Tiền lì xì của con về túi ai?

14/02/2024 - 08:35

PNO - Sau mấy ngày du xuân, ông xã báo đã xài hết hơn 5 triệu đồng để lì xì. Ngược lại, con trai “cá kiếm” được gần gấp đôi số đó.

 

Dạy con biết cách sử dụng tiền lì xì hợp lý và an toàn. Ảnh minh họa
Dạy con biết cách sử dụng tiền lì xì hợp lý và an toàn. Ảnh minh họa

Ông xã bảo, tiền lì xì không phải của con hết đâu. Mà đó là tiền “trả lễ”, như một cách “bánh ít đi, bánh quy lại” của người dân quê xứ mình. Chưa kể, có những người cả năm được anh giúp, tết đến xuân về, lì xì con nít là cách khéo léo để họ không vướng bận chuyện ơn nghĩa nợ nần.

Anh nói không sai, nhưng chuyện bố mẹ lấy lại tiền lì xì từ con cái tôi thấy hơi kỳ cục và khó xử vô cùng. Trẻ con không biết xài tiền và không nên giữ quá nhiều tiền bạc trong người. Tuy nhiên, các con hoàn toàn ý thức được đâu là tiền của bố mẹ, đâu là tiền của mình. Khi người lớn tặng hồng bao, các con thường khoanh tay chúc tết và cảm ơn. Người lớn vui, các con hiểu đó là việc làm đúng và các con xứng đáng nhận những đồng tiền lì xì mừng tuổi ấy. Cho nên, nếu nói số tiền ấy không phải một trăm phần trăm thuộc về các con, e rằng trẻ nhỏ sẽ có suy nghĩ khác không đúng về bố mẹ.

Nhưng ông xã vẫn cứ bảo, phải tìm cách để lấy lại, giữ bớt, không nên cho trẻ nít sở hữu số tiền lì xì mừng tuổi lên đến con số vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy phải thuộc về túi mẹ, hoặc túi bố. 

Không lấy bớt tiền của con thì cũng bị chồng cằn nhằn, không vui. Mà có lấy được thì tôi thật lòng cũng không muốn giữ chút tiền nhỏ ấy làm gì. Tôi sợ chúng hiểu nhầm bố mẹ mượn con đi thăm chúc tết họ hàng để “kiếm chác” lì xì. Thôi thì phải nghĩ cách nào đó để “giải ngân” hợp lý các đồng tiền mừng lì xì của con, để bố mẹ an tâm và các con cũng cảm thấy hợp tình, hợp lý hơn.

Tôi tìm cách vào group của các bà mẹ bỉm sữa quê tôi. Group có đến hàng trăm người. Đầu năm ai cũng chụp ảnh khoe con đi chúc tết, nhận lì xì. Trong số những mẹ bỉm sữa khoe tiền lì xì đó, tôi thấy có nhiều mẹ giống tôi, chưa biết phải làm gì cho hợp lý với số tiền lì xì kiếm được của con. Tôi bèn đặt một câu hỏi nhỏ xíu xiu, xem ý kiến mọi người ra sao, rằng: "Tiền lì xì của con nên thuộc về túi ai?".

Câu hỏi ngay lập tức nhận được rất nhiều phản hồi thú vị. Nhưng tất cả hầu như đều chung quan điểm, tiền lì xì của con không nên thuộc về túi bố hay túi mẹ. Nó là món quà người lớn tặng con đầu năm, mang theo lời chúc bình an và vui vẻ cho năm mới. 

Ngoài bỏ ống heo, bố mẹ có thể dạy con dùng tiền lì xì giúp đỡ bạn nghèo hoặc tham gia các chương trình xã hội ý nghĩa. Ảnh minh họa
Ngoài bỏ ống heo, bố mẹ có thể dạy con dùng tiền lì xì giúp đỡ bạn nghèo hoặc tham gia các chương trình xã hội ý nghĩa. Ảnh minh họa

Theo các mẹ, tiền lì xì của con phải là của con. Bố mẹ có thể hướng dẫn con gửi tiết kiệm ngân hàng, bỏ ống heo hoặc sử dụng chúng mua đồ chơi hợp lứa tuổi, sách vở, đặc biệt là truyện tranh, hoặc dùng số tiền đó đóng cho thầy đi học đá banh, học bơi, học võ sau tết. Hãy cho các con ý thức rõ việc sử dụng tiền bạc hợp lý và đúng mục đích để không bị phung phí. Ngoài ra, có thể dạy các con biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các trẻ nhỏ không nơi nương tựa, mái ấm. Cùng con lên chương trình mua quà bánh tặng các trẻ nhỏ để các con cảm nhận được hạnh phúc và ý nghĩa của việc biết thương người, san sẻ và cho đi khi bản thân mình được may mắn hơn.

Nghe những phân tích, chia sẻ sau khi tổng hợp từ nhiều ý kiến của các mẹ bỉm sữa, ông xã nhìn tôi có phần như ngưỡng mộ. Anh còn bảo cứ sớm triển khai những gì hợp lý đi, nhất là việc dạy con cái biết sống sẻ chia. Quá trình chuẩn bị và mua quà tặng cho trẻ nghèo, nếu có thiếu anh sẽ cho thêm.

Sử Quân Tử

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI