Tiền ở đâu trong cuộc tình?

17/10/2023 - 05:57

PNO - Nhịp đập bồi hồi của con tim và hơi lạnh của đồng tiền là 2 thứ kỵ nhau như nước với lửa. Có triết gia còn quả quyết: “Nơi đâu đồng tiền có mặt, ở đó không có tình yêu”. Vậy giữa thời kinh tế thị trường, tiền và tình có song song tồn tại được không?

Ai cũng biết, tiền bạc không mua được tình yêu, nhưng chắc chắn nó có thể tô điểm cho tình yêu của bạn. Muốn tặng nàng một bó hoa mừng sinh nhật, muốn có một bữa ăn ấm cúng và lãng mạn, muốn sắm cho chàng cái thắt lưng da…? Phải làm thế nào nếu dốc ngược hầu bao chỉ có vài đồng bạc lẻ? 

Đến gặp tôi, một cô gái chia sẻ rằng, cô hồi hộp cả đêm khi nhận được lời mời đi ăn nhà hàng của chàng tiến sĩ đẹp trai mới du học nước ngoài về. Nào ngờ ngay sau bữa ăn, khi người phục vụ đưa tờ hóa đơn đến, chàng chìa ra cho nàng với nụ cười tỏa nắng: “Ta chia đôi mỗi người một nửa, em nhỉ”.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Ngay lập tức, hình ảnh chàng trai hào hoa phong nhã mà cô hằng mơ ước vụt biến mất, chỉ còn lại một anh chàng “vắt cổ chày ra nước” mà cô thực lòng không muốn ngồi thêm một phút nào. Sau đó anh ta còn mời tiếp: “Ta sang bên kia uống cà phê em nhé”.

Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của cô, chàng nói thêm bằng giọng rất ga lăng: “Khoản này anh mời em”. Cô ngượng quá, lấy lý do mẹ gọi về có việc gấp để chuồn nhanh ra cửa và hôm sau đến gặp chuyên gia tư vấn xem cô có nên gặp lại anh ta.

Có người cho rằng, thời kinh tế thị trường, cái gì cũng nên sòng phẳng. Cả tình yêu cũng thế. Họ nói có vần có điệu: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Tạp chí Money của Mỹ bình luận: “Tại sao ăn uống xong, các cô gái cứ thản nhiên đợi bạn trai trả tiền như là trời sinh ra đàn ông phải thế? Lẽ nào vì chàng đã có niềm vui được ngồi ăn với người đẹp? Thế còn người đẹp, chẳng lẽ các cô không vui sao? Tại sao, phái nữ lại sốc khi cùng chia sẻ tiền ăn uống với bạn trai?”.

Tuy nhiên, giới tâm lý cho rằng, để nuôi dưỡng tình yêu, phái đẹp cũng rất tốn kém. Chẳng lẽ bạn không biết, để có nhan sắc xinh tươi cho chàng hãnh diện, chị em đã phải chi trả thế nào? Nào là y phục thời trang hợp mốt, nào mỹ phẩm “xịn”, những món đó không rẻ đâu.

Đó là chưa kể chàng trai thường đến nhà cô gái nhiều lần, mà muốn có một buổi tối tâm tình, không thể uống nước lọc được mà trên bàn phải có bánh kẹo, hạt dưa… Chẳng lẽ những thứ đó cũng chia đôi? Nếu tính rạch ròi, có khi khoản “tình phí” của chị em không hề ít hơn nam giới. 

Chị Kim Dung (quận Đống Đa, TP Hà Nội) 33 tuổi mới quyết định chọn một anh thì anh này lại vướng một “phi vụ” làm ăn, bị thua lỗ trắng tay, thâm hụt vào công quỹ hơn 500 triệu đồng. Nếu kết hôn với anh ta, có thể tài sản của vợ phải được huy động để bù vào chỗ thâm hụt của chồng. Thế là trước lời giục cưới của chàng, Dung phải thoái thác: “Có lẽ chừng nào tình hình tài chính của anh sáng sủa hơn hãy nghĩ đến đám cưới”.

Cô Kim Phượng (Hải Phòng) đang đi “tuần trăng mật” thì có người gọi điện đòi khoản nợ 2 tỉ đồng mà chồng mới cưới của cô vay nóng để đánh bạc, khiến cô nghe xong đầu gối run bần bật.

Thực tế từ các phiên tòa xử ly hôn cho thấy, nhiều cuộc hôn nhân lúc đầu rất đẹp nhưng về sau lại tan vỡ vì những nguyên nhân không thể lường trước. Lúc đó, phụ nữ thường đòi được quyền nuôi con và dù muốn hay không, họ cũng phải đối diện với việc nuôi con đầy tốn kém. Cho nên, ở nhiều nước phát triển hiện nay, trước khi kết hôn, cặp đôi phải minh bạch về tài sản, công khai các món nợ nếu có, phòng khi “anh đi đường anh, tôi đường tôi”, việc chia tài sản đơn giản hơn nhiều.

Khi kết hôn, chẳng ai muốn nghĩ đến tiền nong, vì nó chẳng ăn nhập chút nào với tình yêu lãng mạn. Nhưng số liệu từ các chuyên gia tư vấn tâm lý cho thấy khoảng 1/3 các cuộc hôn nhân trục trặc là vì lý do tài chính. Cho nên, ngay từ lúc tính chuyện về một nhà, 2 người đang yêu nên thống nhất với nhau về sự đóng góp và chi tiêu thì hạnh phúc gia đình sẽ bền hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Thực tế cho thấy, con người thường nhìn nhận cách sử dụng đồng tiền trước và sau khi cưới khác nhau. Cô gái nào cũng thích chàng trai hào phóng, sẵn sàng mở ví trong những cuộc ăn uống với bạn bè. Nhưng rồi chính cô gái đó, khi đã thành vợ anh ta, lại trách ông chồng “khôn nhà, dại chợ”, mang tiền đi bao bạn bè.

Người ta thường bị chinh phục bởi những cái không liên quan gì đến tiền, nhưng khi sống với nhau, người ta lại đánh giá cao khả năng kiếm tiền của bạn đời.

Ngày trước, thời bao cấp, ai cũng sống bằng đồng lương “ba cọc ba đồng”. Thu nhập, tài sản mọi người đều đơn giản như nhau nên chẳng ai bận tâm đến tiền bạc, mà có bận tâm cũng chẳng có thêm tiền. Ngày nay, cơ chế thị trường đang kéo theo nhiều cái mới khó ngờ, trong đó có cả cách nhìn nhận vai trò đồng tiền trong hạnh phúc lứa đôi. 

Chuyên viên tâm lý Trịnh Trung Hòa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Moon 18-10-2023 11:50:40

    Chồng vay nợ 2 tỷ đánh bạc thì vợ sao phải lo run 2 đầu gối rung bần bật. Nợ k chính đáng thì chồng tự lo, nợ ai nấy trả

    • Dolphinnguyen

      Run bần bật vì cô biết chồng mới cưới không có tiền. Nếu có tiền thì đâu có nợ. Ai chẳng biết cô vợ có quyền không trả nợ dùm chồng, những như vậy nghĩa là cuộc hôn nhân sẽ chấm dứt sau một ngày cưới. Ăn nói sao với cha mẹ đây. Có thể cô run bần bật vì giận bị chồng lừa đã không nói với cô ấy về món nợ 2 tỷ. Vì nếu biết cô ấy đã không cưới..

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI