Tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng nào để hưởng lãi cao?

06/05/2021 - 10:10

PNO - Trong khi các ngân hàng lớn nhà nước có lãi suất huy động thấp thì các ngân hàng nhỏ lại có lãi suất khá cao, chênh lệch khá lớn lên tới 2,5%/năm.

Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất tối đa theo quy định là 4%/năm nhưng hiện chỉ có ngân hàng Vietbank, GPBank là niêm yết lãi suất ở mức 4%/năm; NamABank và SCB là 3,95%/năm; OCB và PVCombank là 3,9%/năm. Còn lại các ngân khác đều có lãi suất thấp hơn dưới mức 3,5%/năm như Vietcombank chỉ có 3,2%/năm; ACB, Techcombank là 3,3%...

Ở kỳ hạn 6 tháng, nhóm 4 ngân hàng “ông lớn” gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank có mức lãi suất khá thấp chỉ dao động từ 3,8 - 4%/năm. Trong khi đó, tại một số ngân hàng khác, lãi suất kỳ hạn này khá cao, chênh lệch đến 2,25%/năm. Như ngân hàng CBBank là 6,25%/năm, NCB là 6,05%/năm, NamABank và VietABank là 6%/năm.

Lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thấp hơn so với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn
Lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thấp hơn so với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn

Tương tự ở kỳ hạn 9 tháng, nhóm 4 ngân hàng lớn cũng chỉ dao động từ 3,8 - 4%/năm. Một số ngân hàng khác thì lãi suất chênh lệch cũng khá cao từ 6-6,6%/năm. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online, các ngân hàng còn cộng thêm lãi suất huy động. Như NamABank, nếu gửi tiết kiệm tại quầy chỉ có lãi suất 6%/năm, nhưng nếu gửi online là 6,2%; tương tự tại SCB, nếu gửi tại quầy là 6,2%/năm nhưng gửi online lên đến 6,6%/năm.

Ở kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, nhóm 4 ngân hàng lớn tiếp tục giữ mức lãi suất cũ, dao động từ 5,5 - 5,6%/năm và đây cũng được xem là mức lãi suất cao nhất. Trong khi đó thì tại các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, lãi suất lên đến 7,4%/năm. Như ở kỳ hạn 12 tháng, SCB có lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, các ngân hàng khác là CBBank, VietABank, Kienlongbank có mức lãi suất là 6,5%/năm. Còn ở kỳ hạn 24 tháng, VietABank lên đến 6,9%/năm, SCB là 6,8%/năm, Kienlongbank là 6,75%/năm.

Tại một số ngân hàng khác như ACB có lãi suất tiền gửi lên đến 7,4%/năm nhưng điều kiện để hưởng lãi suất này là phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Còn dưới 30 tỷ đồng, ngân hàng áp dụng lãi suất là 6,6%/năm. Trường hợp khách gửi tiết kiệm trong thời gian ngắn từ 1-3 tuần, cho dù gửi dưới 200 triệu đồng hay trên 10 tỷ đồng thì lãi suất áp dụng chung chỉ có 0,2%.

So với hồi tháng 3/2021 có ngân hàng niêm yết lãi suất đến 8%/năm thì hiện nay lãi suất huy động tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm. Theo các chuyên gia, lãi suất huy động thấp là xu hướng chung của nhiều ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào. Theo dự báo của công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dịch COVID-19 tái bùng phát những ngày gần đây có thể khiến nhu cầu tín dụng yếu đi, lãi suất huy động vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở vùng thấp và có khả năng sẽ thấp hơn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI