Tiền gửi vào ngân hàng tăng cao bất kể lãi suất giảm

22/04/2025 - 09:16

PNO - Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực II, đến cuối tháng 3/2025, tổng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại TPHCM đạt 1,51 triệu tỉ đồng, chiếm 37,2% tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đáng chú ý, tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì đà tăng trưởng ổn định qua từng tháng trong quý I/2025. Sự tăng trưởng này cho thấy bản chất tiết kiệm, tích lũy của người dân, hướng đến việc sinh lời để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Người dân vẫn chọn kênh đâu tư là gửi tiết kiệm ngân hàng -  Ảnh: Thanh Hoa
Người dân vẫn chọn kênh đầu tư là gửi tiết kiệm ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa

Thứ nhất, trong 3 tháng đầu năm 2025, tiền gửi tiết kiệm dân cư liên tục tăng trưởng dương, với mức tăng lần lượt là 1,65% trong tháng Một; tăng 1,35% trong tháng Hai và tăng 1,54% trong tháng Ba. Xu hướng tăng trưởng đều đặn này cho thấy sự ổn định và niềm tin của người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tiền gửi tiết kiệm tăng là do cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất tiếp tục phát huy tác dụng. Sự ổn định kinh tế vĩ mô, việc kiểm soát lạm phát, giữ vững giá trị đồng tiền Việt Nam cùng với chính sách lãi suất hợp lý là những yếu tố then chốt thu hút và khuyến khích hình thức tiền gửi tiết kiệm truyền thống này.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ tiền gửi ngân hàng nói chung và dịch vụ tiền gửi tiết kiệm dân cư nói riêng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh lợi nhuận từ lãi suất, người gửi tiền còn được hưởng nhiều tiện ích liên quan như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tín dụng và thẻ ngân hàng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại đã mang đến các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm đa dạng, linh hoạt và nhiều lợi ích, giúp người dùng dễ dàng giao dịch, gửi và rút tiền với kỳ hạn và số tiền linh hoạt.

“So với các kênh đầu tư khác, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng mang lại sự an toàn và hiệu quả vượt trội. Lợi ích thu được là tối đa trong khi rủi ro lại thấp nhất. Người gửi tiền không cần tốn nhiều thời gian và công sức để phân tích, nghiên cứu và đánh giá thị trường như các hình thức đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng – những kênh đầu tư có mức độ biến động và rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn và khả năng phân tích để đưa ra quyết định đúng đắn” – ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Tính đến ngày 22/4, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cao nhất thị trường hiện nay là 4,15%/năm thuộc về VCBNEO. Tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,7%/năm về VCBNEO; tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 6%năm thuộc về GPBank. Kỳ hạn 18 tháng cao nhất thị trường hiện nay là 6,1- 6,15%năm thuộc về GPBank và HDBank.

Như vậy, so với đầu tháng 4/2024, lãi suất huy động đã tăng thêm 0,5%/năm ở kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn còn lại đều giữ nguyên.

Trước đó, một số tổ chức tín dụng đã có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, đã đẩy lãi suất huy động lên cao, gây áp lực không nhỏ lên lãi suất cho vay. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành công điện, yêu cầu ngành ngân hàng nghiêm túc thực hiện các biện pháp hạ lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã ghi nhận mức giảm đáng kể 2,3% trong giai đoạn 2023-2024 và tiếp tục giảm thêm 0,6% trong 3 tháng đầu năm nay.

Ông Quang khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cam kết tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm duy trì sự ổn định của mặt bằng lãi suất cả ở khâu huy động và cho vay, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI