Tiền lì xì là của con!

27/01/2020 - 06:05

PNO - Bị chị Thu la mắng, con bé 7 tuổi vừa khóc, vừa lớn tiếng cãi lại mẹ: “Tiền lì xì của con, con xài hết, sao mẹ la con?”.

Năm ngoái, ngày 30 Tết, tôi nghe tiếng chị Thu nhà bên cạnh la mắng con là bé Thu Hà. Con bé 7 tuổi vừa khóc, vừa lớn tiếng cãi lại mẹ: “Tiền lì xì của con, con xài hết sao mẹ la con?”.

Thì ra các dì của bé về quê ăn Tết nên đã lì xì trước cho cháu. Cầm tiền trong tay, bé Hà ra đầu ngõ thấy bán bong bóng, bèn mua gần chục cái chia cho các bạn cùng chơi. Khi con về nhà, thấy chỉ còn một cái bong bóng mà 200.000đ tiền lì xì đã hết, chị Thu la mắng con vì tội “tự ý xài tiền” và bị con “đáp trả”.

Lời qua tiếng lại, chị Thu giơ roi lên định đánh thì bé Hà gào khóc vì uất ức. Chồng chị giật lấy roi bẻ quăng đi rồi nắm tay con dẫn ra ngoài.

 

Tưởng chuyện tới đó là yên, nào ngờ ba ngày Tết bạn bè anh chị đến thăm, lì xì cho bé, bé lắc đầu nguầy nguậy: “Con không lấy tiền lì xì đâu!”. Mọi người thuyết phục nhưng bé kiên quyết “con không lấy! Con lấy mua đồ thì mẹ đánh đòn con” khiến chị Thu ngượng nghịu.

Sau Tết, khi mọi người hỏi thăm tình hình, chị Thu mới kể lại: vợ chồng bàn tính rồi nói chuyện với bé như với “những người lớn”. Đầu tiên là phải xác định: đó là tiền của bé, bé có quyền tiêu xài như ý thích. Nhưng vì đó là số tiền lớn, có thể để dành sử dụng vào những việc có ích, như mua tập sách, bút thước, kẹp tóc và nếu góp lại thì có thể mua gấu bông, búp bê - những đồ chơi mà  bé rất thích. Thoạt đầu anh chị vẫn chưa thuyết phục được bé, nhưng khi nói đến những món đồ chơi lớn hơn, những vật dụng cần thiết hơn mà bé rất muốn có, thì bé mới hỏi lại: “Bao nhiêu tiền thì mới mua được một trái banh L.O.L ở Mykingdom hả mẹ?”.

Thấy tình hình có vẻ tích cực, anh chị mới nhỏ nhẹ bảo ban con, dạy con hiểu giá trị đồng tiền, nói cho con biết ba mẹ phải vất vả lắm mới làm ra được đồng tiền. Và khi con nhận được tiền lì xì từ các cô, các bác thì ba mẹ cũng đã bỏ ra một số tiền tương đương để lì xì lại cho các anh chị em khác của con. Vì thế con phải biết quí tiền được lì xì, để dành để tiêu vào những việc có ích để không phải xin tiền ba mẹ.

Bé Thu Hà chớp mắt, im lặng hồi lâu rồi tự động gom hết tiền lì xì đưa cho ba mẹ: “Thôi con hiểu rồi. Đây cũng là tiền của ba mẹ, con trả lại ba mẹ nè!”. Chị Thu phì cười: “Con hiểu đúng nhưng chưa hiểu hết ý của mẹ đâu! Tuy cũng là tiền từ người lớn lì xì cho con cháu của nhau, nhưng đó là quà cho con cháu, thuộc quyền của con cháu rồi. Vấn đề mẹ muốn nói là con nên xài đúng chỗ và cũng cần nói với ba mẹ biết con định xài vào việc gì để ba mẹ góp ý cho con. Giúp con quản lý và chi tiêu tiền của con tốt hơn thôi”. Nói rồi chị tặng cho con chiếc hộp xinh xắn, có khóa tử tế và bảo bé cất tiền vào đó, khóa lại cẩn thận và cất vào ngăn tủ. Bé vui vẻ làm theo.

Tiền lì xì là tài sản của con!

Theo luật sư Đoàn Trọng Nghĩa - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM: "Các con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi và lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con - những điều này được quy định rõ ràng tại Khoản 1, Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo quy định này, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con.

Và nếu được áp dụng theo điểm a, Khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ.

Như vậy, nếu cha mẹ có hành vi chiếm đoạt tiền của con, sẽ bị áp dụng theo điều khoản này, và có thể bị phạt tiền đến 1.000.000đ.

Tuy quy định pháp luật là như thế, nhưng nếu mỗi ông bố bà mẹ biết dạy dỗ trẻ vào nền nếp, thì trẻ sẽ tự động biết dùng tiền đúng nơi, đúng chỗ. Nhiều phụ huynh vẫn giao hết tiền lì xì cho con tự giữ, nhưng vừa “hết mùng” là các bé gửi lại cho bố mẹ giữ dùm hoặc để bố mẹ đóng học phí…

Và tất nhiên, “kết quả” này là do cả quá trình ba mẹ, ông bà dạy con cháu cách tính toán, chi tiêu, quản lý tài sản chứ không chỉ vào dịp Tết.


Kim Quyên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Jorae Jinner 28-01-2020 18:03:57

    Bé nàỵ khác xa mình, 7 tuổi đã mua hàng ; mình thì 7 tủổi vẫn chưa tự mua sắm được gì cho bản thân, chỉ bịết mua hàng theo chỉ dẫn của ngừờì lớn.
    Mình hồi nhỏ, đữợc lì xì thì chẳng hiểu sao cô dì chú bác cậu mợ cứ đưa mình mà không đưa luôn bố mẹ, vì đằng nào nhận lì xì thì mình cũng đưa bố mẹ giữ cơ mà, làm gì phải mất công "truyền tay nhau" thế? Sau mới biết người ta đưa mình là để lấỵ may mắn cho năm mớị.

  • Hoàng Anh Tú 27-01-2020 19:17:48

    Các bác thì ba mẹ cũng đã bỏ ra một số tiền tương đương để lì xì lại cho các anh chị em khác của con.

  • Trần Anh Hào 27-01-2020 16:42:54

    Theo ý kiến của mình, tiền lì xì la tiền của cha mẹ.Hãy thử nghĩ khi bạn nhận được lì xì thì bố mẹ cũng bỏ ra ngần ấy tiền để lì xì cho con cháu của người đã lì xì cho các bạn. Ngoài ra, nếu cha mẹ không nuôi chúng ta thì để xem số tiền ấy nuôi được chúng ta bao nhiêu ngày? Gia đình giống như cùng trên ở một chiếc thuyền, chìm thì tất cả cùng chìm còn nổi thì tất cả cùng nổi. Vậy nên tôi khuyên các bạn nhỏ hãy coi tiền lì xì là tiền nuôi chúng ta, chăm sóc cho chúng ta khôn lớn .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI