Ông tôi đã không nhận ra cô cháu gái
Chúng tôi gặp tiến sĩ Đỗ Vân Khanh khi cô đang hướng dẫn cho các nữ sinh viên tại phòng lab của mình. Căn phòng nhỏ nhưng được trang bị những loại máy móc hiện đại, đắt đỏ. Hơn 1,5 tấn thiết bị này nằm trong gói tài trợ nghiên cứu trị giá 11 tỉ đồng mà nhà khoa học trẻ nhận được từ Tổ chức Seeding Labs (Mỹ) dành cho nghiên cứu khoa học đặc biệt.
|
Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh kiên trì theo đuổi việc nghiên cứu, phát triển các công cụ chẩn đoán sớm các bệnh Alzheimer, ung thư, tim mạch - Ảnh: Bảo Khang |
Con số tài trợ “khủng” ấy với tiến sĩ Đỗ Vân Khanh dường như không quá bất ngờ vì cô từng là 1 trong 30 cái tên được Viện Sức khỏe Mỹ vinh danh vào năm 2020. Công trình giúp nhà khoa học nữ trở thành người duy nhất không có quốc tịch Mỹ trong danh sách mang tên: "Vai trò của nghiên cứu khoa học về chất béo đối với các bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh".
Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích các phân tử chất béo trong tác động tới hệ thần kinh, đặc biệt là não bộ, lớp võng mạc của mắt. Hướng đi này mở ra “cánh cửa mới” cho việc tìm hiểu cơ chế gây các bệnh suy giảm chức năng thần kinh và xa hơn là phát triển các phương pháp chẩn đoán sớm.
Hiện tiến sĩ Đỗ Vân Khanh cũng là chủ của hàng loạt đề tài nghiên cứu, phần lớn liên quan tới vấn đề thoái hóa thần kinh ở người già. Lý giải về lĩnh vực mình đam mê theo đuổi, nhà khoa học trẻ cho hay, cô có động lực xuất phát từ câu chuyện gia đình.
Vân Khanh lớn lên tại TPHCM. Sau khi học cấp III, cô được cha mẹ khuyên theo ngành y, nhưng cô đã lén đăng ký và đậu vào Khoa Công nghệ sinh học y dược - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Theo cô, đây là lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, nhiều đóng góp cho y học. Hơn nữa, đó cũng là cây cầu để dẫn cô đi tìm lời giải cho những trăn trở, băn khoăn trong suốt nhiều năm, khi ông của cô mắc bệnh và ra đi bởi Hội chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer).
“Thời gian đó, gia đình chúng tôi không hề biết đó là bệnh Alzheimer, chỉ nghĩ đó là bệnh tuổi già. Tôi xót xa khi ông không còn nhận ra cô cháu gái, xem tôi như người xa lạ. Chúng tôi hoàn toàn bất lực cho tới ngày ông ra đi” - Đỗ Vân Khanh xúc động chia sẻ.
Cho tới nay, Alzheimer vẫn là bệnh không có thuốc điều trị, chỉ có một số loại thuốc và bài tập giúp giảm nhẹ và kéo dài thời gian thoái hóa thần kinh. Do đó, giới khoa học cũng như bản thân tiến sĩ Đỗ Vân Khanh luôn khao khát tìm ra con đường cải thiện sức khỏe cho người già, giảm gánh nặng cho xã hội.
Hai tiếng “gia đình” thúc giục tôi về nước
Năm 2013, cô nhận học bổng toàn phần từ Quỹ Giáo dục Việt Nam của Mỹ và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Khoa học sức khỏe - Đại học bang Louisiana - New Orleans (Mỹ). Dù có không ít lời mời làm việc, song năm 2021, Đỗ Vân Khanh quay trở lại Việt Nam. Cô không hề đắn đo khi đưa ra quyết định này: “Năm 2021, thế giới khủng hoảng vì COVID-19, TPHCM cũng trong tâm dịch, nên lòng tôi “đổ lửa”. Chưa bao giờ tôi thấy gia đình lại có ý nghĩa đến thế. Đó là thời khắc thúc giục tôi phải trở về ngay”.
|
Ngoài công tác nghiên cứu, nữ tiến sĩ còn là người “truyền lửa” cho các sinh viên y khoa - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trở về Việt Nam, Đỗ Vân Khanh đầu quân vào Trường đại học Phenikaa, ở Hà Nội. Tại đây, nữ tiến sĩ vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, vừa đảm nhận vị trí trưởng bộ môn y sinh và di truyền. Đặc biệt, cô vẫn phối hợp cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Khoa học sức khỏe - Đại học bang Louisiana để tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu “Vai trò của nghiên cứu khoa học về chất béo đối với các bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh".
“Tôi mong thời gian tới đây, việc phát triển các công cụ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh dựa vào những thay đổi bất thường ở mắt sẽ có điều kiện được nghiên cứu thêm ở Việt Nam, từ đó tìm ra những khác biệt của bệnh nhân Việt so với thế giới và đưa ra các hướng tiếp cận khác nhau” - Đỗ Vân Khanh kỳ vọng.
Ngoài Alzheimer, khi trở về Việt Nam, Đỗ Vân Khanh nhận thấy số lượng bệnh nhân qua đời mỗi năm vì ung thư và tim mạch ngày càng cao. Chính vì vậy, cô quyết tâm bước vào một chặng đường nghiên cứu mới: tập trung nghiên cứu, phát triển các công cụ phân tích dữ liệu cấu trúc phân tử chất béo trong máu, làm nền tảng cho mô hình chẩn đoán sớm các bệnh ung thư; đánh giá tầm soát nguy cơ tim mạch, không xâm lấn cho người Việt.
Con đường khoa học không có bóng dáng bất bình đẳng giới
Từ con đường của bản thân, nữ tiến sĩ khẳng định không có sự bất bình đẳng giới nào trên con đường khoa học. “Khi tôi trở về Việt Nam, tôi từng gặp một số nữ đồng nghiệp khá tự ti. Họ bị ràng buộc bởi những định kiến như phải lo toan cho gia đình, phải quán xuyến mọi mối quan hệ đằng nội, đằng ngoại… Họ sợ rằng, mình sẽ không đủ điều kiện và năng lực để đi được tới đích. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn bình đẳng trong cả công việc và cuộc sống” - Đỗ Vân Khanh thẳng thắn nêu quan điểm.
Cô nói mình may mắn khi có thể cùng bạn đời chia sẻ mọi điều. Anh cũng là một nghiên cứu sinh tại Mỹ và đồng lòng cùng cô về nước làm việc. Không chỉ gắn kết với nhau trong mối quan hệ gia đình, anh còn là người bạn đồng hành trên con đường nghiên cứu khoa học. Vợ chồng thường xuyên cùng đọc lại đề tài cho nhau để đóng góp ý kiến, chỉnh sửa cho hoàn hảo.
Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh cũng tiết lộ, mức lương của cô không hề cao như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, “cái được” lớn nhất là cô được tạo điều kiện để phát triển các đề tài nghiên cứu. Năm 2022, cô tiếp tục nhận được lời mời giảng dạy tại Mỹ, song Đỗ Vân Khanh từ chối, bởi tôi muốn là người lát những viên gạch, nền móng đầu tiên cho lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Năm 2023, Katalin Karikó - nhà khoa học nữ người Hungary đã đạt giải Nobel y học nhờ nghiên cứu về mRNA, ứng dụng làm vắc xin phòng chống COVID-19. Để có được sự ghi nhận này, bà đã phải gánh chịu vô vàn đắng cay. Katalin Karikó từng không được công nhận, từng bị đuổi việc đến 4 lần từ Hungary qua Mỹ. Nhưng cuối cùng, hơn 40 năm theo đuổi công trình tưởng chừng như vô vọng, bà đã tạo ra kỳ tích, góp phần cứu nhân loại trong đại dịch COVID-19.
Câu chuyện của Katalin Karikó là nguồn cảm hứng bất tận với Đỗ Vân Khanh. Những đề tài mà cô theo đuổi là hướng đi mới, dù đạt được những kết quả ban đầu, song để tới đích luôn rất gian truân. Tuy nhiên, nữ tiến sĩ không ngừng nuôi hoài bão, kỳ vọng một ngày các nghiên cứu liên quan tới chẩn đoán sớm căn bệnh thoái hóa thần kinh, ung thư… được ứng dụng vào thực tiễn. Người phụ nữ ấy mong mỏi thành công để tạo động lực cho nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về.
Huyền Anh