Tiền lì xì của các vì sao

19/02/2015 - 07:28

PNO - PN - Ba ngày Tết là ba ngày bất thường, vì những ngày tháng chưa Tết đều bình thường, không có gì đáng nói, đáng viết.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tien li xi cua cac vi sao

Chí ít trong suy nghĩ không bình thường của bé Can. Chẳng hạn như chuyện người ta lì xì cho con nít, chỉ Tết mới có chuyện không bình thường đó, nó làm cho con nít chờ Tết, mong Tết mau tới. Dịp này con nít còn được mặc áo quần mới, mang giày mới. Ngày thường nào có ai lì xì cho bọn nó cũng như hầu như không ai diện áo quần giày dép mới. Điều bất bình thường khác là thằng bé Can này chưa bao giờ được ai lì xì, dù nó ngồi chung với các nhóc bằng tuổi, nó chờ nhưng vẫn không có.

Tết năm đó, bé Can chỉ mới 13 tuổi. Người lớn nhìn bé xa lạ hờ hững, mà nó cũng sợ người lớn. Khuôn mặt trẻ con của nó do thiếu ăn nên hốc hác, vóc dáng gầy còm; nhìn nó có vẻ suy tư, già trước tuổi. “Một ông già lọm khọm trong lốt đứa bé khờ khạo”; càng trái khoáy hơn là đến Tết thì nó càng ngu càng khờ hơn, đáng lý ai được thêm một tuổi thì phải khôn hơn chứ, nó không khôn, dù đã “già khằn khú đế” như mọi người thấy. Thằng bé kỳ dị này Tết lại không vui, không mừng như các trẻ khác. Nhìn thằng nhỏ ai cũng nói chán quá!

Tien li xi cua cac vi sao

Nhà của cha mẹ Can ở trong ngõ hẻm gần ngã tư Trần Bình Trọng, từ đây đi một chút quẹo trái ra ngã tư Trần Hưng Đạo, lại rẽ trái đi thẳng không bao xa thì tới bùng binh trước chợ Bến Thành, còn rẽ phải đi ngược lại cũng không xa là đường Đồng Khánh, từ đây đi thẳng vô Chợ Lớn. Con đường này thường có chiếc xe lửa điện chậm chạp chạy đi chạy lại. Khu Trần Bình Trọng vừa là Sài Gòn vừa là Chợ Lớn. Điểm phân định hai khu này là nhà hàng Đồng Khánh (Chợ Lớn), qua ngã tư Nancy tới rạp chiếu bóng Văn Cầm (Sài Gòn).

Mà bé Can này cũng lạ, nó là đứa con nít thích tản bộ, thích lầm lũi rồi cứ nhìn dưới chân, mẹ nói cái tướng thằng này giống đi kiếm bạc cắc. Bé đi chậm và đi một mình. Thật ra lầm lũi là để nhìn cái bóng thui thủi của mình, nó ngã dài trước mặt, rồi đổ về phía sau lưng cứ sáng rồi chiều, buổi trưa bóng của nó lùn xuống ngay trước mắt, khi đó nó đứng lại nhìn bóng mình, nhìn chung quanh, trong đầu cứ thắc mắc: Tại sao Tết mà nó không được tiền lì xì?

Thằng Can chưa bao giờ có ai lì xì, cho tới tuổi trưởng thành, trong túi nó vẫn không có một xu. Với cái quần ai cho không nhớ, rộng thùng thình như quần của ông hề Sạc-lô, bạn thân của bé trong các rạp chiếu bóng. Bé thích Sạc-lô, bé luôn mỉm cười khi coi phim về ông hề lớn này, nó cũng cười chính mình vì mình với đôi giày bata dẹt gót, hai bàn chân ngoác ngược ra kỳ cục không khác ông ta.

Tien li xi cua cac vi sao

Với tướng tá cùng bước đi khác người như vậy, bé cứ xuôi ngược Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi bất chợt dừng lại đứng nhìn những tấm bảng quảng cáo phim say mê, đôi lúc bé xin người gác cửa rạp chiếu bóng cho mình vô coi cọp phim. Thường thì người ta không cho mà còn đuổi đi. Nhưng lạ là người ta lại cho mới kỳ. Người ta không nhiệt tình mà hờ hững cho nó như một thói quen. Có lẽ người ta đã quen với ý nghĩ “thằng này làm gì có tiền”. Nhờ vậy có khi suốt ngày nó ngồi trong rạp chiếu bóng. Nó biết phát xít Đức, thế chiến thứ hai... và nhiều việc lớn qua phim ảnh.

Thằng bé cứ thế sống suốt trong bóng tối mờ mờ của rạp chiếu bóng với những hình ảnh của đủ thứ phim truyện. Cũng có khi đèn bật sáng để sang suất chiếu khác, nó nhìn quanh chỉ thấy hàng trăm chiếc ghế trống buồn hiu, chỉ mỗi một người là nó. Bụng đói meo, trong túi (nếu có túi) vẫn cứ không tiền. Cũng như từ nhỏ tới lớn không hề có bạn gái nào thương nó. Nó hay ngủ vùi trong rạp chiếu bóng, khi ra khỏi rạp thường là chiều tối, trước sân rạp buồn tênh, đường phố vắng tanh.

Tien li xi cua cac vi sao

Bé Can lủi thủi về nhà. Cha không la rầy hay lo lắng gì về nó, cây cỏ mọc lên là biết tự sống. Còn mẹ thì nhìn nó như không có mặt, bà cũng chẳng nói gì. Ngôi nhà im lặng suốt nhiều năm, ngoài việc xem chiếu bóng, Can làm bạn với lũ cá lia thia nhiều màu sau hè nhà.

Nhà bên có con nhỏ trạc tuổi bé Can, nó cũng hay nhảy cò cò một mình. Khi đã già, Can mong muốn thấy lại cảnh cũ, một hôm ông ta thủng thỉnh đi vào ngõ hẻm xưa, không hẳn là tìm cô bé, mà chỉ là nhìn khung cảnh cũ thôi xem nó thế nào. Nhưng ngôi nhà đó đã có chủ khác...

***

Hôm nay là ngày mồng Một Tết. Phố vắng tanh. Mồng Một nhiều người cữ không ra đường, không tới thăm ai. Một hàng dài xe taxi con cóc xanh trắng đậu bên đường, ông già đạp xích lô nằm gác chân trên càng xe, ngủ khò. Đàng sau đàng trước bé Can không người, Sài Gòn - Chợ Lớn như bị ma nhập, văng vẳng nghe tiếng trống múa lân nhưng không thấy con lân hay các võ sĩ ở đâu. Đội lân đang múa trong cái hẻm nào đó chăng? Tết thường có những khoảng không gian im lặng tới nỗi “nghe” tiếng bong bong trong tai.

Tien li xi cua cac vi sao

Bé Can tội nghiệp cứ mãi lang thang cho tới khi qua khỏi rạp chiếu bóng Văn Cầm, trước rạp có tấm panô quảng cáo phim Zoro hay phim Táczăng, nhưng sáng nay người ta không chiếu mà cũng không có ai coi. Mọi nơi mọi chỗ không một bóng người. Duy chỉ có chiếc xe lửa điện vẫn bò trên thanh ray cũ mòn bóng láng, trên xe không có hành khách. Các quán hàng hai bên phố trống huơ trống hoác. Thằng nhỏ ước ao, phải chi nó gặp ai đó trên đường, rồi được ai đó cho một phong bì đo đỏ, trong đó có vài xu tiền lì xì… thì hay biết mấy.

Nó dừng lại bên kia đường, ngồi xổm nhìn chiếc xe lửa điện cặm cụi bò đi. Bỗng nhiên nó phát hiện có một phong bao lì xì của ai làm rơi, nằm giữa đường ray nóng bỏng. Bé Can lo lắng đứng lên nhìn rồi lại ngồi xổm dưới lề đường nhìn chiếc bao đo đỏ, chung quanh không có ai. Nó cứ ngồi đó, đứng đó lưỡng lự, tần ngần nhìn cái bao lì xì, thỉnh thoảng có chút gió lay nhẹ cái bao đỏ, gần chiều thì gió mạnh hơn, cuốn chiếc bao bay đi. Thằng nhỏ hốt hoảng chạy theo chiếc bao bị gió cuốn.

Chiếc bao lì xì vẫn bay giữa hai thanh ray. Bé Can mải miết chạy theo, qua rạp chiếu bóng Đại Nam, bên trái là khu nhà của lính chữa lửa, tới đàng kia là nhà hàng Văn Cảnh, đường vô khu dân sinh, trước mắt là nhà ga xe lửa lớn, và phòng trà Hòa Bình, dưới phòng trà người ta gửi đầy xe đạp. Bên kia đường có quán ăn tây hiệu Thanh Bạch, trước quán là bến xe buýt, từ đó nhìn qua là bùng binh chợ Bến Thành vẫn vắng hoe. Cái bót cảnh sát Lê Văn Ken cũng nằm cạnh nhà thương Sài Gòn, cạnh rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi buồn buồn.

Tien li xi cua cac vi sao

Ngày mồng Một qua thật mau, mới sáng đó, trưa đó, chiều đó. Bây giờ cái bóng bé Can nhạt nhòa giữa khuya, có tiếng còi báo động, một vệt sáng của đèn pha cực mạnh soi thẳng lên bầu trời đen thăm thẳm ẩn hiện các vì sao lấp lánh. Bé Can quỳ xuống như làm lễ, nó còn chống tay xuống giữa hai thanh ray, cúi sát mặt nhìn cái bao lì xì mới toanh, mà không dám đụng tới cái bao... chỉ sợ nó tan biến đi thì khổ, thì mất vui, thì còn gì là Tết. Tự nhiên có một làn gió khá mạnh từ hướng Nhà hát Lớn, tít đàng xa thổi tới, bé Can ngẩng đầu lên, ngọn gió thổi cái bao lì xì bay lên lơ lửng.

Can ngửa hai bàn tay như ăn mày, gió bỗng lặng thinh, cái phong bao lì xì rơi xuống hai bàn tay khẳng khiu của đứa bé già nua. Bé tội nghiệp từ tốn đứng lên, hai bàn tay vẫn lật ngửa. Trên đó là bao lì xì đầu tiên của nó, trong đó hẳn là tiền, số tiền đầu tiên nó có. Vì người lớn vẫn hay lì xì cho con nít mà. Cao thật là cao trên kia, vệt sáng của đèn pha tìm máy bay, và các vì sao vẫn lấp lánh, bé Can nói thầm: Cám ơn sao.

Nó cứ nghĩ, hình như cái bao lì xì từ trên trời rơi xuống. Can vẫn ngửa tay, trên tay có bao lì xì đi chầm chậm qua nhà thuốc Nguyễn Văn Cao, đi dọc theo đường Lê Lợi giữa khuya cho tới thềm Nhà hát Lớn. Nó ngồi trên các bậc thềm cũ, bây giờ mới dám cúi nhìn chiếc bao lì xì. Hình như có thật!

Tien li xi cua cac vi sao

Bé cứ ngồi im lặng. Qua mười hai giờ, ngày mồng Hai Tết đã tới. Cái Tết này lạ, nó không chỉ là Tết năm đó, mà kéo dài cho tới khi bé Can 18 tuổi, 21 tuổi, 28 tuổi cho tới bây giờ Can đã 70 tuổi rồi thì Tết lại đến, mà hôm nay là ngày mồng Một.

Ông Sạc-lô ngồi bên công viên nhìn qua Nhà hát Lớn. Nơi này người ta đã sửa sang lại cũng như các khách sạn, nhà hàng chung quanh. Ông ngồi tới chiều rồi gần tối, nhìn mọi người tấp nập vui Tết. Ông chăm chú nhìn các bậc thềm nhà hát... ông thấy thằng bé năm đó ngồi bần thần nhìn cái bao lì xì. Bất chợt bé ngước mắt nhìn lên cao, nơi có những vì sao sáng lấp lánh. Chỉ có sao, không có vệt sáng của đèn pha truy tìm máy bay như năm nào trong ký ức. Thay cho các vệt sáng u tối ngày đó, bây giờ là những chòm pháo bông nhiều màu sắc chói lòa trên bầu trời ngày Tết vui tươi.

Bé cúi xuống nhìn cái bao lì xì đỏ thắm trên tay. Nó ngần ngừ lấy ra một tờ giấy bạc Đông Dương khổ lớn đã khá cũ. Bé thận trọng xé đôi tờ giấy bạc, vì nó nghe người lớn nói: thời này không có nhiều bạc lẻ, xé đôi tờ bạc lớn cũng xài được phân nửa, hay dùng làm tiền lẻ để thối. Bé Sạc-lô giữ cho mình nửa tờ, còn nửa tờ bỏ lại trong cái bao lì xì, đặt lại trên bậc thềm nhà hát. Biết đâu lại có thằng bé Sạc-lô khác, không được ai lì xì, sẽ tìm thấy cái bao tiền đo đỏ.

MẠC CAN

Từ khóa lì xìMạc Can
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI