"Tiến sĩ cầu lông", nghiên cứu xong làm gì?

06/05/2022 - 13:11

PNO - Đã có một vài, chắc sẽ có nhiều hơn nữa các đề tài nghiên cứu chẳng để làm gì ngoài việc để được cấp bằng. Dư luận cũng thắc mắc những người nghiên cứu các đề tài đó để làm gì và xa hơn nữa cần học vị tiến sĩ để làm gì?

Dư luận mới đây rộ lên chuyện đề tài luận án "tiến sĩ cầu lông" tại một học viện. Không biết nội dung bên trong thế nào nhưng nếu chỉ đọc tên đề tài quả thực không đáng để một nhà khoa học nghiên cứu và không đáng để hội đồng cấp học vị tiến sĩ. Từ đó, dư luận cũng thắc mắc những người nghiên cứu các đề tài đó để làm gì và xa hơn nữa cần học vị tiến sĩ để làm gì?

Thông tin luận án đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT - Ảnh chụp màn hình
Thông tin luận án đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT - Ảnh chụp màn hình

Hồi xưa trong nước không nơi nào đủ trình độ để cấp bằng tiến sĩ. Những vị tiến sĩ ở nước ngoài về được trọng vọng, được giao những cương vị quan trọng trong các trường, các viện thậm chí trong bộ máy chính phủ. Lịch sử đã chứng minh họ xứng đáng với học vị được công nhận với những việc mà họ cống hiến cho quốc gia, dân tộc. 

Vài mươi năm gần đây, các trường đào tạo đại học có nhiều hơn, hầu như tỉnh nào cũng có ít nhất một trường đại học. Bên cạnh đó việc học sau đại học cũng không khó lắm. Nhìn qua nhìn lại xung quanh rất nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Thật đáng mừng cho nền học thuật nước nhà đã có đủ trình độ đào tạo, đánh giá để trao học vị cao cho những nhà nghiên cứu khoa học.

Thật tình chẳng mấy ai quan tâm những ông /bà thạc sĩ hay tiến sĩ đó đã nghiên cứu, phát minh những gì cho khoa học. Nhưng rõ ràng nhất là các vị lãnh đạo có học vị cao chắc cũng “ngon” hơn những người không có. Tuy nhiên, như đã nói trên để dư luận bức xúc mà lên tiếng cũng cần xem lại tình hình đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học để viết luận án hiện nay.

Đã có một vài, chắc sẽ có nhiều hơn nữa các đề tài nghiên cứu chẳng để làm gì ngoài việc để được cấp bằng. Tương tự bọn trẻ con học để thi như hiện nay. Phải chăng đã đến lúc cần đánh giá, sắp xếp lại hệ thống đào tạo sau đại học? “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một người thợ lành nghề vẫn mang lại lợi ích cho xã hội cao hơn người thạc sĩ, tiến sĩ chỉ có bằng mà thiếu hẳn kỹ năng làm việc xứng tầm.

Mặt khác, các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước cần thay đổi tiêu chuẩn đề bạt cán bộ. Rất nhiều chức danh yêu cầu phải có bằng trên đại học một cách không cần thiết. Để được đề bạt, người công nhân, nhân viên phải cố gắng học đại học, trên đại học. Dù khi đã có bằng thì năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo vẫn vậy. Thực tế người cầm tấm bằng sau đại học chưa chắc đang và sẽ làm công việc nghiên cứu.

Tôn trọng thực học, xóa bỏ thói háo danh, từ đó xã hội chúng ta mới có những người thực tài đem việc phụng sự khoa học, phụng sự xã hội, phụng sự đất nước dân tộc làm lẽ sống, làm mục đích nghiên cứu, phấn đấu và được công nhận học vị cao một cách xứng đáng.    

Nguyễn Thu Đăng  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI