Mỗi cuốn sách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang luôn mang đến những góc nhìn mới mẻ và đầy suy ngẫm bằng cái nhìn chia sẻ và thấu thị. Trong từng cuốn sách, ông đi vào “mổ xẻ” các vấn đề khác nhau. Đó có thể là các “hiện tượng” làm từ thiện, xem truyền hình thực tế trong Bức xúc không làm ta vô can; là mặt trái của mạng xã hội với các vấn đề về công lý, lòng khoan dung, niềm trắc ẩn trong Thiện-Ác và Smartphone cho đến hành trình của những bệnh nhân ung thư trong Điểm đến của cuộc đời. Lần này, với cuốn sách mới nhất - Tìm lại mình trong thế giới hậu tuổi thơ - ông dành sự tập trung vào thế giới của lứa tuổi 20.
Người lớn nhìn thấy gì khi soi mình vào thế giới tuổi thơ, có thể qua hoài niệm, có thể từ dáng hình con cái đang trưởng thành mỗi ngày? Có những nỗi đau, những bất hạnh được nhận thức đúng đắn, kịp thời và được chữa lành. Nhưng thật tiếc, không phải cá nhân nào cũng đủ dũng cảm để “soi mình”. Một thế hệ tiếp nối được tạo ra, vô hình trung, vừa gánh vác những xung đột trong chính bản thân, vừa chịu hệ lụy, thương tổn từ người đã sinh ra chúng. Cuộc trò chuyện với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có lẽ là một cuộc “soi mình” cần thiết cho những ai đang trẻ và đã từng.
Năng lực cảm xúc cần được nuôi dưỡng và giáo dục
*Phóng viên: Thế giới tuổi thơ ở thế hệ của ông và thế giới tuổi thơ của người trẻ tại thời điểm công nghệ bùng nổ có những khác biệt nào? Người trẻ ngày nay phải đối mặt với những khủng hoảng, áp lực như thế nào?
-Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Hẳn là tuổi thơ thế hệ của tôi và của các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều khác biệt. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ hậu chiến, khó khăn về vật chất, đất nước chưa hội nhập, hệ giá trị của xã hội cũng truyền thống và nặng tính Á Đông hơn. Nhưng tôi cho rằng có rất nhiều điểm chung giữa người trẻ bây giờ và chúng tôi - tức là thế hệ cha mẹ của họ. Cả hai thế hệ đều có nhiều người mang tuổi thơ chịu bạo lực tinh thần và cảm giác bị bỏ rơi, không được nuôi dưỡng, chăm sóc về tình cảm hoặc phải chịu áp lực sống theo kỳ vọng của bố mẹ.
Dù thuộc về thế hệ nào chăng nữa, đứa trẻ nào cũng mong muốn được sống trong một gia đình ấm áp, an toàn. Lắng nghe câu chuyện từ cha mẹ của các nhân vật trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, ta thấy những người cha mẹ này khổ sở vô cùng, không chỉ ở khía cạnh vật chất, mà đặc biệt ở khía cạnh tinh thần. Chính vì những sang chấn tâm lý không được chữa lành nên cách cư xử của họ với bạn đời, với con cái, tức là những người trẻ bây giờ, mới trở nên khiếm khuyết như vậy.
Mặt khác, chúng ta cũng nên tránh xa những đánh giá rằng “bọn trẻ bây giờ cái gì cũng có” và chúng “sướng mà không biết đường sướng”. Những suy nghĩ như vậy sẽ dẫn tới việc chúng ta khước từ lắng nghe những nỗi niềm của người trẻ, từ chối ghi nhận sự đau khổ của họ. Con người dẫu có đầy đủ vật chất mà không được tôn trọng, nâng đỡ, quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, dìu dắt, trao cho tự do thì rất khó để lớn lên trở thành một cá nhân mạnh khỏe, vững vàng về tinh thần, có năng lực cảm xúc để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Thật đơn giản và sai lầm khi cho rằng họ không đói ăn như thế hệ trước nên họ không thể bất hạnh, và nếu họ bất hạnh, thì đó là lỗi của họ.
* Với tuổi thơ chịu nhiều tổn thương, những người trẻ đang ở tuổi cần nhiều sự sẻ chia lại vấp phải sự áp đặt của bố mẹ hoặc bị “bỏ rơi” trong chính căn nhà của mình. Điều này sẽ mang đến những hệ lụy nào cho bản thân đứa trẻ khi lớn lên, mở rộng ra là gia đình của họ trong tương lai và xã hội?
- Chấn thương tâm lý tuổi thơ có thể có nhiều hình dạng. Có thể đứa trẻ bị bỏ đói về tình cảm, dù vẫn được chu cấp học hành hoặc trẻ đóng nhầm vai, trở thành người che chở, an ủi, chăm sóc tinh thần cho cha hay mẹ, hoặc trẻ bị giam trong ngục tù những-kỳ-vọng của cha mẹ, trở thành công cụ của họ. Dù hình dạng chấn thương có thể khác nhau nhưng điểm chung là khi lớn lên, người trẻ gặp khó khăn trong việc xác định bản thân là ai.
Họ lang thang trong cuộc đời, tìm một chỗ để bấu víu. Họ dễ rơi vào trầm cảm khi gặp một hoàn cảnh kích hoạt nỗi đau cũ hoặc họ chôn vùi nỗi đau của mình để thành một người chai lì. So với những người có tuổi thơ hạnh phúc, sự dẻo dai tinh thần của họ thấp hơn. Họ gặp khó khăn trong việc xây dựng các quan hệ liên cá nhân khỏe mạnh, với vợ chồng mình, với con mình.
* Người ta thường đổ lỗi hoặc so sánh phần lớn người trẻ hiếm khi chịu được những cú sốc vì chỉ số EQ khá kém cỏi. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
- Năng lực cảm xúc cần được nuôi dưỡng, giáo dục chứ không trên trời rơi xuống. Qua cuốn sách, tôi muốn gửi gắm một điều rằng, những người có vấn đề lớn nhất về năng lực cảm xúc chính là cha mẹ của người trẻ. Những người làm cha mẹ này không nhận biết và quản lý được cảm xúc, họ bị đắm chìm trong cuồng nộ hay tuyệt vọng, họ cũng không nhận biết được cảm xúc của bạn đời hoặc của con mình và không biết cách kết nối tinh thần với chúng. Lớn lên trong môi trường như vậy, năng lực cảm xúc của người trẻ cũng không thể được trau dồi, xây dựng. Đến lượt mình, họ gặp khó khăn để đọc được quang cảnh nội tâm của bản thân và của người khác, để xử lý xung đột, để vượt qua sóng gió trong cuộc sống, để yêu và đón nhận tình yêu.
* Có những người trẻ không có khả năng đối mặt với những thương tổn tinh thần của mình, hoặc họ không nhận ra được là mình đang bị tổn thương, hoặc họ dằn vặt, tự làm đau bản thân. Theo ông, người trẻ cần làm gì để có thể vượt thoát được hố sâu đó? Trong trường hợp này, bố mẹ, người thân nên làm gì để giúp đỡ họ?
- Hành trình chữa lành vất vả, khó khăn do cách nhìn thế giới, cách hành xử của một cá nhân được xác định, được “lập trình” bởi các trải nghiệm tuổi thơ của họ. Rất khó để đưa ra những lời khuyên chung chung, nhưng tôi nghĩ rằng người bị tổn thương nên tìm tới sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý, như người ốm thì nên tới bác sĩ. Họ nên tránh xa các nguồn tiếp xúc độc hại, tìm tới những nơi, những cá nhân trắc ẩn, bao dung, không phán xét, để tâm hồn được nuôi dưỡng. Họ cũng nên cố gắng học yêu thương, trắc ẩn với chính mình. Cuối cùng, thấu hiểu được người gây ra đau đớn cho mình, qua đó tiến tới buông bỏ, cũng là một bước quan trọng để thoát ra khỏi cảm giác nạn nhân.
Về phần bố mẹ, tôi nghĩ ai cũng nên chiêm nghiệm để thấy liệu mình đã hay đang làm tổn thương con mình hay không, hoặc con mình có bị tổn thương bởi ai khác (họ hàng, thầy cô…) hay không. Nếu có thì cần thay đổi hoặc cần tìm cách bảo vệ con. Tốt nhất là cha mẹ đồng hành với con để cả hai cùng được chữa lành. Trong phần lớn các trường hợp, cha mẹ làm tổn thương con vì bản thân họ có vấn đề tâm lý.
Ai cũng muốn cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa
* Tôi từng gặp nhiều người trẻ, ưu tú có, bình thường cũng có do đặc thù nghề nghiệp. Điểm chung là bên trong họ luôn tồn tại xung đột rất lớn giữa nếp sống và suy nghĩ theo kiểu Tây phương và những mặc định phương Đông quanh việc họ là ai, họ nên làm gì… Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ này là gì?
- Ngày nay, xã hội nằm trong những xung đột khổng lồ giữa cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại, của các giá trị đạo đức, phong cách sống khác nhau. Do vậy, quá trình người trẻ đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tôi muốn sống cuộc sống như thế nào, tôi làm gì, ở đâu, có lập gia đình hay không… trở nên thách thức và khó khăn hơn rất nhiều so với trước kia.
Cuộc vật lộn để hình thành căn tính này tuy đau đớn nhưng vô cùng cần thiết để một cá nhân có thể trở thành con người độc lập. Các lựa chọn của họ trong nghề nghiệp, tình dục, hôn nhân… có thể khác với các lựa chọn của cha mẹ hay họ hàng, nhưng người trẻ cần phải được sống cuộc sống của họ và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn đó.
|
Ảnh của tác giả Hạnh Thơ, 22 tuổi, thể hiện các trải nghiệm và cảm giác sống của Thơ cùng bè bạn thuộc series ảnh Tìm mình, in trong sách |
* Từ việc “mổ xẻ” về mặt tinh thần khi tiếp xúc với những người trẻ, liệu ông có thể khái quát một chút về chân dung của những người trẻ hiện nay?
- Tôi không dám nhận xét về cả thế hệ trẻ hiện nay nhưng những người tôi gặp được đều đẹp đẽ vô cùng. Họ có thể bị xã hội phán xét vì nói bậy, phóng túng trong tình dục, bỏ học... nhưng sâu bên trong, họ đều mong muốn yêu thương và được yêu thương, muốn có chỗ đứng trong gia đình, cộng đồng, muốn cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa. Họ hướng thiện. Tôi gặp họ trong thời điểm họ chuẩn bị vào đời, mang trên vai gánh nặng khổng lồ của việc làm người. Đây là một thời điểm thiêng liêng.
Không thể có một kế hoạch tổng thể nào cho cả cuộc đời
* “Lắng nghe” nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Làm thế nào ông có thể lắng nghe những người trẻ mà không phán xét hay tỏ ra thương hại họ, gợi ý để họ mở lòng và chia sẻ vì vốn dĩ họ rất nhạy cảm với điều này và thường phòng bị?
- Khi lắng nghe các nhân vật, tôi bỏ sang một bên các đánh giá “ngoan”, “hư” mà xã hội hay dùng. Điều duy nhất tôi quan tâm nằm ở trải nghiệm của họ là gì, cảm xúc ra sao, tại sao họ lại có cảm xúc đó, tại sao họ lại hành xử như họ đã từng. Tôi được thôi thúc bởi mong muốn hiểu họ và những người thân của họ, ở mức độ chi tiết nhất, thay vì muốn ban phát lời khuyên hay thể hiện sự ưu việt của mình trong kinh nghiệm sống hay kiến thức. Khi họ thấy được tôn trọng, được lắng nghe, không phải vì họ giỏi giang xuất chúng, mà chỉ vì là một con người, họ sẽ cảm thấy an toàn để mở lòng.
Cuối cùng, điều tôi học được trên hành trình này chính là sự kiên nhẫn vô cùng quan trọng. Ký ức không phải là cái băng ghi âm để có thể được bật lên. Ký ức được tái tạo. Quá trình tái tạo này cần rất nhiều thời gian và những xúc tác tình cờ bên ngoài - một bài hát, một câu nói, một người qua đường…
|
Ảnh của tác giả Hạnh Thơ, 22 tuổi, thể hiện các trải nghiệm và cảm giác sống của Thơ cùng bè bạn |
* Mỗi cuốn sách ông viết ra tác động và thay đổi nhận thức, tư duy của ông và những người xung quanh như thế nào?
- Mỗi cuốn sách đều gắn với quá trình tìm hiểu, suy nghĩ của tôi trong một lĩnh vực nhất định, nên sau mỗi cuốn sách tôi đều “sáng” ra nhiều, học được nhiều điều. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ giúp tôi hiểu hơn rất nhiều về tâm lý và quá trình phát triển, trưởng thành của con người và những “cạm bẫy” của mối quan hệ cha mẹ và con cái. Điều đó tác động nhiều lên tôi với tư cách là phụ huynh, cũng như giúp tôi giải thích được nhiều hơn những gì tôi quan sát được ở các phụ huynh khác và ở con cái họ.
Trong quá trình viết sách, tôi cũng hay kể cho mọi người trong gia đình về các nhân vật. Chúng tôi cùng suy nghĩ về những câu chuyện của họ, tranh luận về những câu hỏi mà những câu chuyện này đặt ra. Quá trình kéo dài hàng năm trời này chắc chắn tác động lên mối quan tâm và nhận thức người thân của tôi, như nó đã tác động lên tôi.
“Có rất nhiều chi tiết, kể cả khi chúng không xuất hiện trong sách, vẫn khiến tôi nhớ mãi. Một cô gái từ chối đi ăn tối với cha, không ngờ rằng chỉ mấy tiếng sau ông tự vẫn. Một chàng trai thú nhận với tôi cậu có tật ăn cắp vặt từ nhiều năm nay. Một cô gái khác không thể khóc được dù rất buồn. Lớn lên trong môi trường cằn cỗi tình cảm của cha mẹ, cô đã phải giết chết cảm xúc như là một cơ chế tự vệ…
Sau khi những cuốn sách được hoàn thành, tôi và các nhân vật thường vẫn có mối quan hệ với nhau nhưng tôi hoàn toàn không thấy phiền phức. Ngược lại, tôi thấy mình giàu có. Tôi luôn biết ơn các nhân vật đã rộng rãi và dũng cảm cho tôi bước vào thế giới của họ, khiến cuộc sống của tôi phong phú hơn rất nhiều”.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
|
* Khi Điểm đến của cuộc đời được giới thiệu, nó đã lan tỏa và tạo thành những vòng tròn kết nối thật đẹp đẽ, đặc biệt và ý nghĩa. Ở cuốn sách này, ông có kỳ vọng một sự kỳ diệu tương tự?
- Tôi bước vào mỗi dự án với mong muốn hiểu hơn về xã hội, biết nhiều hơn về thế giới của người khác và tất nhiên sau đó tôi muốn được chia sẻ những điều mình đã trải nghiệm. Nhưng lần nào tôi cũng bắt đầu mà không hình dung được kết cục của hành trình sẽ là gì, sản phẩm của nó - nếu có, sẽ ra sao. Thật khó mà hình dung được là người ta muốn nghe về bệnh tật, chết chóc như trong Điểm đến của cuộc đời. Tôi cũng không chắc người ta sẽ muốn nghe các cô cậu 18, 20 kể về cha mẹ và ông bà mình như trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Nhưng cả hai cuốn sách đều lay động, đều đánh thức. Chỉ sau ba tháng, 12.000 ấn bản của Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đã rời nhà in và tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn trẻ, từ các bậc cha mẹ, rằng cuốn sách đã giúp họ suy nghĩ và hiểu hơn về bản thân và những người xung quanh. Đó là một điều tuyệt vời!
* Sự ra đời của những cuốn sách ấy theo trình tự như vậy là ngẫu nhiên hay phụ thuộc vào tính bức thiết tại mỗi thời điểm?
- Mỗi cuốn sách thể hiện mối quan tâm của tôi ở một thời điểm, là kết quả của những cố gắng trả lời nhiều câu hỏi mà tôi tự đặt ra trong thời điểm đó. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào khả năng, kỹ thuật của tôi. Cuốn đầu tiên là một tập hợp của các bài tản văn ngắn. Cuốn thứ hai đề cập tới một chủ đề một cách tổng thể và xuyên suốt. Ở hai cuốn cuối, tôi học cách tìm, phỏng vấn nhân vật và viết theo lối phi hư cấu kể chuyện. Vậy là ở mỗi cuốn sau, thách thức kỹ thuật với tôi lại cao hơn cuốn trước.
|
Ảnh của tác giả Hạnh Thơ, 22 tuổi, thể hiện các trải nghiệm và cảm giác sống của Thơ cùng bè bạn thuộc series ảnh Tìm mình, in trong sách |
* Tôi nhớ năm 2015, ông chia sẻ lý do trở về Việt Nam là vì “có một môi trường mới mẻ, gặp được những người thú vị, làm được nhiều điều bất ngờ trong một tương lai khó đoán định và không có lộ trình được vạch ra rõ ràng”. Tôi tin ông đang rất hạnh phúc với sự lựa chọn này nhưng vẫn muốn hỏi, liệu việc học về công nghệ thông tin và kinh tế rồi rẽ qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cộng đồng, với ông cũng là một điều kỳ diệu hay là sự lựa chọn có chủ đích?
- Quyết định về nước hay chuyển lĩnh vực công việc của tôi đều là những cố gắng để trả lời cho những câu hỏi “Tôi là ai?”, “Điều gì làm tôi hạnh phúc?” ở từng thời điểm khác nhau. Trong xã hội đương đại, không thể có một kế hoạch tổng thể nào cho cả cuộc đời, ai mong muốn điều đó cho mình hoặc cho con cháu mình sẽ thất vọng, sẽ làm cho chính mình và con cháu mình đau khổ. Nhìn lại, tôi thấy tới giờ cuộc đời tôi cũng là một hành trình dài đi tìm mình. Ai cũng mong muốn được là chính mình, đó cũng là đúc kết của nhân vật Đan, 20 tuổi, trong sách.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp