thế kỷ XVI. Được xây dựng bởi một linh mục người Tây Ban Nha, đây cũng là một trong số hiếm hoi các công trình kiến trúc theo phong cách Baroque ở Việt Nam. 

Nhà thờ Bùi Chu tháng 3/2020 - Ảnh: Linh Hương
Nhà thờ Bùi Chu tháng 3/2020 - Ảnh: Linh Hương

Một công trình mang tính dấu mốc như thế không thể được thay thế. Những bức tường vững chãi, những cột trụ trang nhã, những tòa tháp tráng lệ của ngôi thánh đường đã chứng kiến ​​bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Trong hơn một thế kỷ, những đẹp đẽ này đã cùng người dân địa phương bước qua bao khổ hạnh và cứu chuộc.

Ngay cả khi nhà thờ mới được xây dựng giống hệt với nhà thờ cũ, chúng cũng sẽ không giống nhau. Thật không may, người ta thậm chí không cố gắng làm một nhà thờ mới giống như cái cũ. Nó không chỉ lớn hơn nhiều và được xây dựng bằng các vật liệu khác, vòm trần Baroque uốn lượn thanh lịch của nhà thờ cũ cũng sẽ được thay bằng một cấu trúc bằng gỗ theo phong cách hoàn toàn khác.

Chừng nào nhà thờ Bùi Chu còn đứng vững thì vẫn có hy vọng một cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các lựa chọn khác cho ngôi thánh đường này có thể tiếp tục. Tôi đã từng phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng có thể bảo tồn nhà thờ cũ, đồng thời xây dựng một nhà thờ mới để đáp ứng số lượng lớn giáo dân hiện nay tham dự các thánh lễ. 
Tiếc rằng nhà thờ cũ vẫn có thể bị phá hủy trong những ngày tới. Vì vậy, trong khi đang cảm thấy nhẹ nhõm lúc này, tôi cũng lo lắng rằng chúng ta có thể sớm phải đối mặt với một mất mát không thể đảo ngược cho Việt Nam.

* Vài lần về Bùi Chu, tôi nhận ra nhiều người Công giáo ở đây không thấy được giá trị và vẻ đẹp của nhà thờ này. Đây có phải là một trong những lý do khiến nhiều nhà thờ cổ ở Việt Nam, không chỉ Bùi Chu, đã và đang lần lượt bị phá hủy?

- Bạn có thể đúng. Những năm gần đây, một số nhà thờ cổ tuyệt đẹp đã bị chính các chức sắc tôn giáo quyết định phá hủy để xây mới. Trong số đó có nhà thờ Trà Cổ ở TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (bị phá hủy năm 2017), nhà thờ giáo xứ Trùng Phương ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (bị phá hủy năm 2019).

Nhiều nhà thờ cũ đúng là đã xuống cấp theo thời gian, có thể không an toàn cho giáo dân. Nhưng đây là lý do tốt để cải tạo các nhà thờ này chứ không phải lý do phá hủy chúng. Điều này cho thấy các chức sắc tôn giáo chưa nhận ra giá trị lịch sử ẩn trong các nhà thờ tráng lệ mà họ được thừa hưởng từ các tiền bối, cũng như thiếu trân trọng nét thanh lịch khiêm nhường của các nhà thờ cũ. Tôi từng đến thăm nhiều nhà thờ vùng Đông Bắc Việt Nam, nhận thấy một số nhà thờ mới chỉ giống như những công trình giả cổ kềnh càng.

Phong cách mới này có lẽ rất được các linh mục và giáo dân yêu thích. Nhưng tôi chắc chắn thị hiếu sẽ thay đổi khi giáo dục tốt hơn, và người Việt được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới. Đây là những gì đã xảy ra ở châu Âu trong nửa sau của thế kỷ XX. Tiếc rằng sự thay đổi về thị hiếu và sự nhạy cảm chỉ xảy đến sau khi quá nhiều tòa nhà tuyệt đẹp bị kéo đổ. Tôi sợ rằng điều này hiện đang xảy ra với các nhà thờ cổ đẹp lạ thường ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

Ông Martin Rama trong một lần gặp gỡ với các linh mục để tìm giải pháp cứu nhà thờ Bùi Chu hồi tháng 2/2020 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Martin Rama trong một lần gặp gỡ với các linh mục để tìm giải pháp cứu nhà thờ Bùi Chu hồi tháng 2/2020 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Đến nay các cha xứ đã hai lần hoãn việc phá hủy nhà thờ. Đây có phải là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhận thức của họ về giá trị di sản của nhà thờ Bùi Chu không thưa ông?

- Tôi thực sự biết ơn các cha xứ vì sự cởi mở thảo luận về kế hoạch của họ với nhà thờ Bùi Chu, và lắng nghe các quan điểm khác về những lựa chọn thay thế. Tôi luôn cảm thấy được chào đón tại Bùi Chu, và đánh giá cao những cuộc trò chuyện ấm áp và thiện chí mà các cha xứ dành cho tôi. 

Trong những cuộc trò chuyện với các cha, tôi đã cảm nhận được ở họ tình yêu đích thực dành cho nhà thờ Bùi Chu cổ. Tôi tin chắc rằng nếu có một giải pháp giữ được nhà thờ cũ và xây dựng một nhà thờ mới cách xa một chút, thì những cha xứ sẽ nắm lấy.

Tôi cũng biết nhiều chủng sinh trẻ tuổi đã lan truyền các bài báo của tôi trên những trang truyền thông của nhà thờ Công giáo, như một biểu hiện của việc ủng hộ bảo tồn nhà thờ Bùi Chu. Và nhiều người Công giáo Việt Nam đã gửi cho tôi những tin nhắn tốt đẹp để cảm ơn những nỗ lực của tôi dành cho Bùi Chu. Tôi thực sự cảm động bởi sự thông hiểu và hỗ trợ của họ.

Tôi chỉ hy vọng rằng các cha xứ sẽ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu hơn một chút. Trong những trao đổi với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, cũng như với những đại diện các đối tác quốc tế của Việt Nam, tôi đã tìm thấy một sự sẵn sàng hướng tới một giải pháp mang tính xây dựng. Vội vã phá hủy nhà thờ cũ và xây dựng nhà thờ mới ở vị trí của nó, sẽ là một sự mất mát rất lớn. Nhà thờ đã 135 tuổi nên việc chờ thêm vài tháng nữa sẽ không tạo ra sự khác biệt.

Tôi hy vọng các cha xứ Bùi Chu sẽ không phạm phải một sai lầm không thể sửa chữa. Việt Nam đang phát triển với một tốc độ phi thường. Tôi sợ rằng các thế hệ tương lai, được giáo dục nhiều hơn và tiếp xúc với thế giới nhiều hơn, sẽ không tử tế với những người được giao phó di sản quốc gia nhưng không bảo vệ chúng.

* Trân trọng cảm ơn ông. 

Linh Hương (thực hiện)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI