Tiền sản giật ở tuần 27 có nguy cơ mất mạng, thai phụ đánh cược mọi giá sinh con thành công

14/06/2018 - 12:00

PNO - Chủ quan không biết mình mắc tiền sản giật ở tuần 27, bà mẹ trẻ mất một con khi mang song thai và khiến bản thân lầm vào nguy cơ mất mạng. Bất chấp tất cả sinh con, cuối cùng điều kì diệu đã đến.

Lần đầu tiên làm mẹ của Trần Thị Sang (SN 1994, Thủ Đức, TP. HCM) đặc biệt hơn nhiều mẹ bỉm sữa khác. Thay vì êm đềm ôm ấp, chăm sóc con thì Sang phải chịu mọi đau đớn đến mức tuyệt vọng rồi vỡ òa trong hạnh phúc nhìn con yêu được phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Mẹ trẻ bên cạnh em bé sinh non của mình.

Tiền sản giật ở tuần 27, mất một con và nguy cơ mất mạng

Bà mẹ trẻ Trần Thị Sang vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ lại ngày 13/12/2017 năm trước, thời điểm cô đang mang song thai hai cô công chúa nhỏ vừa tròn 27 tuần tuổi.

Theo lịch hẹn, hôm đó là ngày Sang cần đến siêu âm để chẩn đoán sức khỏe thai nhi định kì. Kể từ khi mang thai, cô luôn tin tưởng sử dụng dịch vụ tại một bệnh viện quốc tế nổi tiếng về thai sản tại TP. HCM.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Bé sinh non lần đầu tiên được về với ba mẹ.

Trước đó 2 tuần, vào tuần thứ 25 của thai kì, Sang đã tới khám tại đây và được bác sĩ kết luận cô bị phù sớm, huyết áp hơi cao (trên 140), kết quả thử nước tiểu cũng khá cao.

Một loạt biểu hiện đáng lo nhưng bác sĩ chỉ cho cô thuốc bổ và thuốc giảm huyết áp, đồng thời đề nghị cô mua máy đo huyết áp tự theo dõi ở nhà. Chỉ khi huyết áp cao hơn 160 và đau đầu mới cần nhập viện. Ngoài ra, cô cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống với các món ăn thật nhạt.

Đến tuần 26, tình trạng phù nề của Sang không giảm mà ngày càng nặng nề hơn. Huyết áp đo ở nhà lúc nào cũng trên 140. Tuy nhiên vẫn chưa đến mức 160 như lời bác sĩ dặn nên cô vẫn thong thả nằm nhà.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
 

Trước lịch khám tuần thứ 27 vài ngày, Sang có dấu hiệu khó thở, thai nhi hay gò nên rất lo lắng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu Sang thấy đó là hiện tượng hết sức bình thường của phụ nữ mang thai nên cô chủ quan, không hề biết rằng mình đã có triệu chứng tiền sản giật, một hội chứng bệnh lý nghiêm trọng xuất hiện nửa cuối thai kỳ.

Trong cuộc tái khám ở tuần thứ 27, sau một hồi khám xét và siêu âm rất kĩ lưỡng, vị bác sĩ thông báo với cô thai nhi 1 vẫn phát triển bình thường, cân nặng 1080gr. Nhưng còn thai nhi số 2 thì đã mất tim thai vài ngày.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Con nhập cấp cứu vì thiếu máu và viêm phổi. Ven tay chân đã không còn chỗ để lấy, phải lấy ven trên đầu.

Thông tin này với Sang như sét đánh ngang tai. Cô khụy xuống, nước mắt trào ra như mưa, không dám tin vào sự thật nên liên tục giục hỏi bác sĩ đã kiểm tra cẩn thận, kĩ càng chưa, có chắc chắn vào kết luận ấy không. Vị bác sĩ vẫn một mực khẳng định chẩn đoán của mình. Ngay lập tức, Sang được chuyển sang bệnh viện Từ Dũ cấp cứu.

Sau khi thăm khám sơ qua, cô được truyền ngay thuốc giảm áp, dồn dập đo huyết áp và đo tim thai liên tục. Bác sĩ ở Từ Dũ nhấn mạnh khi bà mẹ đang mang thai mà huyết áp cao hơn 140 cần nhập viện ngay lập tức, vì đó có thể là một trong những dấu hiệu của tiền sản giật.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Khi bé được 1,7kg.

Đến ngày thứ 3 nằm theo dõi, những cơn khó thở đến dồn dập đến nỗi Sang được chuyển thẳng sang phòng hồi sức thở oxy. Bác sĩ quan sát tình trạng hai mẹ con 24/24, liên tục truyền thuốc để kéo dài thời gian cho thai nhi phát triển.

Đến ngay 16/12/2017, do huyết áp tăng cao, khó thở dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, bác sĩ quyết định kích sinh để cứu Sang.

Tuy không còn chút sức lực nào, hai cánh tay đầy dây vì truyền thuốc nhưng hai ngôi thai đều thuận nên bác sĩ vẫn quyết định cho cô đẻ thường. Bác sĩ cũng đã thảo luận với chồng Sang chỉ giữ lại được tính mạng mẹ, hoặc con. Các bé sinh non như vậy cơ hội sống chỉ 50/50 và nguy cơ suy hô hấp, vàng da, viêm ruột rất cao. Chồng Sang ký giấy, quyết định cứu vợ.

May mắn ca sinh nở thành công, bé gái còn sống được đưa thẳng đến khoa Nhi nằm lồng kính. Khi cơ thể người mẹ dần ổn định thì được chuyển về phòng hậu sản.

Hành trình gian nan nuôi con sinh non từ 1kg đến nay tròn 6 tháng tuổi

“Nằm 1 mình tromg phòng nghe tiếng em bé khóc mà mình nhớ các con vô cùng lại đặt tay lên bụng không biết các con giờ ra sao. Lúc đó mình như người mất hồn, nếu không có chồng bên cạnh chắc mình trầm cảm mất.

Đến ngày hôm sau, lúc 3 giờ chiều chồng vào thăm con, bác sĩ báo tin con bắt đầu ăn được 1ml sữa, nói mình cố gắng kích sữa để gửi vào. Lúc đó mình mừng lắm vì con mình có hi vọng sống rồi. 1 tuần đầu tiên mình chưa có sữa con phải ăn đỡ sữa công thức của bệnh viện. Trộm vía sang tuần thứ 2 kích sữa thành công thế là đều đặn ngày nào chồng cũng mang sữa mẹ vào gửi cho con. Tâm trạng mình vui dần lên vì mỗi ngày chồng vào thăm con đều báo tin tốt con ăn ngày càng nhiều lên”, Sang chia sẻ.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Khi bé được 2kg, đã biết ti mẹ.

Bé sinh non ăn từ 1ml/ cữ tăng dần lên 18ml/cữ thì bác sĩ thông báo bé có thể về với ba mẹ. Lúc này khuôn mặt bé còn nhỏ xíu, bàn tay hồng nhìn rõ cả mạch máu. Về nhà, hai vợ chồng Sang ngày đêm thay phiên nhau trông con vì bác sĩ đã cảnh báo những cơn ngừng thở có thể đến bất cứ lúc nào.

“Con nhỏ không thể tự bú được nên phải gắn ống xông vào dạ dày, mỗi lần ăn là phải truyền qua ống xilanh thực sự rất cực. Sau một tháng bé chỉ tăng được 3 lạng. Tuy buồn nhưng mình vẫn cố gắng duy trì sữa mẹ cho con.”

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Khi bé được 4,5kg.

Lần khám mắt đầu tiên, chính xác là khám bệnh ROP - bệnh võng mạc ở trẻ sinh non một lần nữa vợ chồng Sang lại đứng không vững trước chuẩn đoán con mình đã mắc bệnh ROP rất nặng, phải gấp rút chuyển viện qua Nhi đồng 1.

Ở đây thay vì chiếu lazer như những năm trước thì bé được tiêm Avastin vào trong mắt. May sao đúng lúc phương pháp tiêm này mới được áp dụng gần đây nên cơ hội bé nhìn thấy sẽ cao hơn là tia lazer.

Mọi thứ tiến triển tốt cho đến 2 tuần sau, Sang thấy da bé xanh xao tái nhợt, lại cho con nhập cấp cứu vì viêm phổi và thiếu máu.

Tien san giat o tuan 27 co nguy co mat mang, thai phu danh cuoc moi gia sinh con thanh cong
Gia đình hạnh phúc hiện tại của bà mẹ trẻ.

“Mình chẳng biết làm gì chỉ biết vắt sữa gửi cho con. Lúc này con được 1,6 kg tương đương 34 tuần thai. Con đã dần có phản xạ mút nên các bác sĩ đã hướng dẫn mình cách tập cho con bú sao nhanh nhất để tháo ống xông, mình run lắm chỉ sợ con sặc sữa, mà sặc sữa thì vô cùng nguy hiểm. Sau 1 tuần, con đã ổn định, mình lại được đón con về chăm sóc, thời gian lúc này đã gần Tết 2018.”

Qua Tết 1 tuần, đưa bé đi tái khám, bác sĩ kết luận bé bị chứng thiếu máu ở trẻ sinh non, lại nhập viên để truyền máu lần 2. Năm ngày sau bé được xuất viện về nhà, cứ thế vợ chồng Sang thay nhau dành thời gian cho con.

Cuối cùng, mọi công lao đã được đền đáp, em bé dần phát triển tốt và dần bắt kịp những em bé bình thường. Cho tới ngày hôm nay, bé đã được 5,5kg.

Chia sẻ câu chuyện của mình, người mẹ đầy dũng cảm muốn nhắn nhủ các mẹ đã, đang và sắp làm mẹ rằng mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua hết. Tuy nhiên, khi mang thai các mẹ nên tới các bệnh viện đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên về thai sản để thăm khám để tránh rơi vào tình huống đáng tiếc như cô. Ngoài ra, trong thai kì các mẹ cũng không nên chủ quan trước mọi biểu hiện bất thường, mọi nghi ngờ cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức.

Thùy Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI