Chiều, anh Tuấn hỏi mượn ít tiền để trả cho thầu do xây nhà phát sinh thêm. Anh rất ngại với anh ấy khi nói "để em về nói với vợ em". Có khi nào anh Tuấn nghĩ anh đang từ chối, vì anh là chủ gia đình, mấy chục triệu không tự quyết được, còn về hỏi vợ?
Từ ngày lấy nhau, anh đưa hết lương cho vợ, chỉ nhận lại đủ tiền xăng xe và một ít phòng hờ, anh nghĩ vậy cho khỏe bởi không phải người kỹ tính, có vợ lo hết khỏi nặng đầu.
|
"Tiền em gửi ngân hàng, rút cho ảnh vay, rồi khi nào trả?". Ảnh minh họa |
Nhưng càng ngày anh càng thấy không ổn, vợ là ngân hàng một chiều, nộp vào một cửa còn lấy ra tám cửa chưa xong. Vài trăm một triệu không sao, vài triệu là vợ sẽ truy đến đầu suối đáy sông, rồi có đưa cũng cằn nhằn cử nhử.
Đúng như anh nghĩ, nghe anh nói muốn cho bạn mượn, vợ nhíu mày: “Tiền em gửi ngân hàng, có lời hàng tháng. Rút cho ảnh vay, rồi khi nào trả?”.
“Hồi mình mới cưới, ảnh cũng cho mình mượn tiền mua xe mà!”.
“Có mấy trăm bạc mà giờ anh định báo ơn bằng mấy chục triệu hả? Ai xây nhà không vay mượn, ảnh đâu phải mượn riêng mình, khi trả chắc gì trả mình ngay? Ở nhà trọ mà có tiền cho bạn mượn xây biệt thự, giàu quá!”.
Anh nhìn vợ, không nghĩ đây là người mình từng yêu và cưới về chung sống chục năm nay. Anh biết vợ chi li cặn kẽ nhưng có đến mức keo kiệt và xúc xiểm bạn bè anh như vậy không?
Chưa một ngày anh để vợ con thiếu thốn, hết giờ cơ quan còn về phụ vợ cơm nước, chủ nhật đứng hai tiếng đồng hồ ủi đồ cho cả nhà, mỗi tối nhận nhiệm vụ phơi đồ, trông con học. Hồi đầu năm, vợ chồng tính xây nhà thì vợ gạt đi, nói mảnh đất đang cho thuê tháng được gần chục triệu, đi thuê lại nhà nguyên căn sáu triệu cũng còn đủ tiền chợ. Tiết kiệm thêm thời gian nữa xây luôn cái nhà cho đàng hoàng.
|
Anh biết vợ chi li cặn kẽ nhưng có đến mức keo kiệt và xúc xiểm bạn bè anh như vậy không? Ảnh minh họa |
Anh thấy vợ tính cũng có lý, chỉ cần cô ấy không tủi thân khi ở nhà thuê là được. Thế mà nay vợ lại lấy lý do đó để từ chối. Mấy chục triệu to thật, nhưng làm sao to bằng tình bạn của anh với Tuấn. Hồi cưới, anh phải vay anh Tuấn, lúc trả ảnh còn không chịu lấy, nói anh mua cái xe đàng hoàng hơn chở vợ đi làm. Mới đây chứ xa xôi gì mà vợ nhanh quên.
Anh gọi điện về cho em gái, nó hừ: “Em đã nói ngay từ đầu mà anh gạt đi, còn nói em là bà cô khó tính. Tiền làm ra để tiêu chứ đâu phải để đóng khung mang chưng. Người ta nói đàn ông làm chủ gia đình mà anh!”.
Lúc anh mang tiền đến, anh Tuấn có vẻ ngạc nhiên. Anh hiểu tại sao anh Tuấn lại có thái độ đó, chuyện anh bị vợ quản đã lan rộng rồi. Chưa kịp xấu hổ thì anh Tuấn đưa lại gói tiền: "Anh mượn được rồi, món này chắc phải mượn lâu nên anh mượn anh em bà con, chú mang về trả cô ấy đi!".
Không còn xấu hổ nữa mà đã thành nhục nhã. Vợ có biết vợ đã làm gì không? Bấy lâu anh nhịn vì nghĩ chuyện không có lớn, như việc vợ mua quà cho bố mẹ hai bên cũng cân đo đong đếm, thay vì mua hộp hạt điều nguyên hạt thì vợ nói mua gói hạt tách nửa, giá giảm một phần ba, mua về cũng ăn thôi, mua đồ đắt tiền phí đi.
|
Tiền hết lại kiếm nhưng tình cạn thì khó đầy lại lắm. Ảnh minh họa |
Với bố mẹ mình, anh nhịn vì ông bà ở quê, con cái về là mừng, quan trọng gì quà cáp, nhưng bố mẹ vợ ở thành phố, mấy thứ này có hiếm lạ gì. Mỗi lần về chơi, anh lại phải nhận ánh mắt coi thường của hai cô em vợ. Buồn cười là họ không trách anh nghèo, mà xem thường vì anh không biết dạy vợ, quản gia đình.
“Đồng tiền liền khúc ruột”, vợ tính toán với tất cả, vợ chồng tuy ở nhà thuê nhưng rộng rãi tự do mà chưa bao giờ anh có cơ hội mời bạn bè về ăn một bữa cơm. Có tiền mang gửi tiết kiệm nhưng mua sắm gì cho chồng con, vợ cũng tiếc; quần áo anh có đủ sáu bộ mặc cho một tuần, thêm hai bộ đi khách khứa, vợ là phụ nữ cũng không dám ăn mặc chưng diện. Đôi lần bạn bè rủ đi chơi vợ cũng từ chối, nói bận công chuyện, thật ra là ở nhà. Vợ sợ phải đến đó nghe bạn bè khoe mua cái váy mấy triệu, thỏi son mấy trăm. Thậm chí đi đám cưới vợ cũng nói đi một người thôi cho đỡ tốn. Anh có để vợ thua bạn kém bè đâu, bắt chồng buộc con sống kham sống khổ vậy để làm gì?
Không phải anh lôi chuyện cũ ra nhắc mà nó tự ùa ra như khơi trúng mạch. Anh thấy mệt mỏi và xấu hổ. Anh biết tiền quan trọng nên cố gắng làm việc, muốn mang lại cuộc sống thoải mái cho vợ con, không nghĩ vì vợ coi trọng nó quá khiến vợ chồng căng thẳng, gò bó cả những mối quan hệ khác. Tiền chỉ là phương tiện, hết lại kiếm nhưng tình cạn thì khó đầy lại lắm.
Anh đang đợi vợ về để nói chuyện thẳng thắn, tiết kiệm là tốt, nhưng có cần phải tính toán hơn thiệt ngay với người nhà, người ơn?
Phan Thùy Anh (Quảng Nam)
Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự...
Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|