Tiến sĩ… kỳ hoa dị thảo

04/01/2022 - 06:15

PNO - Mỗi lần chạy xe qua những tuyến đường nội đô Sài Gòn, tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM - thường để ý xem những giống cây quý, những loài cổ thụ lâu năm ở khu vực này “sức khỏe” ra sao.

Từng nghiên cứu về phương án bảo tồn cổ thụ Sài Gòn và phục hồi những giống cây “chỉ dấu địa danh” một thời ở vùng đất này như cây vấp ở Gò Vấp, cây sanh ở ngã tư Hàng Xanh, cây gõ ở bùng binh Cây Gõ… với tiến sĩ Đinh Quang Diệp, cây không chỉ có ý nghĩa về môi trường sinh thái mà còn mang những giá trị và nét đẹp của văn hóa - lịch sử, cần phải giữ gìn. 

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp

Tìm giữ vẻ đẹp ban sơ

Gần đây, cuộc chơi phù sinh đầy ảo ảnh có tên “lan đột biến” gây nhiều tranh cãi nhưng ít ai biết từ năm 2019, tiến sĩ Đinh Quang Diệp đã âm thầm bỏ tiền túi để thực hiện chương trình nhân giống lan giả hạc chỉ với mục đích bảo tồn vẻ đẹp hiếm có của loài lan này. Hơn 400 cây giống đã mạnh mẽ rời phòng thí nghiệm để ghép lên cây rừng tự nhiên tại các vườn quốc gia phía Nam. “Đây là năm đầu làm thí điểm nên chỉ có chừng ấy cây con. Tôi chỉ hy vọng 20% trong số chúng sống và phát triển đã là một thành công. Trở về môi trường tự nhiên phù hợp với điều kiện môi trường sống, loài này sẽ tự phát tán và bảo tồn nòi giống về lâu dài” - tiến sĩ Đinh Quang Diệp chia sẻ.

Cùng với lan giả hạc, tiến sĩ Diệp cũng đang nhân giống hạc đỉnh Bảo Lộc - một giống hoa đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Hạc đỉnh Bảo Lộc - giống hoa của mùa xuân này trong những năm đầu thập niên 1990 đã bị nhiều người lùng tìm khắp những cánh rừng từ Nam chí Bắc. Theo tiến sĩ Diệp, hiện chỉ còn một số nhà vườn giữ giống. Trăn trở trước sự tuyệt chủng của một giống hoa, năm 2020, ông đã thử nghiệm thụ phấn, nhân giống. Sau nhiều lần thất bại bởi tính chất thụ phấn tự thân của giống hoa trên, ông đã thành công và hiện đang nuôi trồng thử nghiệm được vài trăm cây giống trước khi đưa chúng về lại với thiên nhiên.

Hạc đỉnh Bảo Lộc - loài hoa của mùa xuân
Hạc đỉnh Bảo Lộc - loài hoa của mùa xuân

“Khi phát hiện một loài cây nào đó, phải nghĩ đến tính ứng dụng, đưa vào thực tế. Điều đó mới nâng cao giá trị của bảo tồn. Chưa đưa vào ứng dụng là chưa đi hết con đường của đam mê và phát hiện khoa học” - tiến sĩ Đinh Quang Diệp chia sẻ. Ông không giấu những mê say khi kể về vẻ đẹp động lòng của loài hạc đỉnh Bảo Lộc mà ông đã mất nhiều công nghiên cứu. Loài cây này lúc trưởng thành cao gần 1m, vòi hoa cao hơn 1,5m mang nhiều hoa vàng, cánh môi màu trắng trang nhã. Hoa đặc biệt có hương thơm ngào ngạt, thích hợp chưng trong nhà vào dịp tết cổ truyền, cho cảm giác thanh nhã của khí xuân.

Nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng từ đó đến nay, tiến sĩ Diệp không nhớ hết những chuyến băng rừng, vượt suối. “Mỗi năm, tôi đi rừng ít nhất ba lần, mỗi lần khoảng nửa tháng. Đi vì thích tìm kiếm những loài hoa, loài cây lạ. Vậy thôi!” - ông nói. Trong cuộc trò chuyện, ông khiêm nhường không nhắc nhiều về hành trình, công sức mà mình đã bỏ ra để kiếm tìm “kỳ hoa dị thảo”. Song, chỉ cần theo dõi Facebook của ông sẽ thấy ngưỡng mộ trước những loài hoa, loài cây lạ, đẹp đến ngỡ ngàng mà ông chia sẻ sau mỗi chuyến đi.

Lan hoại sinh
Lan hoại sinh

Gặng hỏi mãi, ông mới kể lại một trong những kỷ niệm đáng nhớ vì sau chuyến đi, nhiều thành viên trong đoàn phải mất ba ngày “nằm nhà” vì kiệt sức. Đó là năm 2013, nhóm đi rừng ông tham gia phát hiện được loài lan hài hồng (tên khoa học paphiopedilum delenatii) ở núi Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa. “Núi cao khoảng 1.500m, dốc đứng nên đi rất nguy hiểm. Chúng tôi phát hiện loài hoa lan này ở độ cao khoảng 800m. Lúc nhìn thấy, ai cũng reo lên sung sướng”, tiến sĩ Diệp nhớ lại. Ông cho biết, loài lan hài hồng mọc trên đất a-xít của đá granit ở các tỉnh phía Nam, từng được phát hiện lần đầu ở tỉnh Khánh Hòa vào năm 1924 nhưng sau đó không ai tìm thấy nữa. Các loài lan hài đã được Tổ chức Bảo tồn thiên hiên quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm bị tuyệt chủng. 

Cũng từ những chuyến đi vào rừng sâu đó, ông còn phát hiện loài thu hải đường lá ánh (begonia jubar) ở vùng rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, tỉnh Đắk Lắk, thường chỉ mọc ở những kẽ đá và đang nằm trong danh sách “sẽ nguy cấp” theo tiêu chuẩn Danh mục đỏ của IUCN. Năm 2017, sâu trong Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận), ông cùng nhóm nghiên cứu ngỡ ngàng phát hiện một chi lan hoại sinh, silvorchis - mà hơn 100 năm trước được tìm thấy ở Java, Indonesia, sau đó gần như tuyệt chủng. 

Món quà cho tha nhân

Trước khi giảng dạy tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM , tiến sĩ Đinh Quang Diệp từng có 15 năm công tác tại Trường đại học Tây Nguyên. Từng ấy thời gian giữa xứ sở bạt ngàn rừng núi đã khắc trong ông một tình yêu với rừng. Để rồi, từ cuối năm 1995 về công tác tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM , với “kho tàng” từ trải nghiệm nghiên cứu cùng nỗi đắm say núi rừng, ông sáng lập và phát triển bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. 

Ngành học mới ra đời đồng nghĩa với việc tiến sĩ Đinh Quang Diệp khởi hoạt hành trình đi tìm những loại cây có thể ứng dụng vào thiết kế đô thị. Đó cũng là nhịp cầu đầu tiên ông bắc, nối giữa “gia sản”, hơi thở của đại ngàn với lối sống, không gian đô thị. “Thời điểm đó, phát triển mảng xanh cũng là một nhu cầu mạnh mẽ trong tâm thức thị dân. Nhiều thiết kế khi ấy sử dụng phần lớn những giống cây nhập từ nước ngoài và cũng không đa dạng loài cây mới. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều loại cây dễ dàng áp dụng trong không gian đô thị nhưng không được tận dụng” - tiến sĩ Đinh Quang Diệp nhớ lại.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp trong một chuyến vào rừng khảo sát thực địa
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp trong một chuyến vào rừng khảo sát thực địa

Khi đó, sự đầu tư xấp xỉ một hecta đất của Trường đại học Nông Lâm TPHCM cho công tác nghiên cứu, từ thí nghiệm lai tạo, nhân giống đến ươm trồng đã từng bước thuần hóa, đưa và góp phần định hình, phổ biến nhiều loài cây trong rừng vào cuộc sống thị dân. Đơn cử như loài muồng hoa đào (cassia javanica), kim vũ - còn gọi là mưa vàng (koelreuteria paniculata), kèn chàm (radermachera hainanensis), đinh vàng (fernandoa serrata)…

Với “kẻ si rừng” Đinh Quang Diệp, đó thực sự là một “cuộc chơi” công phu, nghiêm túc. Thật sự đam mê, tâm huyết, ông mới có thể nói về sự nhọc nhằn, gian truân, nguy hiểm đầy rẫy trong từng ngõ ngách núi non bằng nụ cười hồn nhiên: “Khi đi, tôi chẳng nghĩ đến nguy hiểm, nhưng về đến nhà, nghĩ lại chợt thấy… run”. Rồi thì, sau mỗi lần run, ông lại vào rừng cho thỏa nỗi “phải lòng”. Những triền rừng leo vài trăm bước chân đã nhuốm mệt, thở dốc; những chốn thâm sơn cùng cốc chưa từng khiến vị tiến sĩ phải chùn bước. Một tai nạn giữa lúc băng rừng trong hành trình thực địa đơn độc khiến ông từng nằm nhà sáu tháng cũng chẳng cản nổi lòng si. 

Theo tính toán của tiến sĩ Đinh Quang Diệp, tầm hai - ba năm sau, loài lan hạc đỉnh Bảo Lộc mà ông đang thử nghiệm nuôi trồng sẽ bung nở. Ông gọi nó là hoa của tương lai. 

***

Những mệt nhoài của đời sống đã đưa con người - cách này hay cách khác - về với thiên nhiên, với thảm xanh thực vật, để an trú và chữa lành tâm hồn. Tiến sĩ Đinh Quang Diệp tiếc nuối khi không khó để mỗi vùng miền, tỉnh/thành sở hữu một vườn cây riêng biệt. Kiến thức bản địa đó chính là bộ sưu tập giống loài đặc trưng được dưỡng nuôi từ khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, bao gồm những giống loài đã được thuần hóa từ tự nhiên - vốn cũng đậm chất riêng biệt theo điều kiện sinh thái vùng miền để sinh tồn. Không gian đó đâu chỉ giải quyết câu chuyện của giao thương, kinh tế, phát triển du lịch hay thúc đẩy năng lực bảo tồn mà còn là cõi sống của người dân bản địa.

Thu hải đường lá ánh
Thu hải đường lá ánh

Trên “gia sản” của thực vật Việt Nam, năm 2021, tiến sĩ Đinh Quang Diệp đã ra mắt cuốn sách ảnh 500 loài cây thường dùng trong thiết kế cảnh quan bao gồm nhiều giống cây rừng. Cuốn sách trở thành cẩm nang gối đầu cho mọi tâm hồn khao khát an trú trong hơi thở thiên nhiên.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI