Tiền không thiếu sao doanh nghiệp vẫn đói vốn?

13/12/2022 - 15:24

PNO - Đó là nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 13/12.

 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang cần vốn nhưng việc tiếp cận còn nhiều khó khăn
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang cần vốn nhưng việc tiếp cận còn nhiều khó khăn

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng là rất tích cực. Nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dang dở khi trái phiếu doanh nghiệp (DN) chưa phát hành được, khoản nợ đến hạn thanh toán, người mua nhà phải giải ngân… sẽ được giải quyết. Các DN đang rất cần vốn do thời gian qua chi phí vốn của DN đã tăng thêm từ 7-14%, trái phiếu của DN giảm từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng DN bất động sản càng khó phát hành hơn do đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý.

Theo ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, các DN sản xuất chịu áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao. DN đang rất đói vốn, việc nới hạn mức tín dụng là điều đáng mừng nhưng từ chính sách đến thực tiễn có độ trễ. Các DN mong muốn từ chỉ đạo này, các ngân hàng sớm nới room tín dụng để DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giúp DN vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel - cho rằng, sau dịch COVID-19, Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng DN nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm trọng nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có. "Chúng tôi gửi gắm Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ thiết kế chính sách cho 2 ngành mũi nhọn này" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - lấy hình tượng đám ruộng khô, thiếu nước (minh họa cho tình trạng thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh) nhưng thật sự có 1 hồ chứa nước rất lớn bên cạnh (là tiền), trong khi kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng thì đang bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có. Việc nới hạn mức tín dụng sẽ giúp nước trong hồ sẽ chảy 1 phần qua ruộng để giải tỏa "hạn hán".

Nếu tổ xử lý điểm nghẽn của thị trường bất động sản gỡ được những vướng mắc thủ tục hành chính của những dự án, cũng tạo thêm kênh dẫn vốn tiếp theo. Gói hỗ trợ lãi suất 2% được đẩy mạnh, những đối tượng có thể vay được, Nghị định 65 về phát hành trái phiếu DN sớm sửa đổi - “Những giải pháp đồng bộ như vậy, cần tiến hành nhanh chóng, thì dần dần, nước trên hồ sẽ chảy được xuống ruộng. Tôi tin, từ giờ trở đi sẽ bắt đầu có nước chảy vào ruộng nhiều hơn” - tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất.

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đang kiến nghị với Chính phủ cân bằng lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cân bằng rủi ro. Thời gian qua, việc kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn nhiều dòng vốn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng. Do đó, cần phải cân bằng giữa ngân sách và hỗ trợ DN.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI