Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: “Dạy con trung thực, ngôn giáo không bằng thân giáo”

04/10/2024 - 16:39

PNO - Làm thế nào để giúp con nuôi dưỡng lòng trung thực? Làm sao để lòng trung thực lớn dần theo tuổi của con?

Làm thế nào để giúp con nuôi dưỡng lòng trung thực? Làm sao để lòng trung thực lớn dần theo tuổi của con? Cha mẹ thường gặp phải những vấn đề nào và nên ứng xử ra sao trong câu chuyện này?

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc trao đổi chân tình về vấn đề này.

Giáo dục gia đình là chỗ dựa vững chắc

Phóng viên: Trước đây và bây giờ cũng vậy, cha mẹ luôn tìm cách giúp con hiểu và giữ lòng trung thực. Câu chuyện đó bắt đầu từ thực tế nào, thưa bà?

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Tục ngữ có câu “thật thà là cha dại”. Bây giờ người ta nói cách khác: “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt”. Sống ở đời, đâu ai muốn mình thua thiệt, thành ra hôm nay người ta coi thật thà như một điều bất lợi, như chuyện “nói dóc nghe chơi” chứ không tin. Đó cũng là một trong những sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng nhất.

Chính vì vậy, việc giữ được lòng trung thực trong xã hội hôm nay rất khó. Thứ nhất, nhiều bậc cha mẹ ít dạy cho con nói sự thật, cũng không coi trọng việc làm cho con hiểu và giữ lòng trung thực ngay từ nhỏ. Thứ hai, có vô số tấm gương xấu bên ngoài tác động đến con. Muốn con hiểu và giữ được lòng trung thực, cha mẹ phải tập cho con từ nhỏ. Nếu không có lòng trung thực thì không có được mối quan hệ bền vững trong xã hội.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Ảnh: Quốc Ngọc
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Ảnh: Quốc Ngọc

* Theo bà, giáo dục gia đình có vai trò như thế nào trong việc nuôi dưỡng lòng trung thực ở trẻ nhỏ?

- Cha mẹ phải thật sự coi trọng giá trị của sự trung thực thì may ra mới dạy được cho con. Tôi cho rằng, để dạy con trung thực, “ngôn giáo” không bằng “thân giáo”, tức là bao nhiêu lời nói cũng không có giá trị bằng tấm gương sống hằng ngày của cha mẹ. Cha mẹ nên bắt đầu bằng những việc đơn giản, chuyện nhỏ cũng như chuyện lớn. Có người nói ít nhưng tác dụng mang lại cao, bởi người ta thật sự sống được như điều họ nói. Còn nói nhiều, nhưng nói một đằng làm một nẻo thì càng nói nhiều càng ít tác dụng, thậm chí phản tác dụng.

Cha mẹ cần lựa chọn nói cái gì, nói ở đâu… cho phù hợp với lứa tuổi của con. Đồng thời, cần tìm cách giải thích cho con, giúp con hiểu rằng mình trung thực chưa chắc người ta đã trung thực lại, vậy nếu lừa dối người ta thì tại sao người ta phải trung thực với mình. Cha mẹ cũng nên chỉ cho con cách giao thiệp, chọn bạn mà chơi. Trông thấy người lớn sống trung thực thì trẻ nhỏ thấy được nguyên tắc đạo đức phải tôn trọng mà không vượt qua ranh giới đó. Giáo dục gia đình ảnh hưởng rất lớn đến các em sau này.

* Xin tiến sĩ chia sẻ một câu chuyện cụ thể về việc cha mẹ dạy con giữ lòng trung thực bằng “thân giáo”.

- Có một học sinh lớp Mười, sau một lần thi học kỳ, bạn kể với người nhà: “Thấy tụi nó quay cóp mà vừa thèm vừa tức”. Người anh hết hồn báo cho mẹ. Người mẹ là một giáo viên biết cách dạy con, hỏi lại: “Em con nói vậy rồi sao?”. Người anh trả lời: “Con nói với nó rằng em tức thì đúng rồi, nhưng mà tại sao thèm? Thèm rồi có khi nào em làm giống người ta không?”. Người mẹ bình tĩnh: “Rồi em nói sao?”. “Ủa sao tự nhiên hổng tin em vậy? Thèm đâu có nghĩa là em làm giống tụi nó đâu” - người anh thuật lại lời đứa em trai. Nói vậy để thấy, giáo dục gia đình có thể là chỗ dựa vững chắc giúp bạn trẻ vượt qua cám dỗ xấu.

Trung thực thì được gì và có thể mất gì? Trả lời được câu hỏi đó, bạn là người có đủ bản lĩnh và nhận biết được những phẩm chất cần thiết cho từng cá nhân để góp phần giúp xã hội phát triển bền vững.

Bảo vệ con không phải là tạo một môi trường “vô trùng” cho con

* Nhưng cũng có trẻ không trung thực vì nỗi sợ mình không giống người khác. Khi đó, cha mẹ nên ứng xử như thế nào?

- Trẻ nhỏ vẫn có thể gian dối, vì có quá nhiều gương xấu và không vượt qua nổi những cám dỗ ở bên ngoài - một xã hội phức tạp. Tôi xin hỏi: Cha mẹ có thật sự chọn trung thực làm một giá trị để hướng tới trong cuộc sống hay không? Nếu cha mẹ thật sự chọn thì các con có biểu hiện không trung thực là do ảnh hưởng từ bên ngoài, tức ở hàng xóm, xã hội… đặc biệt là ở trên mạng.

Bây giờ con trẻ bị ảnh hưởng từ rất nhiều điều trên mạng. Lúc đó, cha mẹ phải tìm hiểu, do đâu mà con mình có những biểu hiện khác với giáo dục của gia đình, từ đó truy gốc để giải quyết. Nếu không có giáo dục từ cha mẹ, con trẻ rất khó hiểu và giữ được sự trung thực. Con trẻ cần một chỗ dựa từ người lớn mà cha mẹ chính là điểm tựa tin cậy nhất.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

* Đâu là điều cha mẹ nên tránh khi dạy cho con giữ lòng trung thực?

- Tôi kể chuyện này. Có một đứa trẻ 6 tuổi, học lớp Một ở trường quốc tế. Khi chấm bài, cô giáo vẽ những biểu tượng mặt cười, mặt khóc… tương ứng với giỏi, khá, đạt, yếu… Đứa trẻ cũng muốn mình giỏi nên đã quẹt thêm một nét mực vô gương mặt cô giáo đã vẽ trong tập bài làm của nó, biến mặt “bình thường” thành mặt cười, tức là “khá” thành “giỏi”.

Cha mẹ muốn con cái trung thực thì cha mẹ phải làm điều ấy trước và làm hằng ngày, tức là làm gương cho con. Đó phải là bản chất, thực chất chứ không phải chỉ “đóng kịch” để dạy con.

Do khác nét mực, em sợ cô phát hiện. Em biết làm vậy là sai nhưng không dám nói với cha mẹ vì sợ bị rầy. Một lần, em thì thầm kể chuyện đó cho bà nội. Bà ân cần giải thích, dạy cháu biết nhận ra lỗi lầm, thú thật với cô giáo, xin lỗi cô và không làm vậy nữa. Nghe xong, em thấy thoải mái nên lập tức chạy đi kể cho cha mẹ. Không có áp lực sợ bị trừng phạt, trẻ dễ dàng nhận lỗi và sửa lỗi hơn.

Nếu thú nhận mà bị trừng phạt nặng nề thì con trẻ đâu dám nhận lỗi, rồi cứ vậy hoài mà từ chuyện “ăn gian” nhỏ sẽ tới chuyện “ăn gian” lớn. Cha mẹ phải chỉ cho con con đường thoát khỏi cảm giác khó chịu khi biết mình làm sai. Bằng cách làm cho con hiểu rồi nhận sai, xin lỗi và hoàn toàn yên tâm vì vẫn được cha mẹ tôn trọng, yêu thương, thầy cô và bạn bè tử tế với mình. Làm như vậy công hiệu hơn việc đánh đập, trừng phạt gấp nhiều lần.

Dân gian cũng có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Đi với “ma” mà thật thà quá thì đúng là “thật thà là cha dại” thật. Con trẻ có thể bị lừa đảo, bị thế này thế kia. Cho nên bên cạnh việc dạy con trung thực, ta đồng thời phải biết cách bảo vệ con khi con còn nhỏ, vì ở lứa tuổi đó, con dễ bị tổn thương, bị lừa rồi mất lòng tin ở mọi người.

Cha mẹ cũng cần hiểu môi trường xung quanh có những yếu tố nào gây hại tới con, dạy con phân biệt đúng sai, đồng hành cùng con để bảo vệ con khỏi những rủi ro, những cái xấu. Cha mẹ cũng không nên có tham vọng tiêu diệt hết cái xấu quanh con để cho con sống trong một môi trường “vô trùng”. Đó là điều bất khả thi. Cha mẹ phải giúp con dùng trí phán đoán mà chọn lựa, chứ không phải chọn thay con hay thô bạo cắt đứt mọi quan hệ của con.

Mỗi người chỉ có thể đem lại giá trị cho xã hội bằng đúng năng lực mình thực sự có. Trau dồi năng lực và sống bằng năng lực một cách trung thực là điều căn bản của lòng trung thực. Cái đó không bịa ra được, không dối trá mãi được.

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Lý Nguyễn Minh Tân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI