Tiền gửi tiết kiệm của người dân vào các ngân hàng tăng mạnh

21/06/2024 - 15:04

PNO - Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thấp, nhưng lượng tiền gửi của người dân trong tháng 3/2024 tăng đến 144.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, tính đến tháng 3/2024, tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt 6,67 triệu tỉ đồng, tăng hơn 39.000 tỉ đồng so với tháng trước và tăng hơn 144.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023 (tăng 2,2%). Đây là mức gửi cao kỷ lục từ trước tới nay.

Trong khi tiền gửi cư dân tăng thì tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại có xu hướng giảm hơn 3,1% so với cuối năm 2023, đạt 6,62 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên so với tháng 2/2024 vừa qua, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 147.000 tỉ đồng.

Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp, nhưng lượng tiền gửi của người dân vẫn tăng tích cực là do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Thời điểm tháng 3/2024, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất chỉ có 3,5%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 4,6%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 5,3%/năm.

Lượng tiền gửi tiết kiệm tăng cao kỷ lục nhưng hiện nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp khá thấp
Lượng tiền gửi tiết kiệm tăng cao kỷ lục nhưng hiện nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp khá thấp

Dù lượng tiền gửi tại các tổ chức đang rất dồi dào, nhưng nhu cầu vay vốn của người dân vẫn khá thấp. Tính đến cuối tháng 3/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,34% so với cuối năm 2023. Còn tính đến thời điểm hiện tại tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 3,79% so với cuối năm 2023, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 là mức 4,03%.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 cải thiện dần qua các tháng, số vốn mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhu cầu vay vốn còn thấp, tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, có những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng âm.

Điều đó cho thấy tổng thể nhu cầu vay vốn trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế còn những khó khăn.

Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi do nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn thấp, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.

“Trong thời gian tới, đề nghị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tiếp tục rà soát đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản đảm bảo để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng” - Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI