Sức trẻ cho thành phố hiện đại, nghĩa tình - Bài 2:

Tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và hội nhập

31/10/2024 - 06:16

PNO - Trên hành trình khởi nghiệp lắm chông gai, nhiều bạn trẻ TPHCM đã nhận được sự tiếp sức kịp thời từ các chính sách của thành phố. Khởi nghiệp thành công, họ quay trở lại đóng góp vào quá trình phát triển, hội nhập của thành phố.

Khởi nghiệp từ giảng đường

Thương hiệu bánh mì Má Hải được anh Đoàn Văn Minh Nhựt và anh Hồ Đức Hải đồng sáng lập năm 2013, thời điểm cả hai đang là sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM. Ban đầu, anh Hải đứng xe bán bánh mì chả cá trước cổng trường.

Sau đó, với niềm đam mê chung, anh Nhựt cùng tham gia gầy dựng nên thương hiệu với số vốn gom góp chỉ hơn 2 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, cả hai tự làm tất cả, từ mua chả cá tươi ở biển Vũng Tàu, chế biến, đứng bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Đoàn Văn Minh Nhựt (bìa trái) và hoa hậu Bùi Xuân Hạnh (bìa phải) tặng xe bán bánh mì cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quận 7, TPHCM
Đoàn Văn Minh Nhựt (bìa trái) và hoa hậu Bùi Xuân Hạnh (bìa phải) tặng xe bán bánh mì cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quận 7, TPHCM

“Ban ngày đi học, tối về nhà trọ chúng tôi chuẩn bị nguyên liệu rồi sáng sớm hôm sau ra bán trước cổng trường. Muốn ổ bánh mì có hương vị hòa quyện độc đáo, chúng tôi đã thử nghiệm rất nhiều công thức. Tôi và anh Hải ăn bánh mì thay cơm thường xuyên. Đó là thời gian khó khăn nhưng cũng đầy kỷ niệm” - anh Nhựt nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học với cơ hội việc làm tốt, nhưng 2 chàng trai trẻ vẫn chọn bán bánh mì vỉa hè trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Họ quyết tâm theo đuổi, từng bước đưa bánh mì Má Hải trở thành thương hiệu nhượng quyền uy tín. Đến nay, bánh mì Má Hải đã có xưởng chế biến nguyên liệu tại Vũng Tàu và chuỗi xe bánh mì phát triển từ Nam ra Bắc với hàng ngàn đối tác.

Thương hiệu đặt mục tiêu giúp ít nhất 10.000 hộ gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống thông qua kinh doanh xe bánh mì. Anh Nhựt cho biết, bánh mì Má Hải có được thành quả ấy là nhờ sự đồng hành, tiếp sức rất lớn của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC).

Thực ra, mấy năm đầu khởi nghiệp, 2 chàng trai trẻ cũng gặp khó trong việc đưa công thức chả cá, nước xốt từ phòng thí nghiệm ra thực tế và chịu nhiều thua lỗ do lựa chọn mặt bằng kinh doanh không phù hợp. Đến năm 2019, nhận thấy tín hiệu tích cực từ nhượng quyền thương hiệu, hỗ trợ người lao động, nhất là các bà, các mẹ, bánh mì Má Hải bắt đầu “rẽ lối”.

Năm 2021, dự án bánh mì Má Hải đoạt giải Nhì cuộc thi Startup Wheel (do BSSC và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức), nhận giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt cùng 1 năm sử dụng văn phòng và gói tư vấn chiến lược. BSSC còn kết nối bánh mì Má Hải với các nhà đầu tư tiềm năng, các đối tác và khách hàng lớn trong ngành F&B (kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng, khách sạn, du lịch và quầy ăn uống).

Thông qua BSSC, bánh mì Má Hải có cơ hội tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, các sự kiện khởi nghiệp, giúp thương hiệu được biết đến nhiều hơn. “Giá bán 1 ổ bánh mì chả cá Má Hải dao động từ 15.000-20.000 đồng, phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng. Giá nhượng quyền cũng thay đổi linh hoạt theo tình hình, đặc biệt là sau dịch COVID-19, chúng tôi có nhiều gói nhượng quyền để các đối tác lựa chọn, với mức đầu tư hợp lý và không phát sinh chi phí về thương hiệu hằng năm” - anh Nhựt thông tin.

Năm 2023, bánh mì Má Hải nhận giải Ba ở lĩnh vực phát triển kinh tế - giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 do UBND TPHCM trao tặng. Đến tháng Mười một cùng năm, thương hiệu này nằm trong tốp 10 giải thưởng I-Star đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hiện, anh Nhựt và cộng sự đang kết hợp với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Bùi Xuân Hạnh trong dự án Bánh Share Nhỏ (Wheel of Share) trao tặng xe bánh mì cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM. Đến nay họ đã trao 6 xe và nguyên vật liệu trong tuần đầu mở bán, cử nhân viên hướng dẫn cách vận hành cho đến khi người bán có thu nhập ổn định.

Khát vọng đưa nông sản Việt bay xa

Dự án Công nghệ HUB mang về cho Vũ Hà Trang - cô gái 28 tuổi, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Công nghệ HUB - giải thưởng Nữ founder xuất sắc nhất cuộc thi Startup Wheel năm 2024. Chị Lê Thị Tường Vy - Phó giám đốc BSSC - đánh giá, Trang là nhân tố mới nhiều tiềm năng. Trang đã xây dựng nền tảng quản lý kinh doanh chuyên biệt dành cho chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm từ khâu sản xuất, vận hành đến phân phối.

Trang chia sẻ: bà con nông dân chính là đối tượng thụ hưởng cuối cùng mà HUB hướng đến, nhưng công ty chọn cách tiếp cận khác với 2 đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm, giúp họ cắt giảm 80% thời gian vận hành, giảm 90% rủi ro sai sót và tăng 22% cơ hội tiếp cận thị trường. Khi khách hàng của HUB đạt được 3 yếu tố trên, chuyển đổi số thành công thì chắc chắn họ sẽ mua hàng nhiều hơn, qua đó góp phần cải thiện đầu ra, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Vũ Hà Trang (giữa)  nhận giải  Nữ founder  xuất sắc nhất  cuộc thi Startup Wheel năm 2024
Vũ Hà Trang (giữa) nhận giải Nữ founder xuất sắc nhất cuộc thi Startup Wheel năm 2024

Sau 7 năm học tập và làm việc tại Hà Nội, tháng 5/2023, Trang vào TPHCM để tìm kiếm cơ hội mới. Trang làm việc từ xa về mảng đào tạo, đồng thời hỗ trợ Nguyễn Thiên Lý - Giám đốc HUB, một người bạn - hoàn thiện bộ tài liệu bán hàng. Và Trang bị thuyết phục khi nghe Lý chia sẻ khát vọng đưa nông sản Việt bay xa thông qua chuyển đổi số bền vững và sự minh bạch bằng cách tích hợp toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng trên 1 nền tảng giúp các bên liên quan dễ dàng quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Là con “nhà nông chính gốc” nên khát vọng của Lý cũng là khát vọng của Trang. Cô tham gia và bắt tay vào viết nội dung chạy chương trình trên nền tảng.

Tháng 12/2023, HUB ra mắt dự án Hợp tác xã số với nền tảng hoptacxaso.asia nhằm đến gần người nông dân hơn. Với nền tảng, các hợp tác xã nông nghiệp dễ dàng tạo hồ sơ nông dân và vùng trồng, theo dõi quy trình canh tác, sản lượng, tạo tem truy xuất nguồn gốc…

Trang phấn khởi: “Hợp tác xã số đã triển khai thí điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong năm 2024, công ty cũng làm việc với nông dân các tỉnh Lạng Sơn, Nam Định, TPHCM về dự án. Tính đến nay, nền tảng nhận được sự tin tưởng sử dụng của hơn 1.320 nông dân với hơn 15.300 mã truy xuất.

Niềm vui lớn nữa là chúng tôi vừa hỗ trợ lập website “Hai Cù Lao - Cùng nhau hạnh phúc” cho người dân ở xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trên website này, ngoài các thông tin về chuyện thương hiệu Hai Cù Lao, các sản phẩm nông sản đặc trưng là xoài và nhãn, còn có hình ảnh ẩm thực, cảnh sắc thiên nhiên, con người cù lao, có chợ quê online, hướng dẫn cách thức di chuyển, tham quan cho du khách…”.

Giờ đây, Trang và cộng sự ăn ngủ cùng bà con nông dân, trao đổi với các doanh nghiệp về nông nghiệp và công nghệ mỗi ngày. Cô cho hay, mục tiêu của HUB là đến năm 2028 đạt 11% thị phần nền tảng quản lý kinh doanh chuyên biệt cho chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm.

Nhiều hoạt động tiếp sức thanh niên khởi nghiệp

5 năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho 45.230 lượt thanh niên. Có 23.946 thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp từ nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 442 tỉ đồng. Hơn 708 hoạt động, sân chơi về khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên được tổ chức.

Riêng Startup Wheel, một trong những cuộc thi khởi nghiệp thường niên quy mô quốc tế, đã thu hút 9.960 mô hình, dự án khởi nghiệp tham gia, trong đó có 489 dự án đến từ 33 quốc gia trên thế giới. Trong nhiệm kỳ, hội cũng đã tiếp đón 37 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp từ các quốc gia trên thế giới đến tìm hiểu hoạt động và đặt mối quan hệ hợp tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam; tổ chức 4 chương trình trao đổi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia học tập kinh nghiệm tại các quốc gia Hàn Quốc, Úc, Thái Lan…

Mẫn Nhi

Kỳ tới: Bền bỉ với đam mê, mang giá trị tốt đẹp cho cộng đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI