Đào Lê Na gây ấn tượng cho người đối diện bởi lối nói chuyện duyên dáng, gần gũi và nguồn năng lượng tích cực dồi dào. Ở những tháng cuối thai kỳ, cô vẫn hăng say làm Đợi Kiều - vở cải lương thể nghiệm kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại như múa bóng, biểu diễn hình thể…; vẫn xuất hiện ở các buổi trò chuyện, hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng.
Song song đó là những bận rộn cho công việc giảng dạy tại trường với nhiều hoạt động đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu cho những bộ môn mới. Nhưng có cảm giác dường như cô chẳng bao giờ biết mệt. Có lẽ vì cô đã và đang được sống, làm việc bằng tình yêu cho những gì cô miệt mài theo đuổi. Tình yêu đó cộng hưởng với những vòng tròn năng lượng khác không ngừng lan tỏa.
Lý luận vững chắc làm nền tảng cho thay đổi, phát triển nghệ thuật
Phóng viên: Là giảng viên chuyên ngành biên kịch điện ảnh và nghệ thuật, từ lúc nào chị dành sự quan tâm đến cải lương và thôi thúc thực hiện Đợi Kiều - một dự án thể nghiệm dành cho bộ môn này?
Tiến sĩ Đào Lê Na: Tôi đến với cải lương từ nhỏ, thông qua ti vi và các gánh hát về quê lưu diễn. Tuy nhiên, chỉ đến khi làm luận văn thạc sĩ về cải lương trước năm 1945, tôi mới có điều kiện tìm hiểu kỹ và rất yêu loại hình sân khấu này cũng như tinh thần đương đại của cải lương. Không dễ để có một loại hình sân khấu vừa giàu căn tính dân tộc, vừa có thể kể chuyện, dàn dựng một cách đương đại. Do đó, khi thấy cải lương nói riêng và sân khấu nói chung có phần kén khán giả do bối cảnh của thời đại, tôi quyết định thực hiện một tác phẩm theo phong cách thể nghiệm để góp thêm tiếng nói mới cho cải lương, mang vẻ đẹp của cải lương đến người trẻ thông qua hình thức dàn dựng mới. Tôi chọn Truyện Kiều vì muốn đưa ngôn từ của cụ Nguyễn Du đến giới trẻ, giúp các bạn hiểu và yêu vẻ đẹp tiếng Việt đồng thời cũng muốn khán giả nhìn thấy giá trị vượt thời gian về mặt tư tưởng trong tác phẩm.
|
Ban nhạc vở diễn Đợi Kiều |
* Có rất nhiều lý do biện giải cho sự thoái trào của cải lương. Sự lép vế trước những loại hình giải trí hiện đại là một trong những yếu tố đó. Ở góc nhìn của chị, còn những nguyên nhân chính yếu nào khác?
- Theo tôi, còn những nguyên nhân đến từ việc thiếu nguồn kịch bản có thể nói lên tiếng nói của giới trẻ, thể hiện đời sống đương đại; thiếu nhiều diễn viên cải lương trẻ diễn cho chính khán giả trẻ xem; thiếu những bản hòa âm phối khí mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Ngày nay, giới trẻ tiếp cận nhiều thể loại âm nhạc, nhiều loại nhạc cụ khác nhau thông qua mạng xã hội và internet. Do đó, đòi hỏi của họ về hòa âm phối khí cũng khác so với ngày trước. Bên cạnh đó, các vở cải lương thường có tiết tấu chậm, âm nhạc buồn thương, da diết trong khi giới trẻ ngày nay có nhịp sống khác hơn, các yêu cầu về cung bậc cảm xúc cũng đa dạng hơn. Nên chăng cải lương cũng cần có những đổi mới về nghệ thuật kể chuyện và cách dàn dựng sân khấu mang tính đương đại hơn để khán giả có thể thấy cải lương luôn mới, hiện đại.
|
Một cảnh trong vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều |
* Từ thực nghiệm tại một số trường đại học ở TPHCM, chị nhận thấy sự quan tâm của người trẻ đối với cải lương nói riêng và các môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung đang dừng ở mức độ nào?
- Qua các buổi trò chuyện và trình diễn, tôi nhận thấy vẫn có một bộ phận khán giả trẻ yêu cải lương, yêu nghệ thuật và khát khao đổi mới nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi không lạc quan cho rằng nếu cải lương đổi mới sẽ được đón nhận như xưa vì bây giờ người trẻ có quá nhiều phương tiện giải trí, quá nhiều sự lựa chọn để thưởng thức. Nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn xem các loại hình nghệ thuật khác nhau thông qua mạng xã hội, các video ngắn. Các bạn không có niềm vui trong việc đến sân khấu để xem biểu diễn nghệ thuật trực tiếp, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống dù qua các buổi trò chuyện, các bạn vẫn bày tỏ sự cởi mở trong việc nghe, tìm hiểu cải lương. Trên thực tế, để bỏ tiền ra rạp xem cải lương, các bạn vẫn ngần ngại vì luôn thấy cải lương có một khoảng cách thế hệ với các bạn.
* Theo chị, đâu là cách thức hiệu quả để có thể thu hút người trẻ đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống?
- Phải có sự kết nối giữa các thế hệ trong thực hành nghệ thuật truyền thống, đặc biệt nên ưu tiên giới trẻ tham gia vào các khâu quan trọng như: sản xuất, truyền thông và biểu diễn. Khi người trẻ biểu diễn cho người trẻ xem, họ nhận thấy nghệ thuật truyền thống vẫn được tiếp tục như những dòng chảy trong chính thời đại của họ chứ không có cảm giác nhìn về quá khứ hoặc cảm thấy khoảng cách. Nếu có nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ thực hành nghệ thuật truyền thống sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa những thông điệp mới và những tiếng nói mới, yêu cầu mới đến với khán giả trẻ.
* So với các quốc gia trong khu vực châu Á, đâu là những hạn chế và ưu điểm của Việt Nam trong việc mang các loại hình nghệ thuật truyền thống vào đời sống đương đại?
-Ở Việt Nam, ưu điểm của việc mang các loại hình nghệ thuật truyền thống vào đời sống đương đại là chúng ta có cải lương - một loại hình nghệ thuật gần như sinh sau đẻ muộn và ra đời sau khi kịch nói đã vào Việt Nam. Ngoại trừ âm nhạc, cải lương có thể triển khai kịch bản và dàn dựng như một vở kịch nói nên sân khấu kịch nói phát triển đến đâu, cải lương cũng có thể thay đổi và phát triển đến đó.
Tuy nhiên, hạn chế là chúng ta không có nhiều trường đào tạo về nghệ thuật học để bổ trợ lý thuyết cho những người làm nghệ thuật truyền thống. Chúng ta cũng thiếu nhiều trường lớp đào tạo chính quy biên kịch sân khấu truyền thống. Muốn đổi mới, trước hết, phải hiểu truyền thống. Điều này dẫn đến việc thiếu đội ngũ cách tân, đổi mới sân khấu truyền thống và đội ngũ dàn dựng, viết kịch bản mang tinh thần đương đại.
|
Khán giả trẻ hào hứng với Đợi Kiều |
* Một trong những đặc tính nổi bật nhất của văn hóa Việt Nam là sự linh hoạt. Yếu tố này giúp người Việt dễ dàng đón nhận những yếu tố văn hóa mới mà không tạo nên xung đột. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, chính sự linh hoạt này dẫn đến việc thiếu đi yếu tố nền tảng hoặc yếu tố bản sắc khá mờ nhạt. Chị có nghĩ như vậy?
- Tôi không nghĩ sự linh hoạt khiến văn hóa Việt Nam thiếu đi nền tảng hoặc có bản sắc khá mờ nhạt. Thực ra văn hóa luôn biến đổi, dù ở bất kỳ quốc gia nào và sự biến đổi đó sẽ góp phần tạo ra những điều mới mẻ. Điều chúng ta thiếu là nền tảng lý luận cho sự thay đổi, đặc biệt là ở những dự án văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, khi cải cách, thay đổi bất kỳ điều gì vốn đã quen thuộc, gắn bó với nhiều người, chúng ta dễ bị nói là “làm hỏng”, “phá hoại”... nhưng chúng ta quên mất rằng, bất cứ điều gì cũng vận động và biến đổi theo thời gian. Nếu ngày xưa ông cha mình không phát triển vọng cổ và các bản cải lương thì làm sao cải lương có thể đạt được đỉnh cao. Do đó, khi thay đổi, phát triển, nếu có lý luận vững chắc, chúng ta sẽ hiểu nên phát triển gì và giữ lại tinh thần gì để người tiếp nhận không cảm thấy phản cảm hoặc khó chịu.
Thành quả lớn nhất là sự kết nối và truyền cảm hứng
* Trở lại với Yume Art Project - dự án Phát triển nghệ thuật và sáng tạo cho cộng đồng do chị sáng lập vào năm 2018. 5 năm nhìn lại, thành quả lớn nhất Yume Art Project nhận được là gì?
- Thực ra, với một dự án nghệ thuật, tôi quan tâm nhiều hơn đến hướng đi lâu dài của nó. Yume may mắn có những dự án gây tiếng vang như: Tiếp bước trăm năm, Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương, Đợi Kiều… nhưng với tôi, đó chưa phải là thành quả lớn nhất. Thành quả lớn nhất Yume đạt được chính là những bạn trẻ tham gia các chương trình do Yume thực hiện đã có những thay đổi và phát triển, được truyền cảm hứng cho các dự án riêng. Đây là những điều khó có thể nhìn thấy trên phương diện truyền thông nhưng lại là một trong những mục tiêu Yume hướng đến. Chẳng hạn, với
Tiếp bước trăm năm, Yume đã có 2 bạn đạt giải cao trong chương trình Bông lúa vàng và lần đầu có một bạn khiếm thị được giải thưởng về ca diễn cải lương. Bạn ấy từng có một vai diễn trong vở Vai diễn đầu đời do Yume thực hiện và được truyền cảm hứng để làm điều trước kia chưa dám làm là diễn xuất.
Một số Yume cũng có những bạn trẻ sau khóa học miễn phí Chúng mình cũng suy nghĩ đã bày tỏ quan điểm qua các cuộc tranh luận trên mạng xã hội và báo chí, góp thêm tiếng nói của những người trẻ với sự phản biện sắc sảo…
Bên cạnh đó, Yume cũng có các chương trình đưa nghệ thuật đến bệnh viện tạo niềm vui cho các bệnh nhi ung thư, gây quỹ cho chương trình Ước mơ của Thúy. Tóm lại, với tôi, thành công lớn nhất của Yume là sự kết nối và truyền cảm hứng cho những người tham gia.
|
Đợi Kiều - vở cải lương thể nghiệm kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại như múa bóng, biểu diễn hình thể… |
* Liên tục phát triển và có những bước chuyển thích hợp, đã bao giờ Yume rơi vào trạng thái quá nhiều nhóm, nhiều việc làm không xuể và rời xa định hướng ban đầu?
- Mặc dù có nhiều hoạt động nhưng các hoạt động của Yume thường diễn ra định kỳ với các tình nguyện viên khác nhau nên hiếm khi rơi vào trạng thái làm việc không xuể. Trong năm đầu thành lập, đúng là Yume từng rơi vào trạng thái này vì nhân sự ít, công việc nhiều. Hiện tại, Yume đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức nên các hoạt động lớn sẽ diễn ra khoảng 1, 2 lần trong năm. Thời gian còn lại là các hoạt động nhỏ dành cho thành viên hoặc cộng tác viên.
* Thời gian tới, Yume sẽ có những bước phát triển mới nào?
