Danh tướng đất Ba Giồng Nguyễn Huỳnh Đức được đặt tên đường tại các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang; trước năm 1985 tên ông được đặt cho con đường tại Q.5, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), và một khu lăng mộ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông từng giữ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, là tổ sư môn phái Nam Huỳnh Đạo.
Lễ giỗ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức vừa diễn ra ngày 6/10, tại di tích nghệ thuật lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (thuộc khu phố Giồng Dinh, P.Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An). Trước đó, hội thảo khoa học kỷ niệm 200 năm ngày mất của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (do Khoa Văn hóa học, Trung tâm Văn hóa lý luận và ứng dụng - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Viện Lịch sử dòng họ cùng môn phái Nam Huỳnh Đạo tổ chức) cũng đã diễn ra tại TP.HCM.
|
Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức - Ảnh tư liệu |
"Hổ tướng" đất Nam bộ
Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật Huỳnh Công Đức, 1748-1819) nguyên quán Giồng Én - đất Ba Giồng (tỉnh Long An) được tôn là vị Thành hoàng, bậc tiền hiền của làng, vì có công khai khẩn đất Giồng Én. Sử sách miêu tả ông “tay không giết cọp, diệt sấu, đuổi trâu rừng, trăn gió, rắn độc”, là người có sức mạnh phi thường. Năm ba mươi ba tuổi, ông bắt đầu theo phò Nguyễn Ánh. Nguyễn Huỳnh Đức nổi lên như một nhân vật chính trị hết sức quan trọng suốt triều vua Gia Long (1802-1819).
Trong đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đến nay vẫn còn những liễn đối do vua Gia Long đề tặng: “Bắc Nam tam tổng trấn, vạn lý binh quyền” (nghĩa: từ Bắc chí Nam muôn dặm, ông nắm binh quyền tổng trấn ba lần), “Anh hùng mi lục Xiêm, Miên, Lào, Mán tri danh” (nghĩa: mày mắt anh hùng Xiêm, Miên, Lào, Mán đều biết tiếng).
Ông là danh tướng duy nhất từng giữ cả chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành (thay cho Tả quân Lê Văn Duyệt vào năm 1816). Vì lòng trung quân với chúa Nguyễn, triều Nguyễn mà ông được vua ban quốc tính họ Nguyễn. Lòng trung quân ấy trở thành nền tảng nghiên cứu của các học giả, cũng là minh chứng ghi công trạng to lớn của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức từ thời vua Gia Long, đến các đời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Năm 1783, khi bại trận, bị anh em nhà Tây Sơn bắt, Nguyễn Huỳnh Đức đã khảng khái: “Nếu không giết ta thì ta lại trốn về với chúa cũ mà thôi”. Nguyễn Huệ nể trọng người tài, không giết mà còn chiêu dụ, thu phục. Suốt thời gian theo nhà Tây Sơn bình định Bắc Hà, Nguyễn Huỳnh Đức đã thực hiện lời thề: “Nếu nghe Nguyễn vương còn sống thì dù thiên lý, vạn lý cũng tìm”. Cuối cùng, năm 1790, ông đã về đến Gia Định, hội quân cùng Nguyễn Ánh.
Rất nhiều giai thoại về lòng trung nghĩa của ông đã được ghi chép lại: “Ngựa vua sa lầy, Huỳnh Đức lội xuống bùn lầy đưa vua lên bờ, rồi đưa ngựa ra khỏi bùn, mời vua lên ngựa”; trong lúc chạy loạn, ông thức suốt đêm kê gối, đuổi muỗi cho vua ngủ, liều thân cứu chúa... Ông là một trong năm vị “ngũ hổ tướng” của đất Gia Định, cùng với Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt và Trương Tấn Bửu. Đồng thời cũng là tổ sư của môn phái Nam Huỳnh Đạo.
Ngày 11/5/1998, Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch đã ra quyết định công nhận lăng thờ Nguyễn Huỳnh Đức là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di sản kế thừa
Phó giáo sư - tiến sĩ Mạc Đường, Chủ tịch hội đồng Viện Lịch sử dòng họ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM, nhớ lại: “Trong Địa chí Long An (do nhà xuất bản Long An và nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1989) không ghi tên Nguyễn Huỳnh Đức vào danh sách phụ lục các yếu nhân lịch sử tỉnh nhà”.
Tuy nhiên, đến nay đã có rất nhiều công trình công bố về Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, nhằm chứng minh công lao to lớn xứng đáng được mang quốc tính họ Nguyễn của ông. “Việc ấy đã xong, song đóng góp của Nguyễn Huỳnh Đức đối với dân, với phong cách nhân văn, thượng võ chỉ mới bắt đầu” - phó giáo sư - tiến sĩ Mạc Đường nói thêm.
Hội thảo lần này cũng dành phần lớn thời lượng để nói về giá trị di sản và kế thừa tinh thần “nhân văn thượng võ” từ Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Một điều đáng chú ý, Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành tín ngưỡng trong văn hóa dân gian Nam bộ. Theo nghiên cứu của thạc sĩ Lê Công Lý (Trường đại học Văn hóa TP.HCM), ngoài đền thờ ở Khánh Hậu, tiền quân còn được thờ ở các đình Cẩm An (Tây Ninh), đình Long Hải (Vũng Tàu), đình Mỹ Trung (Tiền Giang) và đình Ưu Long (Q.8). Ngoài ra, đình làng Bình Hòa (Long An) còn thờ phò mã Nguyễn Huỳnh Thành, con trai trưởng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Nghi thức rước các sắc phong của tiền quân từng được thực hiện trong các dịp cúng Kỳ yên, trước năm 1975.
|
Ấn bản sách về Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức ra mắt dịp hội thảo (sách do nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM ấn hành) |
“Di tích lăng Nguyễn Huỳnh Đức là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đời Nguyễn với những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ngoài ra, tại khu phố ở Khánh Hậu còn có di tích về những người có công khai hoang lập ấp từ buổi đầu tiên, và một số ngôi mộ bằng vữa tam hợp cổ xưa, đặc biệt rất nhiều nhà cổ và những địa danh như khu vực Xóm Còi, khu Bàn Cờ. Mới đây, cây trôm cổ thụ (cách lăng Nguyễn Huỳnh Đức 300m) đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam” - thạc sĩ Vương Thu Hồng, Hội Văn nghệ dân gian, cung cấp thông tin.
Khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức cùng các di tích đất Ba Giồng trở thành cụm di sản lịch sử - văn hóa, cần được giữ gìn, quản lý, phát huy giá trị. “Di sản lăng mộ cụ Nguyễn Huỳnh Đức mang giá trị về nhiều mặt, cả lịch sử lẫn nghệ thuật kiến trúc, cần được bảo tồn để tưởng nhớ công ơn theo truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; cũng như khai thác, phục vụ cho công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch địa phương” - thạc sĩ Dương Tấn Giàu nhìn nhận.
Đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, Chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa TP.HCM: “Với tinh thần kế thừa, phát huy các giá trị di sản võ tướng Việt Nam, trực tiếp là truyền thống võ nghiệp Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, môn phái võ học dân tộc Nam Huỳnh Đạo là trường hợp minh chứng rõ nét. Nam Huỳnh Đạo ngoài kế thừa nghiệp võ chủ yếu từ tinh thần Nguyễn Huỳnh Đức, còn kế thừa vốn văn hóa y học, đạo học, nếp sống đạo đức… Nam Huỳnh Đạo không chỉ tập trung hoạt động huấn luyện võ thuật, võ công, mà võ học còn kết hợp với các nền tảng y học cổ truyền, thiền công, khí công. Thông qua các nội dung sinh hoạt, học tập, nhằm đề cao truyền thống dân tộc theo tinh thần “nhân văn thượng võ”. |
Đìu hiu lăng mộ võ quan triều Nguyễn Thạc sĩ Dương Tấn Giàu, Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: “Tháng 5/2019, tôi về thăm lăng mộ cụ Nguyễn Huỳnh Đức. Bên trong lăng có trưng bày thông tin về cụ, gồm quê hương, thân thế, gia phả, thời kỳ theo chúa Nguyễn, giai đoạn phục vụ triều Tây Sơn, cùng các sách nghiên cứu về cụ của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lượng khách đến viếng rất ít, khu vực trưng bày bị bụi phủ. Các lăng của các cụ võ quan triều Nguyễn như lăng cụ Võ Di Nguy (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tại số 19 đường Cô Giang, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), mộ Long vân hầu Trương Tấn Bửu (41 Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận) cũng chung tình trạng không người thăm viếng, chăm nom”. Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh bổ sung và đề xuất: “Hiện nay nhiều di vật, cổ vật tại đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức đang xuống cấp trầm trọng, trong đó có chiếc võng kiệu làm bằng tre, gỗ, vải… bị mục, xập xệ, có nguy cơ bị tiêu hủy. Nên chăng đã đến lúc khởi xướng thành lập bảo tàng danh nhân các tỉnh, thành ở địa phương, làm nơi quy tập, bảo tồn di sản”. |
Lục Diệp