Gần 30 năm trước, tiến sĩ dược khoa Jean Pierre Barau đã cùng các đồng nghiệp trong tổ chức Pharmaciens sans Frontières (PSF), Médecins sans Frontières (MSF) đến Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thiện nguyện, hỗ trợ các đồng nghiệp và người dân Việt Nam trong công tác thăm khám, hỗ trợ thuốc và các dụng cụ y khoa... Với ông, Việt Nam, sau gần 30 năm đã phát triển và hội nhập toàn diện và hơn hết, đó là nơi có được một đời sống xã hội ổn định và bình yên.
|
Ông Jean Barau (giữa) cùng con trai và cháu gái |
- Sự bình yên và ổn định ấy được nhìn nhận qua hình ảnh nào, thưa ông?
- Tiến sĩ Jean Pierre Barau: Tôi và gia đình cùng nhiều đồng nghiệp đã đến Việt Nam vào những năm 1990 - 1991, mang theo thuốc men, quần áo, y cụ để hỗ trợ một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là cho bệnh nhi Việt Nam, tại Huế. Chúng tôi duy trì công việc này trong suốt nhiều năm liền.
Sau 28 năm trở lại, tôi có dịp đi từ Hà Nội, vào Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, tôi quá ngạc nhiên bởi sự thay đổi cực nhanh, sự phát triển theo chiều hướng tích cực của đất nước các bạn. Đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, mức độ thụ hưởng các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được đầu tư thực chất, dĩ nhiên, tỷ lệ này vẫn chủ yếu là ở các đô thị, cận đô thị; còn địa bàn vùng núi, vùng nông thôn vẫn cần được tiếp tục chú trọng một cách thực tế hơn.
Ở các địa phương tôi đi qua và ghé lại, sự phân tầng xã hội khá rõ, tuy nhiên, mức độ thụ hưởng bình quân của người dân tương đối ổn, những dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, văn hóa... đều được đầu tư, đáp ứng và phổ cập rất nền tảng, mở rộng và nhiều sự lựa chọn.
Tôi thích cách phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng bên cạnh sự gìn giữ mực thước, chỉn chu mà vẫn rất văn minh của Hội An (Quảng Nam); hoặc cả sự cho là chậm - hội - nhập của Huế thì vẫn chấp nhận được khi thành phố này hướng đến kiểu phát triển đặc thù là thành phố festival của Việt Nam.
Điều quan trọng là đã duy trì và bảo vệ được sự ổn định của một thể chế chính trị, một môi trường sống bình yên, không bị đe dọa bởi những tai họa rình rập, tai họa nguy cơ, tai họa hiện hữu.
- Theo ông, điều gì làm nên môi trường sống và chất lượng sống ấy?
- Tiến sĩ Jean Pierre Barau: Nếu có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu, tôi sẽ có câu trả lời đầy đủ hơn. Ở đây, chỉ xin nêu cảm nhận của mình: có lẽ vì Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc chiến, thời gian, con người đều bị “ném” vào chiến tranh khốc liệt nên đất nước này, người dân nơi đây chỉ mong được sống hòa bình. khi có được hòa bình, họ chăm chỉ làm việc.
Cũng có thể, bước ra từ một đất nước chiến tranh, dù đã hơn 40 năm, nên sự thiết lập và hình thành một trật tự xã hội chưa hẳn thích ứng và trở thành thói quen, tập tục của mọi thế hệ, dẫn tới vẫn còn một số biểu hiện xô lệch, thiếu bài bản... Nhưng, căn bản, khi người dân và chính quyền cùng một ý chí, một mục tiêu, thậm chí là chung một giấc mơ thì sự chung tay gầy dựng, phát triển là điều dễ được đồng thuận.
Cha tôi, một cựu binh thời Pháp, tuổi trẻ của ông đã trải qua nhiều năm tháng ở Sài Gòn, đã nhiều lần nói với tôi: cha chưa từng thấy một đất nước cộng sản nào mà tính mở, tính hội nhập, tính tự do lại rộng và mạnh mẽ như Việt Nam.
- Sau các chương trình của PSF, MSF có mặt ở Việt Nam, sắp tới, liệu ông và các đồng nghiệp sẽ có những dự định nào khác tại đây?
- Tiến sĩ Jean Pierre Barau: Theo tôi biết thì PSF hay MSF vẫn tiếp tục duy trì, riêng tôi thì lại có sự... chuyển giao thế hệ, nghĩa là các con và cháu họ tôi đều đã và đang có kế hoạch, hoặc có mong muốn sẽ sang Việt Nam, đến TP.HCM để thực tập (thực tập sinh của các chương trình cộng đồng) hoặc thử nghiệm công việc mới (nhiều tập đoàn, công ty của Pháp vẫn đang có chính sách đưa nhân viên sang Việt Nam làm việc ngắn hạn).
Chúng đã đến TP.HCM và tha thiết muốn quay lại nơi ấy để sống và làm việc. Chúng bảo, đó là nơi sau giờ làm việc, buổi chiều có thể lang thang thoải mái, tấp vào một quán cà phê vỉa hè, tối đến thì lịch thiệp bước vào nhà hát để thưởng thức một buổi hòa nhạc. Nó có đủ chỗ, đủ món, đủ thời gian cho mọi người, mọi sinh hoạt cá nhân tự do mà bình yên.
Khi tôi ngỏ ý muốn nghe cụ thể về nhận định “chưa từng thấy một đất nước cộng sản nào mà tính mở, tính hội nhập, tính tự do lại rộng và mạnh mẽ như Việt Nam”, tiến sĩ Jean Pierre đã kết nối cho tôi gặp cha ông, ông Jean Barau. Qua điện thoại, từ đảo Réunion (thuộc nước Pháp),ông Jean Barau đã hào hứng cho tôi biết:
- Mỗi năm tôi đều về Việt Nam, đúng ra thì tôi về Sài Gòn, về TP.HCM. Tôi yêu cuộc sống, con người ở đó. Trên con đường Đồng Khởi - Catinat ngày trước, tôi có thể bước vào Continental hay Caravelle, những nơi mà hồi trai trẻ, tôi chỉ đi ngang qua và ước ao một ngày mình được ngồi ở những nơi sang trọng ấy.
Tôi đến đó ăn sáng mỗi ngày, nhìn ngắm mọi người cùng thưởng thức cà phê, bánh mì. Ai cũng thưởng thức một nếp sống yên bình, văn minh. Tôi ghé qua Ân Nam Gourmet để mua bất cứ phô mai, bánh, rượu tây nào mà mình muốn; hoặc ghé sạp báo Tây quen thuộc ngay trước hẻm dẫn lên nhà hàng l’Usine.
Một đất nước mà mọi người dân, nhất là phụ nữ có thể rời khỏi nhà hay trở về nhà bất cứ khi nào họ muốn, họ cần; một xã hội mà quyền và lợi ích đều được mặc nhiên tôn trọng từ trong nhà ra ngoài ngõ, tôi lưu ý, hãy chịu khó ngồi kiểm đếm tất cả các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cá nhân thì sẽ nhận thấy một cách công bằng điều tôi nói. Điều đó cho thấy, đó là một đất nước cực kỳ ổn định, TP. Hồ Chí Minh là một thành phố có sức sống, nó luôn mang lại cho tôi một năng lượng tích cực. (cười)
Dù đường luôn đông và kẹt xe, dù người dân đôi khi lạm dụng máy lạnh, nhưng lạ là, cuối cùng thì ai cũng có thể thoát ra khỏi mớ xe hỗn tạp ấy, và tôi thích cái ý thức ngày càng có nhiều cây xanh được trồng mới trên các tuyến đường của thành phố.
Kết thúc cuộc trò chuyện, tiến sĩ Jean Pierre Barau cùng cha ông hẹn gặp chúng tôi vào tháng Bảy năm nay, ngay tại TP.HCM, một buổi ăn sáng tại Continental hay Caravelle sau khi đã tham quan một vòng thành phố bằng tuyến xe buýt đường sông.
|
Ái Mỹ (thực hiện)