- Là dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo dành cho cộng đồng nên Yume vẫn sẽ có những hoạt động để gây quỹ cho dự án. Tôi cũng có dự định phát triển Yume thành doanh nghiệp xã hội để thuận tiện hơn cho việc xin tài trợ hoặc gây quỹ… Tuy nhiên, công việc chính của tôi vẫn là nghiên cứu và giảng dạy nên tạm thời, Yume vẫn hoạt động theo cách thức từ trước đến nay và vẫn mang tính chất của dự án cá nhân. Riêng với sân khấu, tôi sẽ thành lập Cung Mây - một sân khấu độc lập, lấy ý tưởng từ 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Tháng tròn như gửi cung mây/ Trần trần một phận ấp cây đã liều”.
Tôi dùng chữ Cung Mây vì đây là 2 chữ rất đẹp và cho thấy được tinh thần khi thực hành sân khấu: luôn lấy nghệ thuật Việt Nam làm chất liệu và luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo. Đợi Kiều là vở diễn thuộc tinh thần này và là vở diễn đầu tiên. Tiếp đến là những dự án khác, gần nhất có lẽ là vở Hồ Xuân Hương.
|
Các sinh viên trong ban tổ chức vở Đợi Kiều |
Nhiều người cực đoan vì chưa hiểu thấu đáo về phong trào nữ quyền
* Chị có đề cập đến khái niệm “nữ quyền sinh thái” trong buổi giao lưu gần đây. Nên hiểu thế nào về khái niệm này? Chị có nghĩ khái niệm “nữ quyền” đang bị lạm dụng và tạo nên phản ứng ngược?
- “Nữ quyền sinh thái” là khái niệm rộng, khó giải thích đầy đủ trong một vài ý. Có thể hiểu đây là một phong trào chính trị xã hội ra đời vào khoảng đầu những năm 1970, nhìn mối tương quan giữa phụ nữ và tự nhiên, cho thấy sức mạnh của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong các phong trào bảo vệ môi trường sinh thái. Sự sinh sản của phụ nữ với các quan niệm về đất mẹ, chu kỳ của người phụ nữ với chu kỳ mặt trăng, sự kiến tạo con người trực tiếp từ người phụ nữ với đấng tạo hóa… cho thấy sức mạnh của phụ nữ trong thế giới tự nhiên. Từ đó, nữ quyền sinh thái cũng cho thấy nguyên nhân phụ nữ bị áp bức đến từ các nguyên nhân xã hội mà cụ thể là nam giới.
Bằng các diễn ngôn, nam giới đã làm giảm vai trò, sức mạnh tự nhiên của phụ nữ và đưa ra những yêu cầu, tính cách mà người phụ nữ cần có trong xã hội. Nữ quyền sinh thái góp phần cho phụ nữ thấy được nguyên nhân họ bị áp bức và cho thấy sức mạnh tự nhiên của họ.
Đó là lý do khi làm Đợi Kiều tôi nhìn sức mạnh của người phụ nữ trong quy luật của thời gian: 4 mùa, ngày - đêm, trăng khuyết - trăng tròn. Đặt họ cùng với tự nhiên sẽ thấy được sức mạnh và vẻ đẹp của chính họ, những vẻ đẹp không bị các diễn ngôn xã hội đàn áp.
Việc nữ quyền đang bị lạm dụng và tạo hiệu ứng ngược là vì mọi người không hiểu về nữ quyền một cách đầy đủ. Nhiều người chỉ hiểu nữ quyền ở góc độ: phụ nữ phải bình đẳng với nam giới hoặc nữ giới có quyền, có thể làm được những điều nam giới làm. Hiểu như vậy là chưa đúng. Nữ quyền đấu tranh cho sự tự do của người phụ nữ để họ có cơ hội và điều kiện làm nhiều việc khác nhau nhưng vẫn trên cơ sở tôn trọng đàn ông, tôn trọng con người. Tôi thấy nhiều người cực đoan hoặc lạm dụng phong trào nữ quyền để hạ thấp vai trò đàn ông hoặc lên án sự lựa chọn của người phụ nữ là bởi họ chưa hiểu thấu đáo về phong trào nữ quyền, đặc biệt là nữ quyền đương đại.
* Tôi từng gặp không ít bạn trẻ hoặc các bạn tổ chức dự án văn hóa truyền thống thường rơi vào trạng thái đơn độc khi triển khai. Nhưng ở chị, tôi nhận ra một vòng tròn kết nối rất lớn và đầy năng lượng tích cực. “Bí quyết” của chị là gì?
- Thực ra, trong thời gian đầu làm các dự án văn hóa, tôi cũng từng rơi vào trạng thái như vậy vì tôi ngại, không dám nhờ sự hỗ trợ của các bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên. Tuy nhiên, khi làm nhiều dự án, tôi gặp được nhiều bạn trẻ cũng đam mê làm các dự án văn hóa. Các bạn ấy có thể là sinh viên của tôi hoặc sinh viên ở các trường khác nhưng đều có điểm giống nhau là muốn cống hiến cho cộng đồng nên chủ động ngỏ ý muốn tham gia các dự án. Thành ra, bí quyết của tôi, nếu có, chính là làm bất kỳ dự án nào, tôi cũng muốn các bạn làm cùng mình được quan tâm, động viên và hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của công việc đang làm. Nếu người đứng đầu dự án không để các thành viên thấy giá trị và đóng góp của họ, các bạn rất dễ nản.
Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tổ chức các khóa học miễn phí hoặc các buổi trò chuyện về văn hóa, nghệ thuật, triết học… cho học sinh, sinh viên nên sau các khóa học, các bạn thường bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án để hỗ trợ tôi và cũng là có cơ hội thực hành những gì các bạn được lắng nghe, truyền cảm hứng.
* Chị vẫn tích cực tham gia không chỉ hoạt động giáo dục ở trường mà còn nhiều hoạt động khác, trong khi đang ở những tháng cuối thai kỳ. Chồng chị có lúc nào khuyên chị… ở yên một chỗ?
- Tôi may mắn được chồng ủng hộ trong tất cả các hoạt động. Không chỉ động viên, cổ vũ, đưa tôi đi tham gia các hoạt động, anh còn hỗ trợ tài chính cho vở diễn, trao đổi, thảo luận về ý tưởng trong các dự án tôi ấp ủ. Bên cạnh đó, chồng tôi còn hỗ trợ tôi việc nhà để tôi yên tâm làm những điều mình thích. Tôi nghĩ, điều may mắn nhất trong hôn nhân là tìm được một người bạn đời, một tri âm tri kỷ để hỗ trợ nhau, giúp nhau tiến bộ. Có như vậy, người phụ nữ luôn được tự do, luôn được là chính mình trong cuộc sống gia đình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Sinh năm 1986, Đào Lê Na tốt nghiệp tiến sĩ năm 2015. Hiện cô đang là Trưởng bộ môn chuyên ngành biên kịch điện ảnh, nghệ thuật điện ảnh, lý thuyết nghệ thuật, nghệ thuật ứng dụng. Giai đoạn 2011-2013, cô học thạc sĩ quản lý nghệ thuật tại Trường đại học Nguyên Trí, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài công tác giảng dạy, cô còn xuất bản một số đầu sách có giá trị như: Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira (2017), Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hóa và ảnh hưởng (chủ biên, 2019), Tự sự của hạt mưa (tiểu thuyết, 2019). Được nhận tài trợ của AAS, Japan Foundation, cô từng tham gia Hội nghị thường niên của Hiệp hội châu Á tại Canada và Mỹ, nhận tài trợ của ICAS tham gia Hội nghị Các học giả nghiên cứu châu Á tại Hà Lan. Cô có nhiều bài đăng trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành văn học, sân khấu, điện ảnh trong nước, quốc tế. Yume Art Project là dự án nghệ thuật và sáng tạo vì cộng đồng do cô sáng lập năm 2018 và hoạt động đến nay. |
Thư Hiên(thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp